Trăn trở về bài viết trong hơn 1.000 ngày 
        Một cây viết kỳ cựu của Lao Động, nhà báo Khắc Dũng cũng vào Bình Định gặp cô Hồ Thị Thu và học thiền chữa bệnh (sau đó anh Dũng có viết loạt bài trên Lao Động và Đời sống, một ấn phẩm của báo Lao Động). Rất nhiều đồng nghiệp, nghệ sĩ, công an, các tổng biên tập báo, đài cũng có mặt ở Phù Cát học thiền.
        Bản thân người viết, qua gần 5 năm theo học, ngày nào cũng “ngồi im như tượng” khoảng 1 giờ đồng hồ để “thoát vòng tục lụy”, đôi khi cả để ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm, tư duy về môn học với những điều mà xã hội đặt ra; Và, không ít lần, tôi đã tự nhủ (hơi hài hước): Có lẽ, trong đời làm báo của mình, môn học này là đề tài, là câu chuyện, là tác phẩm mà mình “nghiên cứu” dày công, liên tục, kỹ càng, tâm huyết nhất trước khi… đặt bút viết. Tôi đã “đi thực tế”, “giữ liên lạc” và “suy nghĩ trăn trở” thường xuyên, hằng ngày về môn học này, trong suốt hơn 1.000 ngày qua!
Những học viên tâm huyết nhất và lễ tổng kết môn Trường Sinh học
tại Cẩm Khê năm 2013. 

        Có lẽ, phải thật lòng xin lỗi các sư phụ dạy thiền, các đồng môn kính quý, tôi có lúc đã chìm trong suy tưởng, chợt nghĩ rất hoài nghi rằng: Vì sao mình khỏi bệnh tật? Có phải vì năng lượng vũ trụ đẩy khí độc ra, thâu nhận khí ấm, khí lành vào cơ thể cho mình không? Hay đơn giản là mình có niềm tin đăm đắm vào môn học, rồi “tự kỷ ám thị” mà năng lượng niềm tin nó đuổi hết bệnh tật đi?
        Hay có thể là khi mở luân xa, hầu như không dùng thuốc Tây nữa, thì các tác hại đáng sợ của tân dược bị kê đơn ẩu thôi không tàn phá cơ thể tôi nữa, làm tôi khỏe ra? Hay tôi và nhiều người ngồi thiền, cơ thể được im lặng, sắp xếp lại, tái tạo lại, được nghỉ ngơi thư dãn, rồi tự thân sự “bảo dưỡng” bắt buộc hằng ngày đó đã tạo ra năng lượng, sức mạnh đẩy lùi và phòng, chống bệnh tật?
        Nó giúp chúng tôi dần qua khỏi tục lụy tham sân si, giảm stress, rồi tự khắc “khá” hơn lên? Câu trả lời là: Vì tất cả những lý do trên. Hoặc vì một lý do nào khác nữa thì chưa biết. Song, có một sự thật là tôi đã khỏi đủ các thứ bệnh, cứ như một giấc mơ kỳ lạ. Rồi tôi đưa hầu hết người thân của tôi đi học ngồi thiền.
        Các học viên của môn học chữa bệnh bằng năng lượng sinh học này đòi hỏi phải có niềm tin tuyệt đối, sự công phu tuyệt đối, đạo đức chân thành tuyệt đối với những gì mình đã theo đuổi. Sự tin tưởng đó là tự nguyện, là đăm đắm. Ai không tin thì thôi. Việc toàn tâm toàn ý đó, là điều kiện tiên quyết để việc ngồi thiền đạt được kết quả. Đây là vấn đề hoàn toàn khoa học, chứ không phải cái gì “tà đạo”, hoặc “mê tín dị đoan” gì cả.
        Cũng xuất phát từ yêu cầu đạo đức trong sáng đó mà những giảng viên, những bậc “chân tu” theo môn học này bao giờ cũng thẳng thắn nói với bất kỳ học viên nào: Theo học thiền không phải mất tiền, người truyền dạy không lấy bất cứ cái gì của bất cứ ai, dù là ngụm nước, miếng cơm, hay đồng quà tấm bánh.
Ông Nguyễn Xuân Thai, Chủ nhiệm CLB. 

