Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

BÀI THAM LUẬN: VÌ SAO CHÂM CỨU, BẤM HUYỆT CHỮA ĐƯỢC NHIỀU BỆNH?




Lương y - Võ sư Nguyễn Tấn Xuân
-Phó chủ tịch kiêm Trưởng ban KHKT Hội Đông y quận Gò Vấp, Tp    Hồ Chí Minh.

-Phó trưởng ban Nghiên cứu Võ cổ truyền Việt Nam – Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam.

-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng Võ thuật M.C.



VÌ SAO CHÂM CỨU, BẤM HUYỆT CHỮA ĐƯỢC NHIỀU BỆNH?
          Trong Đông y có cậu “Nhất châm, nhì cứu, ba uống thuốc” đã nói lên sự kỳ diệu của môn Châm cứu mà nhân dân ta đã sử dụng từ rất lâu.
1.     Châm là dùng kim xuyên qua da để vào huyệt gây tác dụng phòng và chữa bệnh.
2.     Cứu là dùng sức nóng của cây Ngải cứu hơ trên huyệt gây tác dụng phòng và chữa bệnh. (Nếu không có Ngải cứu ta có thể dùng vài cây nhang chụm lại hoặc điếu thuốc đang nóng hơ trên huyệt).
3.     Bấm huyệt là dùng ngón tay day ấn trên huyệt (còn gọi là chỉ châm) gây tác dụng phòng và chữa bệnh.  
Có nhiều loại hình châm cứu như sau:
-         Thể châm: Châm các huyệt trên cơ thể
-         Diện châm: Châm các huyệt trên mặt
-         Nhĩ châm: Châm các huyệt trên loa tai
-         Túc châm: Châm các huyệt ở chân
-         Thủ châm: Châm các huyệt ở tay, …
          Mỗi loại hình châm cứu đều có hiệu quả nhất định trên một số bệnh lý nào đó. Tuy nhiên, “Thể châm” là hiệu quả nhất vì sử dụng được “Lục tổng huyệt” và “Bát hội huyệt” –  là những huyệt đặc trị.
          Theo Đông y, bệnh tật phát sinh là do sự mất cân bằng về âm dương trong cơ thể con người.
          - Âm: Huyết, vật chất dinh dưỡng, tạng, kinh âm…
          - Dương: Khí, năng lực hoạt động, phủ, kinh dương…
          Đau là do kinh mạch không thông gây nên (thống tắc bất thông). Mà châm cứu hay bấm huyệt là làm cho âm dương được cân bằng, khí huyết được lưu thông nên có khả năng phòng và chữa bệnh rất tốt.
          Để việc điều trị có hiệu quả người thầy thuốc phải nắm vững những điều cơ bản sau:
-         Hư thì bổ: Hư là chính khí hư (sức đề kháng của cơ thể suy giảm) do bệnh lâu ngày, bệnh mạn tính nên phải dùng phép bồi bổ là chính.
-         Thực thì tả: Thực là tà khí thực, tức bệnh mới mắc sức đề kháng của cơ thể còn tốt nên phải tả tà.
-         Nhiệt thì châm: Tức những bệnh thuộc về nhiệt thì dùng phép châm mới đạt kết quả tốt.
-         Hàn thì cứu: Tức những bệnh thuộc về hàn thì dùng phép cứu mới đạt kết quả tốt.
Ngoài ra, không châm cứu khi bệnh nhân ở trong các trường hợp sau:
-         Vừa mới uống rượu, bia.
-         Đang quá no, quá đói hoặc quá mệt.
-         Quá sợ kim.
-         Bệnh tiểu đường.
Thủ pháp bổ, tả: Có vận dụng được thủ pháp bổ, tả thì mới điều hòa được khí huyết, sơ thông được kinh lạc mới đạt được kết quả chữa bệnh khả quan. Có nhiều phương pháp bổ tả nhưng thường dùng nhất là:
-         Nghinh tùy bổ tả: Châm kim thuận theo hướng kinh mạch là tùy, là bổ. Châm kim nghịch theo hướng kinh mạch là nghinh, là tả.
-         Lâu hay mau: Sau khi châm đắc khí, lập tức rút kim ra ngay là bổ. Không rút kim ra ngay mà vẫn lưu và vê nhiều lần là tả.
-         Tần số và thời gian: Sử dụng tần số và cường độ kích thích thấp, thời gian kích thích ngắn tức là bổ. Ngược lại là tả.
Phạm vi chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu, bấm huyệt rất rộng rãi:
-         Về thần kinh: Liệt nửa người, liệt dây VII ngoại biên (thường do nhiễm lạnh đột ngột), đau các dây thần kinh ngoại biên khác, máy mắt, sụp mi mắt, mỏi mắt, đau thần kinh tọa, và nhiều chứng đau nhức khác.
-         Về xương khớp: Đau do thoái hóa cột sống cổ, cột sống lưng. khớp gối, giãn dây chằng.
-         Về tuần hoàn: Huyết áp cao, huyết áp thấp, rối loạn thần kinh tim.
-         Về tiêu hóa: Các bệnh về dạ dày, ruột.
-         Về sinh dục: Các bệnh rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, di mộng tinh.
-         Về tiết niệu: Đái dầm, đái đêm, bí đái.  
     Hiện nay, người ta dùng điện châm để điều trị. Tức dùng dòng điện để tăng kích thích của kim vào huyệt khi mắc điện cực của máy điện châm vào kim châm cứu và điều chỉnh cường độ của dòng điện phù hợp với ngưỡng của bệnh nhân.
     Điều trị bằng điện châm mang lại hiệu quả rất cao.


