Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

thanh tịnh tâm - Con người toàn thể


 Thường Nhân
Tương quan giữa Thân Tướng, Thân khí, Thân Ý, Thân Tâm
Không ai có thể thấy thân tướng mà không có thân ý thân tâm và thân khí, cái thấy luôn luôn là cái thấy toàn thể, nghĩa là cùng lúc sự hiện hữu là toàn vẹn các thân ấy, nhưng do tầm nhìn bị hạn định bởi từng người, điều thấy hoàn toàn khác xa nhau. Vì thế mỗi tác động vào một thân đều có nghĩa là tác động toàn thể. 
Có thể hiểu như thế nầy: một lời nói chân thật, động đến càn khôn vũ trụ. Vì khi nói truyền đi một dạng năng lượng, mà năng lượng không mất chỉ chuyển từ dạng năng lượng nầy qua dạng năng lượng khác mà thôi. Đức Giêsu cũng từng nói: “một sợi tóc trên đầu rơi xuống cũng không ngoài ý Thiên Chúa”. Đức Phật cũng nói; “một cái khẩy tay chấn động tam thiên đại thiên thế giới”. Tam thiên đại thiên thế giới hay ý Thiên Chúa chính là thân tướng con người vậy.
Giả như một người bị té trật bàn chân, ngay khi ấy thân tướng đã bị tổn thương, thân khí bắt đầu thở gấp và chuyển tải tổn thương về não, báo cho cơ thể biết thân tướng đã bị tổn thương, thân ý sẽ phân tích nguyên nhân, lỗi tại ai, ứng xử như thế nào? Giận, ghét người làm cho mình bị thương tổn? hay tha thứ và cảm thông, truyền về tâm, thân tâm cảm nhận và ra lệnh một hướng hành động: thù, thương, tha thứ, thông cảm, bỏ qua, hoặc nghĩ rằng: do thân tướng thì phải có nạn… tùy theo kiến giải để cho một kết quả ứng xử tương hợp. Bị thương là va vào cảnh trần, nhận ra bị thương là do lục căn (Thân tướng), chuyển tải sự kiện nhờ (thân khí), phân tích sự kiện là do ý thức (thân Ý), gồm Thập Bát Giới: lục trần, lục căn, và lục thức ([1]). Chân tâm (Thân Tâm) ứng hiện và ứng xử mọi thứ băng qua thập bát giới đó. Không có việc gì dù nhỏ đến mấy mà không động vào toàn thể, do tâm chưa thanh tịnh nên con người không thấy và biết. 
Bạn hãy yên lặng ngắm nhìn. Sự hiện hữu 
nhiều thân trong Cánh Sen Hồng