        Sự “tà tâm” nào cũng khiến cho năng lượng thật sự của người ngồi thiền bị tiêu tán đi. Tấm ảnh tôn kính người sáng tạo ra môn học cũng không được phóng to, buổi lễ cũng không được hoang phí, cách cư xử cũng không được khách khí “ta đây”. Môn học còn là một thứ đạo, một sự rèn luyện đạo đức, sự thượng tôn lòng bác ái.
        Bà Hồ Thị Thu tuyên bố trong phóng sự đã dẫn ở trên của chúng tôi: “Nếu thấy ai trên đời này mở lớp dạy thiền, có thu một xu một cắc nào của học viên, thì chắc chắn đó không phải là môn đệ của “cô” Thu”.
        Bản thân bà Thu vượt hơn nghìn cây số từ Phù Cát, tỉnh Bình Định ra huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ dạy cho hàng nghìn người theo thiền, bà chỉ có một toan tính: Nếu mỗi người đi tàu xe, ăn ở dọc đường, lặn lội vào tận Phù Cát, Bình Định tiêu tốn mất 2 triệu đồng/chuyến, thì một chuyến bà ra Bắc đã tiết kiệm cho người nghèo, người bệnh, người cùng môn học của bà… tiền tỉ!
        Vậy mà khi ra Bắc ở trọ dạy thiền, bà Thu xin đúng một cái rổ bằng nhựa của một bà lão răng đen hạt na trên Đất Tổ để “cô” có thể tự đi mua rau, mua gạo về nấu cơm nước sống qua ngày. Rồi quần quật, ngày và đêm dạy 3 ca liên tục, nói liên tục và ngồi thiền liền tù tì, bà Thu ngồi trong những cái nhà kho tồi tàn, các nhà văn hóa khu phố ẩm thấp để hướng dẫn ngồi thiền, trực tiếp mở luân xa cho cả nghìn học viên đến từ nhiều tỉnh thành.
         Mở trường giúp đời
        Một trong những người Cẩm Khê tham gia học những khóa học đầu tiên phải “cơm nắm muối vừng” bắt xe khách (hoặc sau này đông người theo học rồi thì thuê cả một chuyến xe 45 chỗ) đi xuyên ngày đêm để vào Bình Định đó, chính là ông Nguyễn Xuân Thai. Ông Thai vốn đầy bệnh tật trên người, nay đã trẻ khỏe phăm phăm nhờ khổ luyện.
Ban Chủ nhiệm CLB và những người có đóng góp lớn trong việc xây dựng ngôi trường cho CLB Dưỡng sinh Trường Sinh học Cẩm Khê. 

        Trên mảnh đất Cẩm Khê, một trong những nơi đầu tiên và đông người theo học thiền nhất miền Bắc Việt Nam này, ông Thai đã được các thầy trao truyền sứ mệnh mở luân xa, trị bệnh cho đông đảo bà con trong huyện, toàn tỉnh, rồi các tỉnh thành lân cận như Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Phòng. Tính đến nay, nhiều nghìn người đã theo học.
        Tháng 8 năm 2013, GS. VS. Phạm Minh Hạc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người đã ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Thai làm Chủ nhiệm CLB Dưỡng sinh Trường Sinh học Cẩm Khê, cùng 11 thành viên khác nữa. Ông Thai và Ban Chủ nhiệm mở lớp tại tỉnh, đi các tỉnh khác thành lập câu lạc bộ. Nhiều người bệnh được chữa khỏi một cách thần kỳ.
        Một lần, có một người đàn ông (người này, khi trao đổi với PV Lao Động đã đề nghị giấu tên) là lãnh đạo một đơn vị khai thác mỏ ở Quảng Ninh đã bay vào Bình Định, bay lên Đắk Lắk, kỳ công đi tìm bà Hồ Thị Thu. Bà Thu bấy giờ đang đi mở lớp, trị bệnh, cứu người ở xa, nên đã đề nghị ông Thai trực tiếp trị bệnh cho bố đẻ của nhà doanh nghiệp kể trên.