I.ỨNG DỤNG HUYỆT DŨNG TUYỀN VÀO TRỊ BỆNH
Theo y học cổ truyền đường kinh túc thiếu âm thận có 27 huyệt, Dũng tuyền là huyệt số 1 tức huyệt tỉnh của đường kinh này. Được coi là một trong tam tài huyệt:
1.     Bách hội (thiên), gọi là Thiên tài
2.     Đản trung (nhân), gọi là Nhân tài
3.     Dũng tuyền (địa), gọi là Địa tài.
Dũng có nghĩa là vọt ra, tràn lên; còn Tuyền là suối, là nguồn. Dũng tuyền ý muốn nói huyệt nằm dưới lòng bàn chân như một dòng suối, đồng thời lại là nơi tàng chứa chân dương ở phía dưới của tạng thận. Thận chủ thủy nên nơi đây tựa như một "nguồn nước chảy vọt ra, tràn đầy sức sống".
Công dụng huyệt: Đặc trị hư hỏa và giáng khí nghịch.
Chủ trị: Ho, đau họng, nhức đầu, hoa mắt, huyết áp cao, bí tiểu, trẻ em kinh giật.
Vị trí huyệt: Chỗ lõm giữa  2 khối cơ gan chân trong và gan chân ngoài. Lấy huyệt trong chỗ lõm trong gan bàn chân, ở điểm tiếp nối 2/5 trước và 3/5 sau từ đoạn đầu ngón chân 2 đến bờ sau gót chân.
Theo võ thuật cổ truyền thì khi điểm trúng huyệt Dũng tuyền sẽ tổn thương đến khí tại Đan điền, khí không thể thăng lên được, phá khinh công.
Thủ thuật: Mỗi ngày cần day ấn 2 lần: Buổi tối trước khi đi ngủ và sáng sớm khi vừa tỉnh giấc, dùng hai tay xát nhẹ hai gan bàn chân chừng vài phút cho nóng lên hoặc dùng dầu nóng hay rượu thuốc võ xoa cho nóng lên rồi dùng 2 ngón tay cái day ấn trên 2 huyệt Dũng tuyền, day từ nhẹ đến mạnh và thuận theo chiều kim đồng hồ trong vòng 5 – 10 phút. Nếu cùng lúc day ấn hai huyệt bằng hai tay khó thao tác thì ta làm từng bên một vậy. Kết quả điều trị các bệnh trên thật tuyệt vời.
Ngâm chân nước nóng, đắp thuốc huyệt Dũng tuyền, mang vớ khi đi ngủ là những liệu pháp dân gian ứng dụng cơ chế này. Các bạn nên thực hành phương pháp này vì không những có giá trị chữa bệnh cao mà còn có tác dụng phòng bệnh rất tốt cho mọi người.  
Để có trọn niềm tin vào việc áp dụng huyệt Dũng tuyền trị bệnh, chúng tôi xin được trình bày thêm về Hư hỏa và Đan điền.
·        Hư hỏa:    
“Dương thường hữu dư, âm thường bất túc” nghĩa là phần dương trong cơ thể con người thường dư mà phần âm thường bị thiếu. Thiếu âm nên dương bốc lên gọi là “Hư hỏa”, còn gọi là “Âm hư hỏa vượng” gây ra các chứng bệnh như: Ho, đau họng, nhức đầu, hoa mắt, huyết áp cao, bí tiểu, trẻ em kinh giật.
Khi âm dương quân bình thì con người khỏe mạnh. Nếu do “Hư hỏa” gây bệnh thì ngoài việc uống thuốc bổ âm để dẫn hỏa quy nguyên, ta day ấn huyệt Dũng tuyền như hướng dẫn trên để trị liệu.
Ngoài ra, cần gìn giữ tinh thần an lạc vì “thần tĩnh tức âm sinh” một vai trò quan trọng trong cuộc sống. Luyện tập thể dục, võ dưỡng sinh, Dịch cân kinh với nguyên tắc “thượng hư hạ thực” thường bao gồm các động tác như xuống tấn, thót bụng, buông lỏng phần vai, tập trung khí lực tại Đan điền… đều nhằm làm cho khí trầm Đan điền, chính là “dẫn hỏa quy nguyên” nên là những cách trị liệu rất tốt đối với các chứng “Hư hỏa”.
·        Đan điền
Đan điền là thuật ngữ trong y học, võ thuật, dưỡng sinh dùng để chỉ một vài trung tâm khí lực hay là các huyệt đạo trên cơ thể con người. Có ba bộ vị được gọi là Đan điền:
1.     Thượng Đan điền: Trùng với huyệt Ân đường, còn gọi là “Đan điền thần”.
          Vị trí: Ở điểm giữa hai đầu trong lông mày.
2.     Trung Đan điền: Trùng với huyệt Đản trung, còn gọi là “Đan điền khí”.
Vị trí: Ở điểm gặp nhau của đường dọc giữa xương ức với đường ngang qua 2 núm vú (nam) hoặc đường ngang qua bờ trên khớp ức sườn 5 (nữ).
3.     Hạ Đan điền: Trùng với huyệt Khí hải, con gọi là “Đan điền tinh”.
Vị trí: Dưới rốn 1,5 thốn, trên đường dọc giữa bụng.
Khi Đan điền được chủ động kích hoạt, bộ vị của nó hoàn toàn nằm ở giữa và phía trên bụng dưới.