Có người họ chỉ chăm chút vào Thân Tướng, cho ăn ngon, ở nhà sang trọng, áo quần đắt tiền, phương tiện đời mới tối tân nhất… Thân tướng được bảo vệ bằng những tiện nghi thỏa mãn mọi nhu cầu lập tức… toàn bộ suy nghĩ cuộc đời của người ấy đã dừng lại nơi thân tướng. Nghĩ như thế, nếu làm cho mình và cả cho cộng đồng, họ được nhiều người tung hô, vì rất nhiều người ngày nay nghĩ như họ. Con người ấy dừng suy nghĩ trong phạm trù Cộng Đồng và Vật chất.
Có người lại buông bỏ mọi thứ Vật Chất, Cộng Đồng, cho đời là hư ảo băng hoại chẳng có giá trị vĩnh hằng. Họ tìm nơi thanh vắng, chọn đời sống đạm bạc, không tiếp xúc với con người. Đời sống như người đã chết, ngày đêm miên mật ngồi thiền im lặng lãng quên, chờ ngày thân tướng tan hoại, miên mật định thân ý không lay động. Họ đã chết trong đời rồi.
Những hình thái ấy mang tính cực đoan, chúng tôi không dám phán quyết vì đó là sự chọn lựa tự do của con người. Tu tập Thanh Tịnh Tâm không mang hình thái ấy mà tính trọn vẹn của bốn từ: Tinh Thần – Vật Chất - Cộng Đồng – Tâm Linh ([2]). Nếu là con người có cấu thành Vật Chất, sống giữa Cộng Đồng, liên kết với cộng đồng, phải có Tinh Thần và đỉnh cao của tinh thần chính là Tâm Linh. Vì thế con người phải biết Tứ Thân ấy để dung hòa cân bằng, dưỡng nuôi tu tập, chắc chắn thế giới sẽ hòa bình bởi thân tâm của con người đã trở nên hòa bình. Hòa bình nhân loại phải bắt đầu hòa bình bên trong mỗi con người.
Thanh tịnh để nghe: trong đêm trường thanh vắng, nếu đang thức thì chúng ta có thể nghe được những âm thanh mà khi ồn ào không nghe được. Tiếng tích tắc của đồng hồ sẽ nghe rất rõ khi đêm về khuya thanh vắng, tiếng tơ lòng sẽ thấu suốt khi vợ đợi chồng vò vỏ năm canh, khúc nhạc càng hay khi thính phòng càng vắng lặng… đó là thanh tịnh. Tiếng của tâm là tiếng vô thinh, không dùng tai mà nghe được, không sờ đụng được, nên có thể là KHÔNG CÓ cho người chưa đạt được trạng thái thanh tịnh. Người tu chẳng qua là tạo lập cảnh trạng thanh tịnh để tiếng của tâm hiển lộ, để tâm phát âm, để cái tâm ấy thi triển hiện thực như Nó là.
Có những vấn đề hoàn toàn không có âm thanh mà biết, mà tồn tại. Con người có thể cảm nhận người đối diện đang đồng với mình hay đang chống mình. Con người có thể linh cảm điều bất an hoặc điều an bình trước khi nó trở thành hiện thực… nên chờ nghe mới biết đôi lúc đã quá muộn rồi.
Hôm Đức Giêsu sống lại, Người hiện đến với các tông đồ, có ông Toma vắng mặt, các tông đồ nói lại Đức Giêsu đã sống lại,  nhưng ông đã không tin nên mới nói: “Nếu bàn tay tôi không xỏ tay vào cạnh sườn Người, ngón tay không xỏ vào lỗ đinh thâu, thì tôi không tin”.  Sau đó Đức Giêsu hiện đến gặp ông và Người đã nói: “Hãy xỏ tay vào cạnh sườn Thầy, hãy đưa ngón tay xỏ vào lỗ đinh thâu…Bởi vì con thấy nên mới tin, phúc cho ai không thấy mà tin” ([3])
Chính tại CÁI THẤY của Thanh Tịnh Tâm, người tu biết mình được gặp, đã theogọi là đã chứng ngộ. Người tu không hề tạo lập Chân Tâm, mà chỉ tạo lập Cảnh để gặp cái Thực Tại Hiện Tiền ấy. Nên có thể nói: người không tạo lập phương tiện để Chân Tâm hiển lộ, không phải là người tu. Nếu tu mà không gặp thực tại ấy, thì tu để làm gì? Người không biết đường lại làm người chỉ đường được sao?




[1] Thập Bát Giới: Lục Căn: tai, mắt,  mũi, miệng, thân, ý – Lục Trần: thinh, sắc, hương, vị, xúc, pháp – Lục Thức: cái nghe của tai, cái thấy của mắt, cái mùi của mũi, cái biết vị của miệng, cái biết sờ đụng, cái biết của vô tướng, của tinh thần. Lục căn, lục trần, lục thức làm cửa ngỏ thâu nhận xử lý mọi duyên cảnh biến hiện trong cuộc đời. 
[2] Nền Tảng Của Phái Bửu Sơn Kỳ Hương
[3] Ga 20, 24-29

Không có nhận xét nào: