Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Điều trị bệnh liệt mặt


     Điều trị BỆNH LIỆT MẶT
                                                 Lương y Nguyễn Tấn Xuân
         
          Liệt mặt là miệng méo, mắt xếch, bệnh thường xảy ra đột ngột, như tối tắm nước lạnh rồi nằm ngay trước quạt hoặc trước cửa sổ  sáng ra nhìn vào gương thấy mình bị lệch mặt; hoặc đi dưới mưa một quãng đường quá xa khi về đến nhà thì thấy mặt bị biến dạng lệch về một bên, mắt nhắm không kín, chảy nước mắt sống, ăn, uống rơi vãi, lưỡi không thè dài ra được…
          Như vậy, nguyên nhân chính gây ra liệt mặt là do lạnh mà Tây y gọi là bệnh “Liệt dây thần kinh VII ngoại biên do lạnh”, Đông y gọi là bệnh “Khẩu nhãn oa tà”. Điều cần lưu ý là: “bên méo là bên lành và bên không méo chính là bên bệnh” mà cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc lắm lúc cũng lầm lẫn. Bệnh này điều trị bằng châm cứu kết hợp uống thuốc thang kết quả rất cao.

Ngoài nguyên nhân do lạnh, liệt mặt còn có thể do các nguyên nhân khác như bị chấn thương, bị nhiễm trùng vùng đầu mặt.

 

Phương dược:
Liệt mặt Khương hoạt, Xuyên khung
Phòng phong, Chỉ xác, Phục linh, Sài, Tiền
Đảng sâm, Cam thảo tiếp liền
Bạc hà, Độc, Kiết, Gừng tươi sắc dùng.

Công thức:

Khương hoạt         16g                       Xuyên khung         16g   
Phòng phong         12g                       Chỉ xác                 12g
Phục linh               12g                       Sài hồ                             12g
Tiền hồ                 12g                       Đảng sâm              12g
Cam thảo              08g                       Bạc hà                   04g
Độc hoạt               12g                       Kiết cánh               12g
Gừng tươi              12g.

Cách sắc thuốc:

Lần I       :  đổ 3 chén nước sắc còn 7 phân
Lần II     :  đổ 2,5 chén nước sắc còn 5 phân
Lần III    :  đổ 2 chén nước sắc còn 5 phân

Sắc  nước nào, uống nước đó. Uống thuốc còn nóng trước bữa ăn 1 giờ.
Kiêng: Đậu đen, đậu xanh, rau muống.