II.ỨNG DỤNG HUYỆT TÚC TAM LÝ VÀO TRỊ BỆNH

Đường kinh túc dương minh Vị có 45 huyệt, Túc tam lý là huyệt thứ 36 là huyệt Hợp trong ngũ du huyệt, tức huyệt Thổ của đường kinh này. Tỳ Vị thuộc Thổ, Túc tam lý lại là Thổ huyệt nên được gọi là “Thổ trong Thổ”. Theo y học cổ truyền, Thổ là mẹ của vạn vật, là chủ về hậu thiên nên dưỡng sinh phương Đông thường nhắc đến câu “Tam lý cứu bất tuyệt, nhất thiết tai bệnh tức”. Ý nói thường cứu huyệt Túc tam lý sẽ tránh được những tai ương về bệnh tật. 

Túc tam lý là một trong sáu huyệt chữa bệnh tổng quát, chủ yếu của cơ thể (Lục tổng huyệt), thường dùng chữa các bệnh về đường tiêu hóa và một số bệnh toàn thân như liệt nửa người, thấp khớp, viêm đa khớp dạng thấp, đái tháo đường, suy nhược, thiếu máu, huyết áp cao, dị ứng, vàng da, động kinh, bệnh sinh dục tiết niệu, thần kinh suy nhược...
Đặc biệt đối với vận đông viên thì đây là huyệt được dùng như liều “doping” an toàn khi cần có sức bật, sức bền, sự dẻo dai... cũng như một tâm lý ổn định.
Vị trí: Ở dưới chỗ lõm xương bánh chè 3 thốn, cách mào xương chày  một khoát ngón tay.
Theo võ thuật cổ truyền thì khi điểm trúng huyệt Túc tam lýsẽ gây tê đờ chi dưới,
không linh hoạt.
Thủ thuật: Tạng hàn nên cứu, tạng nhiệt nên bấm hoặc châm.
Cách cứu: Dùng cây nhang Ngải cứu, nếu không có thì dùng 3 cây nhang chụm lại đốt cháy hơ lên huyệt từ 3 – 5 phút cho đến khi vùng huyệt và toàn thân nóng ấm là được. Ngày có thề cứu 2 lần, mỗi lần cứu cả hai bên trái và phải.
Cách bấm: Dùng đầu ngón tay cái bấm mạnh và vuông góc vào huyệt để tạo tác dụng tối đa. Mỗi lần có thể day bấm từ 3 – 5 phút. Khi bấm tạo được cảm giác căng tức tại huyệt vị là đạt yêu cầu. Nên bấm huyệt Túc tam lý cả hai bên trước và ngay sau khi thi đấu, luyện tập.
Gò Vấp, ngày 12 tháng 05 năm 2014
Lương y – Võ sư Nguyễn Tấn Xuân
ĐT: 08. 3895 1760 – DĐ: 0909 301 923