        Ông cụ hơn 70 tuổi, bị ung thư phổi giai đoạn cuối, đã di căn lên não, đã được ông Thai trực tiếp trị bệnh, kéo dài sự sống khá lâu. Ông cụ thanh thản ngồi thiền, đẩy lùi bệnh tật, đến mức, khi về Hà Nội, đến bệnh viện lớn, gặp lại các giáo sư, bác sĩ từng khám cho cụ, xét nghiệm từng “chỉ số” thì thấy rất ổn, họ hết sức ngạc nhiên. Họ thắc mắc: Vì sao ông cụ vẫn còn sống và sống khỏe như vậy?.
        Giống như những lần ra tay giúp đời khác, ông Thai không nhận bất cứ món quà, đồng tiền “thù lao” nào từ gia đình bệnh nhân. Quá cảm kích trước “bàn tay tiên, tấm lòng Bồ Tát” của các chuyên gia của môn học, nhà doanh nghiệp đã quyết định phát tâm nhờ Ban Chủ nhiệm CLB mua giúp 1.000m2 đất, ông bỏ vài tỉ đồng ra xây một ngôi trường khang trang, xứng tầm tại Thị trấn Sông Thao (Đông Phú  cũ) để ông Thai và cộng sự có thể làm việc thiện nguyện giúp đời nhiều hơn nữa.
        Ông Thai kể: “Ông ấy bảo, bác tìm cho em 1.000m2 đất để xây dựng trường. Không tìm được, vì yêu cầu là phải gần thị trấn, lại không ồn ào để ngồi thiền, lại phải có sổ đỏ đàng hoàng. Chỗ này có giá là 700 triệu đồng, chỉ rộng 421m2. Xây trường này, là do chính bà vợ của nhà doanh nghiệp kia thiết kế. Xây dựng khoảng 5 tháng thì xong.
        Họ dự kiến xây khoảng 1,5 tỉ. Chúng tôi tiết kiệm xây 1,25 tỉ, lắp đầy đủ cả điều hòa nóng lạnh, vì giá vật liệu, nhân công ở miền núi này rất rẻ. Cộng thêm tiền đất và các chi phí, ngôi trường khang trang này có giá chừng 2 tỷ đồng. Còn bàn ghế thiết bị thì anh chị em được môn học trị bệnh khỏi đã tự tâm mua sắm, trang bị cho nhà trường, để nó ngày càng rộng rãi khang trang cho học viên bệnh nặng và người ở xa có thể lưu trú.
        Vì nhiều người tìm đến với Câu lạc bộ khi phải có người dìu, khi đi xe lăn “gần đất xa trời” rồi. Từ nay, bà con sẽ có chỗ ngồi nghe giảng, ngồi tĩnh tâm tu tập. Có được ngôi trường này, chúng tôi vô cùng cảm động. Chứ trước đây cứ phải đi ngồi nhờ, ngồi ghé, đi mượn địa điểm khắp nơi. Vừa rồi tôi đi mở 5 lớp ở Thái Nguyên, toàn dùng nhà dân làm nơi hướng dẫn cho bà con thôi, có người trưng dụng cả nhà ở lụp xụp của họ, phát rộng cái sân, lợp cái mái tôn lên rồi là ngồi học thôi”.
        Chẳng đâu xa, ở trường của bà Hồ Thị Thu trong Bình Định, nhiều học viên trú nắng mưa trong vườn điều, nấu nướng, ăn uống trong các dãy nhà tạm bợ. Bệnh nhân ngồi xe lăn, hoặc người ung thư giai đoạn cuối thoi thóp thở trong bối cảnh thiếu thốn đến xót xa về cơ sở vật chất.
        Đấy là chưa kể việc chính quyền địa phương thường xuyên đến gây khó dễ. Và, vì thế, sau bao năm tận tâm tận lực vun đắp cho từng người học thiền ở Phú Thọ, người thầy đầu tiên của ông Thai và hầu hết các môn sinh Đất Tổ ấy - cô Hồ Thị Thu - có lẽ, sẽ là người vui nhất khi biết tin ở Cẩm Khê đã có một ngôi trường thiện nguyện tiền tỷ.
        Công trình từ thiện này sẽ được sử dụng để trị bệnh cứu người, để tiếp tục nhân lên lòng thiện trong thế giới của những người mỗi ngày đều đặn ít nhất một lần “ngồi im như tượng”, “tu tâm dưỡng tính”…