TÌM HIỂU 13 VỊ THUỐC:
1.Khương hoạt: Là rễ phơi hay sấy khô của cây Khương hoạt. Vị ngọt, đắng, tính bình, không độc. Khương hoạt mạnh hơn đi thẳng lên đỉnh đầu, chạy ngang cánh tay trừ phong, chữa tê, còn Độc hoạt chỉ đi vào bụng, ngực, lưng và gối thôi. Khương hoạt chữa chứng thuỷ thấp phong, còn Độc hoạt chữa chứng thuỷ thấp phục phong. Khương hoạt có công phát biểu đi lên thượng tiêu chữa các chứng du phong nhức đầu, đau nhức các khớp xương, còn Độc hoạt có sức trợ biểu đi xuống hạ tiêu, chữa các chứng phong ẩn náu làm cho nhức đầu, hai chân tê thấp. Hiện nay thường dùng chữa nhức đầu, thân lạnh, cảm mạo phong hàn, sốt không ra mồ hôi, gân xương đau nhức.
2.Xuyên khung: Là thân rễ phơi hay sấy khô của cây Xuyên khung, vị cay, tính âm, vào 3 kinh Can, Đởm và Tâm bào. Có tác dụng đuổi phong, giảm đau, lý khí hoạt huyết dùng chữa kinh nguyệt không đều, đầu nhức mắt hoa, ngực bụng đầy trướng, bán thân bất toại, chân tay co quắp, ung thư.
*Lưu ý: Những người âm hư hoả vượng không dùng được.
3.Phòng phong:rễ của cây Phòng phong, là một vị thuốc rất hay đựơc dùng để chữa các chứng bệnh do gió gây ra (phong là gió, phòng là phòng bị), vị cay, ngọt, tính ôn, không độc, vào 5 kinh Bàng quang, Can, Phế, Tỳ và Vị. Có tác dụng phát biểu, tán phong, trừ thấp, là thuốc chữa cảm mạo biểu chứng ra mồ hôi, dùng chữa nhức đầu choáng váng, mắt mờ, trừ phong, đau các khớp xương.
4.Chỉ xác: Còn gọi là Chỉ thực, Xuyên chỉ thực, Xuyên chỉ xác đều là quả phơi khô nhưng thu hái ở thời kỳ khác nhau.
Chỉ xác là quả hái vào lúc gần chín, thường bổ đôi để phơi cho chóng khô, Chỉ xác to hơn chỉ thực.
Chỉ thực là quả hái vào lúc còn non nhỏ, có khi do bị gió mạnh tự rụng xuống dưới gốc cây.
Chỉ thực và chỉ xác có vị đắng, chua, tính hơi hàn, vào 2 kinh Tỳ và Vị. Tác dụng phá khí, tiêu tích, hoá đờm, trừ bĩ (báng ở bụng), lợi cách, khoan hung. Chỉ thực, Chỉ xác có tác dụng giống nhau nhưng Chỉ xác yếu hơn. Mặc dù trong các quả này lúc tươi có chứa tinh dầu, nhung người ta ít chú ý dùng tinh dầu, vì các vị này càng để lâu càng cho là tốt hơn.
Cả 2 vị đều là những thuốc có tác dụng giúp sự tiêu hoá, trừ đờm, táo thấp, lợi tiểu tiện, ra mồ hôi, yên dạ dày, ruột.
5.Phục linh: Còn có tên là Bạch phục linh, Phục thần, là nấm mọc ký sinh trên rễ cây thông. Vì người ta cho Phục linh là linh khí của cây thông nấp ở dưới đất, do đó mà đặt tên. Nếu nấm mọc xung quanh rễ khi đào lên có rễ thông ở giữa nấm thì gọi là Phục thần. Người ta cho loại này có tác dụng yên thần phách, chữa sợ hãi, mất ngủ.
Phục linh có vị ngọt, nhạt, tính bình, vào 5 kinh Tâm, Phế, Thận, Tỳ và Vị. Có tác dụng lợi thuỷ, thẩm thấp, bổ Tỳ, định Tâm, dùng chữa tiểu tiện khó khăn, thuỷ thũng, trướng mãn, tiết tả, hay sợ hãi, mất ngủ, di tinh.
Phục thần có tác dụng định tâm, an thần chữa hồi hộp, mất ngủ.
6.Sài hồ: rễ phơi hay sấy khô của cây Sài hồ, vị đắng, tính hơi hàn, vào 4 kinh Can, Đởm, Tâm bào và Tam tiêu. Có tác dụng phát biểu, hoà lý, thoái nhiệt, thăng dương, giải uất, điều kinh. Dùng chữa bệnh thiếu dương, hàn nhiệt vãng lai (khi nóng, khi lạnh), miệng đắng, tai ù, hoa mắt, đầu váng, nôn mửa, sốt rét, kinh nguyệt không đều.
7.Tiền hồ: rễ phơi hay sấy khô của cây Tiền hồ hay cây Quy nam. Vị đắng, cay, tính hơi hàn, vào hai kinh Phế và Tỳ. Có tác dụng tuyên tán phong nhiệt, hạ khí chỉ ho, tiêu đờm. Dùng chữa phong nhiệt sinh ho, đờm đặc, suyễn tức.
*Lưu ý: Không thực nhiệt, ngoại cảm không dùng được.
8.Đảng sâm: Còn gọi là Phòng đảng sâm, Lộ đảng sâm, Xuyên đảng sâm, Đông đảng sâm, là rễ phơi sấy khô của nhiều loài. Người ta gọi Đảng sâm là Nhân sâm của người nghèo vì có mọi công dụng của Nhân sâm lại rẻ tiền hơn. Đảng sâm có vị ngọt, tính bình , vào 2 kinh Phế và Tỳ, có tác dụng bổ trung ích khí sinh tân, chỉ khát. Dùng chữa Tỳ hư, ăn không tiêu, chân tay yếu mỏi, Phế hư sinh ho, phiền khát. Công dụng gần như Sâm nhưng hơi thiên về bổ trung.
*Lưu ý: Người thực tà không dùng được.
9.Cam thảo: Còn có tên là Bắc cam thảo, là rễ và thân rễ phơi hay sấy khô của cây Cam thảo. Vị ngọt, tính bình (sau khi nướng thì tinh hơi ôn), vào 12 đường kinh. Có tác dụng bổ Tỳ, Vị, nhuận Phế, thanh nhiệt giải độc, điều hoà các vị thuốc. Muốn thanh hoả thì dùng sống, muốn ôn trung thì nướng. Nướng lên chữa Tỳ hư mà ỉa lỏng, Vị hư mà khát nước, Phế hư mà ho. Dùng sống chữa đau họng, ung thư.
10.Bạc hà: Là một vị thuốc rất thơm dùng lá và toàn cây. Vị cay, mát không độc, vào hai kinh Phế và Can. Có tác dụng tuyên tán phong nhiệt, ra mồ hôi, giảm uất, làm thuốc thanh lương dùng chữa cảm nắng (trúng thử), đau bụng, bụng đầy, chứng ăn không tiêu.
11:Độc hoạt: Trên thị trường tên Độc hoạt dùng để chỉ thân rễ và rễ cùa nhiều cây khác nhau. Sau đây là một số cây chính:
1.     Xuyên độc hoạt là thân rễ và rễ phơi hay sấy khô của cây Xuyên độc hoạt.
2.     Hương độc hoạt là rễ của cây Mao đương quy.
3.     Ngưu vĩ độc hoạt là rễ phơi hay sấy khô của cây Độc hoạt đuôi trâu.
4.     Cửu nhỡn độc hoạt là thân rễ phơi hay sấy khô của cây Cửu nhỡn độc hoạt.
Độc hoạt có vị cay, tính ôn, vào 2 kinh Can và Thận. Có tính chất đuổi phong hàn, thử thấp, hết đau, chuyên dùng trong những trường hợp phong hàn, các khớp xương và lưng gối đau nhức bất kể cả đau lâu hay mới đau, đau đầu, đau răng.
*Lưu ý: Những người âm hư hoả vượng, huyết hư không phong hàn thực tà không dùng được.
12.Kiết cánh: Còn gọi là Cát cánh, là rễ phơi hay sấy khô của cây Cát cánh, có vị đắng, cay, tính hơi ôn, vào kinh Phế. Có tác dụng tuyên Phế khí, tán phong hàn, trấn ho,
trừ đờm. Dùng chữa ngoại cảm sinh ho, cổ họng sưng đau, ngực đầy chướng đau, ho ra máu, mủ.
*Lưu ý: Những người âm hư mà ho thì không dùng được.
13.Gừng tươi: tức Sinh khương vị cay, tính hơi ôn, vào 3 kinh Phế, Tỳ và Vị. Có tác dụng phát biểu tán hàn, ôn trung, làm hết nôn, tiêu đờm, hành thuỷ giải độc. Dùng chữa ngoại cảm biểu chứng, bụng đầy trướng, nôn mửa, giải độc Bán hạ, Nam tinh, cua cá, đờm ẩm sinh ho.

Phương huyệt:

Liệt mặt do trúng phong hàn
Thần kinh số VII chẳng còn như xưa
“Thiên phong khẩu nhãn oa tà”
Địa thương hợp với Giáp xa mà dùng
Hạ quan: ăn uống vãi vung
Mắt nhắm không kín dùng Đồng tử liêu
Miệng nói ú ớ ít nhiều
Liêm tuyền, Thông lý tuyệt chiêu mà dùng
Môi trên thì có Nhân trung
Thừa tương môi dưới hợp dùng miệng ngay
Tả méo – chữa hữu xưa bày
Hợp cốc bên méo huyệt hay nhớ dùng.


VỊ TRÍ HUYỆT:
Địa thương: Ở mặt, từ mép ngang ra và từ giữa đồng tử thẳng xuống, chỗ điểm gặp nhau của hai đường.
Giáp xa: Ở vùng mặt má. Chỗ lõm phía trước và phía trên góc hàm trước 1 thốn, cũng là điểm gồ cao nhất khi cắn hàm răng lại.
Hạ quan: trước bình tai, trước lồi càu xương hàm dưới, chỗ lõm hình thành bởi cung má và vùng khuyết của xương hàm dưới.
Đồng tử liêu: Ở vùng mặt, phía ngoài khoé mắt ngoài ước chừng 0,5 thốn, chỗ lõm bờ ngoài xương hố mắt.
Liêm tuyền: Ở vùng cổ, trên sụn giáp, chỗ lõm bờ dưới xương móng.
Thông lý: Ở trên nếp cổ tay bên trụ 1 thốn, chỗ bờ bên quay của gân cơ gấp gấp ngón tay.
Nhân trung: Ở điểm nối 1/3 trên với 2/3 dưới của rãnh dưới mũi.
Thừa tương: Ở chỗ lõm chính giữa rãnh cằm môi.
Hợp cốc: Ở mu bàn tay, giữa hai xương bàn tay thứ 1 và thứ 2, chỗ ngang điểm giữa của xương bàn tay thứ 2.   






Không có nhận xét nào: