Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

DƯ CÂN BÉO PHÌ - PHẦN II


            Phần I Chúng tôi hân hạnh trình bày hướng tổng quát trong tầm nhìn về tình trạng DƯ CÂN BÉO PHÌ hiện nay.  Phần II chúng tôi xin được trình bày rộng hơn sáu đề mục mà chúng tôi đã nêu, giúp giải quyết phần nào tình trạng ấy. Sau đây là đề mục TẬP DƯỠNG SINH. 
Ly. Linh Phù

1.    TẬP DƯỠNG SINH:

Thuật ngữ nầy nói đến phạm trù rất rộng, bao gồm rất nhiều phương pháp, phạm vi ảnh hưỡng rộng lớn trong dự phòng và đẩy lùi bệnh tật, nhất là các bệnh mãn tính. Dưỡng sinh không phải chỉ chú trọng đến tình trạng dư cân và béo phì. Nó có thể trả lại cái tự nhiên vốn có của con người như nó là. Con người gồm tâm hồn và thể xác, nên có cái nhìn về con người tòan vẹn như thế, để khi tập dưỡng sinh không chỉ tác động vào thân thể mà còn đi sâu hơn vào môt thực tại quý giá làm nền tảng chuyển biến lớn lao thân xác con người chính là tâm hồn.
Người ta có thể tập dưỡng sinh suốt đời, chứ không nên suốt đời trông chờ vào sự uống thuốc. Dưỡng sinh đem lại niềm vui rất lớn, sự bình an, niềm an lạc vô biên của cuộc sống. Đừng tiếc thì giờ cho nó, chắc chắn quý vị sẽ đạt được thành quả lớn lao.
Dưỡng sinh phải có Trí, sự biết về phương pháp thật tốt, chứ không phải làm bừa mà đem lại kết quả được. Có lẽ nên nhờ người có chuyên môn, bài tập phù hợp với điều kiện cho riêng mình, thường tốt hơn mình tự nghiên cứu. Tuy vậy cũng phải nghiên cứu thêm sau khi được truyền giảng, để cái hiểu về bài tập được sâu rộng thêm.
Dưỡng sinh cần phải có nỗ lực thời gian đầu, qua được thời gian đầu thì về sau không khó.
Theo ý riêng chúng tôi nhận thấy, dưỡng sinh là liều thuốc quý nhất mà đời làm thuốc chúng tôi đã nhận ra, lẽ tất nhiên phải cẩn thận có người hướng dẫn. Dưỡng sinh là vật báu mỗi người nên trang bị cho mình, cho thời đại ngày nay. Vậy phải trang bị nó như thế nào để đem lại kết quả, niềm vui và an lạc cuộc sống.
 Dưỡng sinh phải chú trọng bốn chữ sau: TÂM, Ý, KHÍ, HÌNH.

TÂM TRONG, Ý ĐỊNH, KHÍ BÌNH,
HÌNH NHƯ SÓNG LƯỢN, THẤT TÌNH CHẲNG VƯƠNG.

·          TÂM
 Tâm muốn nói ở đây chính là Chân Tâm ([1]), một thực tại chiều sâu của con người. Biến hiện bên ngòai có thể nhận biết là bằng tâm thức, là cái biết biến hiện dẫn dắt không ngừng nghĩ, luôn luôn suy diễn, đẩy đưa, hối thúc, làm con người phải bị cuốn hút hành động. Cái tâm thức nầy làm căng thẳng tột độ với người bị stress, vấn vương xót đau với người tội lỗi, ray rứt buồn bã với người gặp thất bại, biến sắc với người dối gian bị bắt quả tang… hối thúc con người cuồng lọan, tâm thức nầy lôi cuốn bởi lòng tham muốn không ngừng nghĩ của dục vọng cuồng điên của bản năng. Tâm thức nầy thường bị điên lọan bởi kết tinh của sự ác, dối, tham ([2]), độc… làm hư họai thân xác con người, dẫn thân xác càng mau băng họai do thúc dục bởi một năng lượng lôi kéo như cái máy chạy hết ga mà không biết chạy đi đâu? Và như thế làm sao có thể làm cho Nó yên định được? Có nhiều phương pháp cho Nó yên định được, có trong kho tàng kinh nghiệm của nhân lọai, đầy ắp và phong phú: “Vạn pháp tùy duyên”. Không phải mau chóng thành tựu liền được, nhưng chắc chắn sẽ thành tựu. Đối với xã hội, con người dùng hình luật để tạo nếp răn đe, hãm bớt sự cuồng lọan của tâm thức vọng dục. Đối với tôn giáo hoặc các phái tu tập con người dùng giới hạnh để tạo bước lành, làm thăng tiến tâm thức thanh tịnh lần lần đưa đến sự an định. Tâm thức ([3]) chính là cái suy nghĩ viễn vông (vì nó không thường), biến hiện do điều kiện của cuộc sống, do kiến thức thu nạp, do kinh nghiệm đường đời, do dạy dỗ mà có, do trào lưu xã hội, do dục vọng thôi thúc, do ý thức hệ, do nhân sinh quan… hôm nay, từ trước, và niềm hy vọng cho mai sau. Đây là những cái không thường ([4]), không chắc, nên gọi là không có chân. Tâm thức không phải là chân tâm, chân tâm thì thường hằng bất biến, vì bất biến nên mới an định, mới trong trẻo làm thân người được yên, thân yên thì không hao tổn nên mới giữ được nguyên khí, nguyên khí tồn giữ thì mạng mới vẹn tòan. Vì vậy tại sao tập dưỡng sinh thì phải chú trọng tâm được yên là vì lẽ đó.

·          Ý:
Khi tâm đã bình thì ý định, khi tâm không bình thì ý không định, ý là dây của tâm, là ngọn, chỉ dấu bên ngòai. Khi thấy ý không thể định là lòng không yên. Tập dưỡng sinh phải thấy được ý để điều chỉnh, khi ý định thì tập rất dễ dàng các động tác, và mang lại hiệu quả thiết thực.

·          KHÍ
Khí là dấu của tâm, tâm bình thì khí bình, tâm bất an thì khí lọan. Khi tập phải chú trọng khí sâu, đều, êm, nhẹ. Nhiều người sống biết rất nhiều, học giỏi nhiều thứ… ngay chính nhiều người trong ngành y tế chuyên chăm sóc bệnh tật, điều trị sức khoẻ cho nhiều người … khi được hỏi về “THỞ” thường cũng ít người biết sâu, biết cặn kẽ. Trong công tác điều trị, với nhiều bệnh nhân và rất nhiều thứ bệnh tật nói chung, chúng tôi nhận thấy đa phần bệnh nhân không biết thở đúng, thở tốt… nó cũng chính là một phần nguyên nhân của bệnh tật, đồng thời cũng là một phương cách hỗ trợ điều trị hữu hiệu nhiều chứng bệnh nan giải, nó là phương thế rất giá trị trong vấn đề dự phòng bệnh tật. Vì thế khi nghiên cứu và tập luyện một phương pháp thở nào đó sẽ góp phần to lớn cho công tác gìn giữ sức khoẻ, giảm thiểu nhiều tốn kém vô ích và thời gian sống trong tình trạng bệnh tật nói chung. Chúng tôi nghiệm ra một cách bảo vệ nó tương đối dể dàng thuận tiện với mọi người, trong nhiều hòan cảnh, không tốn kém. Với phương châm “dể hiểu, dể làm và làm có hiệu quảHơi thở là dấu hiệu của đời sống, dấu hiệu của sức khoẻ và cũng là dấu hiệu của tâm hồn. Khí bình ([5]) thì tâm bình, khí nghịch thì tâm loạn, chỉ hít vào rồi thở ra, cử động rất bình thường nhưng hết sức trọng yếu. Cổ nhân thường nói luyện khí công công phu, là điều khiển sự hít thở này lâu ngày, có phương pháp cụ thể. Chính vì nó có giá trị to lớn về bảo vệ sức khoẻ. Khi thở thường phải Nhớ, Biết, Quen với tập quán bốn chữ sau:
a.                SÂU: làm cho nó đầy, không phải thở bằng mũi mà thở bằng ý. Có thể hiểu như sau: con người có đầy đủ mũi và cơ quan hô hấp bên trong, tuy vậy vẫn thở rất cạn, ngắ không đều…do không có ý điều khiển nên cái thở đó là thở tự nhiên. Bây giời có ý thở sâu, lập tức hệ thống hô hấp bắt đầu thở được sâu liền, chính là thở có ý. Sau đó lại NHÌN THấY Ý đang điều khiển hơi thở và cảm nhận sự điều khiển ấy, lâu ngày sự cảm nhận ấy càng ngày càng rõ, như thế chúng ta nhận ra được thở bằng ý là thở như thế nào.
b.                ĐỀU: vào ra đều đặn, không thúc bách, không bồn chồn. Hễ tâm ý có gì thúc bách lập tức hơi thở sẽ không đều. Do tập đều lâu ngày trở thành nếp thở tự nhiên đều và tâm được yên lành thảnh thơi vui vẻ.
c.                 ÊM: vào ra không nghe tiếng thở. Khi có dịp quý vị có thể quan sát con Rùa thở, nó thở như không thở, gần như bất động. Mêm mại, bao dung, thư giản, tự chuyển đổi. Trong ánh mắt của nó êm ả lạ thường, không vội vả, không chộn rộn, không bồn chồn. Thường gọi là QUY TỨC (kiểu con Rùa thở).
d.                NHẸ: gần giống như êm, hai từ nầy bổ túc cho nhau một trạng thái êm đềm thỏai mái tự nhiên của hơi thở khi đang tập dưỡng sinh. Tuy vậy có những bài cần thở mạnh, thì cũng phải nắm hơi thở đừng co căng cứng quá mức dẫn đến căng thẳng, khi tập xong sẽ mệt. Tập xong mà mệt là không đúng với tư thế, mục đích của dưỡng sinh.

·        HÌNH:
Có rất nhiều bài tập, công cụ tập hiện đại. Quan trọng là mềm, dẻo, dãn, đúng, dừng. Hình như sóng lượn, nói cái còn non yếu, đang trên đà phát triển, cái khởi đầu của con người khi còn tấm bé, mêm mại , uyển chuyển. Dưỡng sinh chính là làm cơ thể trở lại hết sức mềm mại, nên mới gọi như sóng lượn. Không gồng cứng cơ thể, co các cơ, mà là buông lỏng, càng lỏng càng hay. MỀN, DẺO, DÃN tạo sự thông suốt của khí huyết. DỪNG tư thế một chút trên người béo phì làm động tác tăng tác dụng tiêu hao năng lượng rất lớn. Thường dừng làm căng và người tập phải cố gắng rất lớn mới dừng được, khi tập tư thế đến chổ giới hạn nên dừng có chủ ý một chút thì kết qủa thường tốt hơn nhiều. ĐÚNG tư thế rất quan trọng vì khi trình bày một bài tập dưỡng sinh Tiền Nhân thường nghiên cứu sự hữu ích của nó qua các động tác hết sức chuẫn xác, và cẩn thận. Vì thế nên làm theo thật đúng, chưa kể các Mật Pháp đôi lúc chưa được công truyền.
Ly. Linh Phù

[1] Chân tâm khác với vọng tâm. Chân là thường, là không thay đổi, là hằng định, là không biến đổi. Còn vọng tâm là cái biến hiện của nghĩ suy, bàn luận, tham cầu, giận ghét… cái ấy thường đổi thay nên gọi là không thường. Có người hay nói: Tâm của tôi hay thương người. Tâm đó là vọng tâm. Chân tâm của mọi người đều giống nhau, đều là một, không có tâm của tôi và tâm của anh khác nhau. Ai cảm được điều nầy thì gọi là giác ngộ vậy.
[2] Tham là sự độc vô cùng, Tham danh, tham lợi, tham tình. Giành danh thì ác, giành lợi thì độc, giành tình thì hiểm. Ác, độc hiểm nó ăn sâu trong người hành động hỏi sao được yên. Tập dưỡng sinh mà không trừ lòng tham thì vô phương. Thế giới ngày nay ác độc, suy cho c ùng do miếng ăn mà ra. Nếu muốn ăn ngon thì phải giành, ăn ngon thì phải mặc đẹp, mặc đẹp thì phải tiện nghi sang trọng. Để thỏa mãn các nhu cầu nầy con người phải tranh đấu dữ dội…cho dù khi đã gìành được rồi, vì quá mệt mỏi bởi sự ác, họ cũng không thưởng thức nổi. Đến nỗi cả đời chạy trong vô vọng chẳng khác gì người mất trí. Gọi là mê vậy.
[3] Sống ở đời, con người phải suy nghĩ mới sống và làm việc được. Cái suy nghĩ, cái tâm thức ấy được hợp lý hóa, đúng với tự nhiên thì gọi là cái biết tốt lành hay cịn gọi là trí huệ. Cái suy nghĩ để dẫn đưa hành động tạo an lạc. Cũng một cách suy nghĩ khác là làm cho sự suy nghĩ càng lúc càng rối tung lên, đau khổ bất an nhiều. Cái suy nghĩ nầy là cái suy nghĩ của lọan tâm cần trừ diệt. Người tập dưỡng sinh phải biết phân biệt tâm thức nào để thuận theo mà sống cho an lành xác thân.
[4] Những điều xảy ra trong cuộc đời, như là tự nhiên, không hề có cơ sở chuẩn bị từ trước, bất ngờ, không có nền tảng chi hết… đó là cái nhìn chung của nhiều người. Nên có nhiều người tự nhiên giàu có, có nhiều người tự nhiên nghèo khổ,  bệnh tật nặng, thậm chí trúng số… tất cả những điều đó đều là tự nhiên mà có, có thể như thế được không? Con người có thể tin như thế không. Thế thì mọi nỗ lực cố gắng của con người để làm gì khi mà mọi sự biến hiện đều mang tính tình cờ. Nếu không tình cờ thì phải công nhận bằng một thực tại sắp xếp trước? Và sắp xếp như thế nào? Quý vị hãy tưởng tượng một cái đồng hồ có nhiều bánh xe răng cưa, mỗi bánh xe được đánh một dấu bất kỳ trên mỗi bánh xe. cho chúng quay họat động bình thường. Con người có thể nhận ra các điểm được đánh dấu sẽ gặp nhau theo một chu trình, nhất định và thường luôn, nhìn chúng như là tình cờ nhưng thật ra có quy luật đành hịang của chiếc đồng hồ. Cũng vậy mỗi việc con người làm, nghĩ suy đều được ghi dấu và đủ điều kiện thì hiện ra. Nên xấu tốt hiện ra không phải tình cờ mà là quy luật hằng định bất biến, không phải tự nhiên vô cớ hiện thành được. Nói điều nầy để nhắc lại một thực tại, khi làm một điều lành, điều lành khắc ghi vào tâm và đủ thời duyên hiện thành sự lành, làm cho thân xác an vui.
[5] Khí đây không phải nói về không khí, mà nói về tình trạng, tính cách thở của sự hô hấp.

Không có nhận xét nào: