Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Lớp phổ cập kiến thức YHCT khóa I - Phần III. HỌC THUYẾT TẠNG TƯỢNG

Lớp phổ cập kiến thức YHCT khóa I -

Phần III. HỌC THUYẾT TẠNG TƯỢNG

Lương y Võ Phươc Hưng
Lương y Dương Phú Cường
Biên soạn


 A. Định nghĩa:
 1. Tạng: tạng phủ bên trong.
 2. Tượng: hiện tượng bên ngoài.
 B. Sự quan hệ và chức năng nhiệm vụ của các tạng phủ:
 Công năng sinh lý và sự quan hệ lẫn nhau của các tạng phủ:
 - Quan hệ giữa tạng với tạng.
 - Quan hệ giữa phủ với phủ.
 - Quan hệ giữa tạng với phủ.
 - Quan hệ giữa nội tạng với tay chân.
 - Quan hệ giữa ngũ tạng với ngũ thể, thất khiếu.
 - Quan hệ ngũ tạng với ngũ chí.
 - Quan hệ ngũ tạng với ngũ sắc.
 - Quan hệ ngũ tạng với ngũ vị.
 - Quan hệ ngũ tạng với khí hậu bốn mùa.
 C. Chức năng của 5 tạng:
 - Tâm (Tâm bào lạc).
 - Can.
 - Tỳ.
 - Phế.
 - Thận.
 D. Chức năng của 6 phủ:
 - Đởm.
 - Vị.
 - Đại, tiểu trường.
 - Bàng quang.
 - Tam tiêu.
 Đ. Phủ kỳ hằng:
 - Não tủy.
 - Dạ con.
 E. Dinh, Vệ, Khí Huyết, Tinh thần, Tân dịch:
 - Dinh, Vệ, Khí, Huyết.
 - Tinh.
-                 Thần.
-                 Tân dịch. 

NỘI DUNG

IV. HỌC THUYẾT TẠNG TƯỢNG:
A. ĐỊNH NGHĨA:
Tạng là các tạng khí trong cơ thể.
Tượng là các hiện tượng bên ngoài.
Tạng tượng là các hiện tượng tạng khí bên trong biểu hiện ra ngoài thân thể.
B. SỰ QUAN HỆ GIữA CÁC TẠNG PHỦ:
1. Quan hệ giữa tạng với tạng:
Tố Vấn nói: Can sinh cân, cân sinh Tâm, Tâm sinh huyết, huyết sinh Tỳ, Tỳ sinh nhục, nhục sinh Phế, Phế sinh bì mao, bì mao sinh Thận, Thận sinh cốt tủy, cốt tủy sinh Can.  
Lại có người nói: Thận làm chủ cho Tâm, Tâm làm chủ cho Phế, Phế làm chủ cho Can, Can làm chủ cho Tỳ, Tỳ làm chủ cho Thận.
Như vậy ta thấy giữa tạng với tạng có sự nuôi dưỡng lẫn nhau, ức chế lẫn nhau.
2.     Quan hệ giữa phủ với phủ:
Tố Vấn nói: Đởm, vị, Đại Trường, tiểu trường, Tam Tiêu, Bàng Quang là căn bản của kho tàng, là chỗ sinh ra dinh khí, gọi là chỗ chứa đựng.
Sách Linh Khu nói: dạ dày đầy thì ruột trống không, ruột đầy thì dạ dày trống không, trống rồi lại đầy, đầy rồi lại trống cho nên khí mới lên xuống được. Vì lục phủ là nơi chứa thức ăn, tinh khí đều do đó mà ra, truyền đi khắp nơi, cặn bã cũng do đó mà biến hóa, bài tiết ra ngoài.
3.     Quan hệ giữa tạng với phủ:
Quan hệ giữa tạng với phủ là quan hệ biểu lý. Sách Tố Vấn có nói: túc Thái Dương Bàng Quang là biểu lý với túc Thiếu Âm Thận. Túc Thiếu Dương Đởm là biểu lý với túc Quyết Âm Can. Túc Dương Minhvị là biểu lý với túc Thái Âm Tỳ. Đó là túc âm dương.
Thủ Thái Dương tiểu trường là biểu lý với thủ Thiếu Âm Tâm, thủ Thiếu Dương Tam Tiêu là biểu lý với Thủ Quyết Âm Tâm Bào lạc, Thủ Dương Minh Đại Trường là biểu lý với thủ Thái Âm Phế. Đó là thủ âm dương vậy.
Cơ sở của biểu lý là hệ thống của 12 kinh mạch.
4.     Quan hệ nội tạng với tay chân:
Sách Linh Khu nói: Phế, Tâm có tà khí thì lưu ở khuỷu tay, Can có tà khí thí lưu ở nách, Tỳ có tà khí thí lưu ở háng, Thận có tà khí thí lưu ở khoeo chân. Phàm tám chỗ lưu ấy đều là chỗ tụ hội của chân khí đi qua đó. Huyết lạc cũng đi qua đó.
Quan hệ ngũ tạng với tám chỗ lưu ở tay chân cũng thông qua kinh lạc. Ngoài ra tay chân cũng quan hệ đến Tỳ vị.
Hoàng đế hỏi: Tỳ bị bệnh mà tay chân không hoạt động được là tại sao?  Kỳ Bá đáp: tay chân đều tiếp nhận khí ở Tỳ vị, nhưng khí ấy phải nhờ tác dụng của Tỳ vị mới đạt đến tứ chi. Vậy tay chân đều nhờ sự cung cấp của Tỳ vị.
5.     Quan hệ ngũ tạng với ngũ thể thất khiếu:
Người xưa cho rằng: sinh mạng của con người trong có tiêu hóa tuần hoàn, ngoài có những cử chỉ việc làm đều có liên hệ đến nội tạng. Nên Tố Vấn nói: Tâm hợp với mạch, vinh nhuận ở sắc mặt. Phế hợp với da, vinh nhuận ở lông. Can hợp với cân, vinh nhuận ở móng tay, móng chân. Tỳ hợp với thịt, vinh nhuận ở môi. Thận hợp với xương, vinh nhuận ở tóc.
Có người lại nói: khiếu của Can ở mắt, khiếu của Tâm ở lưỡi, khiếu của Tỳ ở miệng, khiếu của Phế ở mũi, khiếu của Thận ở tai.
6. Quan hệ ngũ tạng với ngũ chí:
Ngũ chí là 5 loại tình cảm: vui, mừng, giận, lo nghĩ, bi thương, sợ hãi đều liên hệ đến ngũ tạng. Tố vấn nói: Giận dữ hại Can, vui mừng hại Tâm, lo nghĩ hại Tỳ, buồn rầu hại Phế, sợ hãi hại Thận. Đó là bệnh nội thương.
7. Quan hệ ngũ tạng với ngũ sắc:
Ngũ sắc là các màu: xanh, đỏ, trắng, vàng, đen. Trong tình trạng bình thường thì tinh khí của năm trạng thái biểu lộ ở mày, mắt, mặt, mũi, đều hoà sáng rỡ, nếu nội tạng có bệnh thì sắc mặt cũng theo đó mà biến đổi. Như Tâm hiện sắc đỏ, Can hiện sắc xanh, Tỳ hiện sắc vàng, Phế sắc trắng, Thận sắc đen. Đó là bệnh lý chung, nếu có sự biến hóa thì phải phối hợp ngũ tạng, ngũ sắc, ngũ hành để nhận định. Như bệnh ở Can lại thấy sắc trắng (kim khắc mộc), bệnh ở Tâm lại thấy sắc đen (thuỷ khắc hỏa) … Đó là bệnh của ngũ tạng có sự xung khắc, phần nhiều tiên lượng xấu.
8. Quan hệ ngũ tạng với ngũ vị:
Ngũ vị là 5 vị: chua, đắng, ngọt, cay, mặn. Mỗi tạng đối với mỗi vị có sự thích ứng với nhau.
Linh Khu nói: vị chua vào Can, vị đắng vào Tâm, vị cay vào Phế, vị mặn vào Thận.
Ăn uống hàng ngày cần phải có sự điều hòa các vị, nếu thái quá sẽ sinh bệnh. Tố Vấn bảo: vị chua hại cân, vị đắng hại khí, vị ngọt hại thịt, vị cay hại da và lông, vị mặn hại huyết.
9. Quan hệ ngũ tạng với khí hậu bốn mùa:
Thân thể con người còn phải thích ứng với khí hậu bên ngoài. Tố vấn: Tâm thông với khí mùa hạ, Phế thông với khí mùa thu, Thận thông với khí mùa đông, Can thông với khí mùa xuân, Tỳ thông với khí trưởng hạ. Nếu cơ thể con người không thích ứng được với sự biến hóa của thời khí hoặc chánh khí suy kém thì tà khí lục dâm (Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hỏa) có thể làm ảnh hưởng đến nội tạng mà sinh ra bệnh nên Tố Vấn nói: mùa xuân cảm phong, tà khí lưu lại trong người sinh ra ỉa chảy, mùa hạ cảm Thử, đến mùa thu sẽ sinh ra chứng sốt rét cơn. Mùa hạ cảm Thấp khí nghịch nên sinh ra ho, phát thành bệnh nuy huyết. Mùa đông cảm Hàn thì mùa xuân tất sinh bệnh ôn. Khí hậu bốn mùa biến hoá thay đổi nhau mà tổn hại đến ngũ tạng.
C. CHỨC NĂNG CỦA 5 TẠNG (NGŨ TẠNG):
1. Tâm (phụ Tâm bào lạc):
a) Tâm chức vụ là quân chủ, chủ về thần minh:
Tâm là chủ tể của sinh mệnh, đứng đầu các tạng phủ, tất cả tinh thần ý thức và tư tưởng đều do công năng của Tâm. Cho nên gọi Tâm là quân chủ. Sách Linh Khu nói: Tâm là vị đại chủ của lục phủ ngũ tạng, là nơi cư trú của thần minh. Tố Vấn nói: Tâm tàng thần hoặc Tâm là nguồn gốc của sinh mệnh, là nơi biến hóa của thần.
Tâm thông qua tác dụng của thần chỉ đạo lục phủ ngũ tạng, là chủ tể sinh mệnh của con người.
b) Tâm chủ về huyết mạch, vinh nhuận ra mặt:
 Mạch là một trong ngũ thể, có tác dụng bao bọc huyết dịch và chu lưu tuần hoàn toàn thân. Sách Tố Vấn nói: Tâm là gốc của sinh mệnh… vinh nhuận ra mặt, làm đầy chỉ ở huyết mạch. Sách Linh Khu nói: khí ở kinh thủ Thiếu Âm tuyệt (chỉ vào Tâm) thì mạch không thông, mạch không thông thì huyết đọng lại, huyết đọng lại thì tóc không tươi nhuận (là tóc sắc đen mà không sáng). Đó là huyết chết.
c) Quan hệ giữa Tâm với lưỡi:
Hoạt động của Tâm không những biểu hiện ở huyết mạch, sắc mặt mà còn phản ánh trên chất lưỡi. Sự phản ánh này còn giúp rất nhiều cho sự chẩn đoán khi lâm sàng. Như chất lưỡi đỏ thắm là Tâm nhiệt, hỏa khí hữu dư, chất lưỡi đỏ nhợt là huyết hư, Tâm khí bất túc. Nếu Tâm thần bệnh thì lưỡi rụt, không nói được. Sách Tố Vấn nói: khiếu của Tâm ở lưỡi, sách Linh Khu nói: khí của Tâm thông ra lưỡi, Tâm hóa thì lưỡi mới phân biệt được ngũ vị
Tâm bào là ngoại vệ của Tâm, có công năng bảo vệ Tâm, đồng thời chấp hành mệnh lệnh của Tâm. Trên lâm sàng thấy có bệnh ôn nhiệt có chứng trạng hôn mê, cấm khẩu, nói sảng thì cho là: tà vào Tâm bào. Cách chữa thì dùng phương pháp: thanh Tâm tiết nhiệt hoặc thanh Tâm an thần.
2. Can:
a) Can tàng huyết:
Sách Linh Khu nói: Can tàng huyết. Tố Vấn cũng nói: khi người ta ngủ thì huyết chạy về Can. Vương Băng chú thích: người ta khi hoạt động thì huyết chạy đi các kinh, khi tĩnh thì huyết chạy về tạng Can. Khi lâm sàng thấy có hiện tượng giận dữ thì thổ huyết thường đổ lỗi cho Can.  Giận hại Can vì Can khí nghịch làm mất chức năng tăng huyết, khi điều trị phải bình Can.
b) Can có chức vụ là tướng quân chủ việc mưu lự:
Can có công năng phòng giữ ngoại xâm, chống đỡ bệnh tà. Sách Tố Vấn bảo: Can là chức tướng quân, mưu sự ở đó mà ra.
c) Quan hệ Can với cân và móng tay, móng chân:
Can thuộc cân. Theo Tố Vấn: Can sinh cân. Trên lâm sàng thấy chứng trạng xương đau mỏi, gân co giật, uốn ván, hoặc thấy chứng trạng móng tay móng chân mềm mỏng và trắng nhợt hoặc lõm, khô mềm đều do Can. Vì thế Can vinh nhuận ở móng tay móng chân.
d) Quan hệ giữa Can với mắt:
 Những bệnh đau mắt cấp tính: đỏ, sưng, đau nhức, là thuộc về Can, Can hỏa vượng. Những bệnh hoa mắt, mờ mắt, hoặc khô ráo hay quáng gà… là bệnh huyết không dưỡng Can. Như sách Linh Khu nói: Can khí thông với mắt, hoặc Tố Vấn nói: Can khai khiếu ở mắt.
3.        Tỳ:
a) Tỳ chủ việc vận hóa:
Công năng của Tỳ chủ yếu là việc vận hóa. Tinh khí của đồ ăn uống khắp toàn thân. Sách Tố Vấn nói: đồ ăn uống vào vị, tinh khí đầy tràn, đưa lên Tỳ, Tỳ khí phân bố tinh dịch, đưa lên Phế. Cũng có chỗ nói: Tỳ giúp đỡ vị để vận hành tân dịch, lại nói: Tỳ mạch thuộc thổ, là tàng để tưới ra khắp chung quanh. Đó là hiện tượng: thổ sinh vạn vật để ví dụ về công năng vận hóa của Tỳ.
Nếu Tỳ vận hóa kém sẽ có chứng bụng đầy, sôi bụng, ỉa phân sống, ăn không tiêu, chẳng muốn ăn, tinh thần uể oải. Tỳ còn có chức năng vận hoá thủy thấp, nếu Tỳ suy yếu sẽ sanh thủy thấp ở trưởng vị, đi đại tiện sẽ nhão, tiểu tiện không lợi. Tố Vấn nói: Tỳ không ưa thấp hoặc: các chứng thấp thủng đều thuộc Tỳ. Nên phép chữa là kiện Tỳ. Nhưng cũng có trường hợp mệnh môn tướng hỏa suy kém, vì hỏa không sinh được thổ nên Tỳ dương suy yếu không vận hóa được nên ăn ít, ỉa chảy. Nếu điều trị phải bổ HỎA mạng môn.
b) Tỳ thống huyết:
Tỳ có công năng thống nhiếp huyết dịch, nếu Tỳ mất chức năng này sẽ sinh ra bệnh tiện huyết lâu ngày, phụ nữ rong kinh, rong huyết. Cách điều trị phải dùng phương pháp dẫn huyết qui Tỳ, hoặc bổ Tỳ nhiếp huyết.
c) Quan hệ giữa Tỳ với tay chân, bắp thịt và môi:
Cơ bắp nhờ sự cung cấp tinh khí của đồ ăn do Tỳ vận hóa. Nếu Tỳ suy thì tay chân không vận động được. Tình trạng tốt xấu của Tỳ cũng ảnh hưởng đến môi. Theo ý nghĩa của câu: Tỳ hợp với bắp thịt, vinh nhuận ra ở môi, của Tố Vấn.
4. Phế:
a) Phế chủ khí:
 Phế chủ khí có 2 ý nghĩa:
 - Phế có cơ năng hô hấp.
 - Phế cũng chủ về chân khí.
Nếu Phế bệnh thì có chứng ho có đờm, khí suyễn, hô hấp không lợi.
Bảo Phế là chân khí hay nguyên khí là khí căn bản của con người, khí này được sự cung cấp của tinh chất đồ ăn uống phối hợp với dưỡng khí mới vận hành được. Linh Khu nói: chân khí là bẫm thụ khí trời kết hợp với cốc khí mà nuôi dưỡng thân thể. Trên lâm sàng thấy chứng trạng: mệt nhọc, kém sức, thở ngắn, tự ra mồ hôi đều quan hệ đến Phế (ngoài ra Tỳ, vị hư yếu thổ không sinh được Phế- kim mà làm cho Phế hư cũng là một nguyên nhân).
b) Phế giữ chức phó tướng, chủ việc điều tiết:
Sách Tố Vấn có câu: Phế giữ chức phó tướng việc quản trị, điều tiết do đó mà ra. Hoặc: Các mạch đều triều về Phế là nơi Phế giúp Tâm tuần hành huyết dịch.  Tâm chủ huyết, Phế chủ khí.  Khí là thống soái của huyết, khí hành thì huyết hành hoặc: huyết là mẹ của khí, huyết đến thì khí đến. Do đó khi chữa bệnh về huyết chứng, không phải chỉ đơn thuần bổ huyết mà còn bổ khí, hành khí nữa. Ví như thất huyết nhiều quá không chỉ dùng thuốc chỉ huyết mà còn dùng Nhân sâm để bổ khí, nhiếp huyết.
c) Phế chủ bì mao:
Bì mao là da lông, vì tầng da của thân thể là chỗ dưỡng khí phân bố để bảo vệ cơ thể, nó có thể ảnh hưởng từ khí hậu bên ngoài, da lông cũng có tác dụng trị điều tiết, như gặp lạnh thì tự đóng kín lỗ chân lông lại, gặp nóng thì tự giãn nở ra, đóng kín thì không có mồ hôi, giãn nở thì có mồ hôi.
Nếu Phế khí hư sẽ không tự động co giãn lỗ chân lông được, thích nghi với thời tiết sẽ sinh ra cảm mạo, hoặc tự đổ mồ hôi, hay mồ hôi trộm. Cách chữa là bổ Phế ích khí. Mặt khác, Phế thực thì khí không thông như bị ngoại cảm, phong hàn, phát nóng, không ra mồ hôi, đôi khi có chứng trạng ho có đờm, khí suyễn, khi chữa phải phát hàn giải biểu.
d) Phế khai khiếu ở mũi:
Phế chủ hô hấp, mũi là cửa ngõ của Phế, Phế có bệnh thường ảnh hưởng đến mũi. Linh Khu nói: Phế khí thông ra mũi, Phế bình thường thì mũi biết được mùi thơm hay thối. Vì thế Phế khí bị phong hàn xâm phạm sẽ sinh ra chứng ngạt mũi, chảy nước mũi, không ngửi thấy mùi. Nếu Phế nhiệt có chứng trạng ho suyễn thở gấp, đồng thời thấy hai cánh mũi phập phồng.
e) Phế quan hệ giữa họng thở và tiếng nói:
Cuống họng là đường vào ra của Phế khí, Phế lại là tạng phát ra thanh âm. Nếu Phế có bệnh thường thay đổi ở họng thở hay tiếng nói. Vì Phế thuộc kim nên nói: chuông đặc không kêu, hoặc chuông vỡ không kêu.
5. Thận:
a) Thận tàng tinh:
Thận tàng tinh có 2 phương diện:
 - Tinh của ngũ tạng lục phủ.
 - Tinh của bộ phận sinh dục.
Tinh của ngũ tạng lục phủ gốc ở thủy cốc, là chất dinh dưỡng để duy trì sinh mệnh.
Tinh của bộ phận sinh dục là tinh của nam, nữ để truyền giống. Tinh này do khí tiên thiên kết hợp với khí hậu thiên để chuyển hóa mà thành. Nếu lấy chứng trạng như di tinh, hoạt tinh, không sinh đẻ được đều qui vào Thận.
b) Quan hệ giữa Thận khí với sự sinh trưởng phát dục:
Thận khí là bẩm thu khí tiên thiên của cha mẹ, trong lúc thai nghén nó là cơ sở xúc tiến để thành thai nhi. Sau khi sinh ra, thân được cấp dưỡng tính khí đồ ăn của hậu thiên để cơ thể phát triển đầy đủ và phát dục của cơ thể. Tố Vấn nói: con gái bảy tuổi Thận khí thịnh, răng khôn mọc, tóc dài, 14 tuổi thiên quý (dậy thì) đến mạch nhâm thông, mạch thái xung thịnh, lúc đó thấy kinh nguyệt. 21 tuổi Thận khí đầy đủ cho nên răng mọc đầy đủ… 49 tuổi mạch nhâm kém, mạch thái xung suy yếu, thiên quý cạn hết, kinh nguyệt không còn, nên Thận dễ suy yếu mà không có con nữa. Con trai 8 tuổi Thận khí thực tóc tốt, răng thay, 16 tuổi Thận khí thịnh, thiên quý (dậy thì), tinh khí đầy, 24 tuổi Thận khí đều hòa, gân cốt cứng mạnh, răng hàm mọc đầy đủ, thân thể lớn mạnh… 40 tuổi Thận khí kém, tóc rụng, răng khô… 56 tuổi Can khí suy yếu, gân mạch kém, thiên quý khô cạn, Thận tạng suy yếu, thân thể hao mòn, 64 tuổi răng tóc rụng, tạng phủ suy yếu, gân xương rã rời.
c) Thận chủ về hỏa mạng môn:
Hỏa mạng môn còn gọi là tướng hỏa, mệnh môn là căn bản của sinh mệnh. Nói tướng hỏa là so sánh với quân hỏa, giúp đỡ cho quân hỏa. Bởi Thận chủ về thủy dịch và chứa tinh, lại chủ về hỏa mệnh môn, là chỗ nguyên âm và nguyên dương của con người. Cảnh nhạc toàn thư nói: mệnh môn là cái bễ của tinh huyết, Tỳ vị là cái bễ của đồ ăn uống, đều là gốc của ngũ tạng, lục phủ, nhưng mệnh môn là cái gốc của nguyên khí, là chỗ ở của CHÂN THỦY HỎA. Âm của ngũ tạng không có nó thì không thể tu dưỡng, dương khí của ngũ tạng không có nó thì không thể phát sinh, Tỳ vị là Thổ ở trong trung châu, không Hỏa thì không thể sinh được. Tỳ vị là nguồn tưới nhuần, bẫm thụ khí của tiên thiên.
Thận âm suy làm cho Can âm kém mà sinh ra chứng Can dương vượng, như choáng, hoa mắt hoặc Tâm âm suy kém mà sinh ra chứng Tâm hỏa vượng như Tâm phiền mất ngủ, thậm chí làm cho Phế âm suy hiện ra các chứng ho khan, ho ra huyết, đổ mồ hôi trộm.
Thận dương suy làm cho Tỳ dương suy kém mà sinh ra chứng Tỳ dương kém như đi cầu phân sống, tiết tả lúc mờ sáng, cũng có thể làm cho Tâm suy nhược hồi hộp.
Mặt khác, mệnh môn hỏa kém có thể gây ra chứng tình dục giảm sút, hoặc liệt dương, ngược lại, tướng hỏa vượng động nên có hiện tượng kích động dục tình. Cách chữa đối với chứng trạng trên thì ôn bổ Thận dương, đối với chứng dưới nên tráng thủy chế hỏa.
d) Thận chủ xương tủy thông với não:
Xương tủy có quan hệ nhất định với Thận, như bệnh ròm xương là do Thận âm suy mà làm cho xương khô, tủy kém hoặc làm cho xương không cử động được và hai chân rũ liệt.
Tủy lại hội ở não. Linh Khu nói: não là cái bể của tủy. Tố Vấn cũng nói: tất cả tủy đều thuộc về não. Vậy não là chỗ hội của tủy, mà tủy lại nhờ sự biến hóa của Thận. Tố vấn: Thận là bộ phận làm cho thân thể cường tráng, sự khôn khéo do đó mà ra. Nếu Thận khí không đầy đủ thì có thể có chứng lưng mỏi, xương đau, đầu choáng, tai ù. Khi chữa bệnh cần bổ Thận ích tinh.
e) Thận khai khiếu ở tai, tiền âm, hậu âm:
Linh Khu bảo: Thận khí thông ra tai. Trên lâm sàng Thận hư có hiện tượng tai ù, thậm chí tai điếc, nếu bổ Thận sẽ khỏi dần.
Thận còn khai khiếu ra tiền âm, hậu âm. Nếu Thận thủy suy thì đại tiện khô ráo, kiết lị, hoặc tiểu tiện ít. Nếu Thận hỏa suy thì đại tiện lỏng, tiểu tiện không cầm được. Mặt khác, Thận không hóa được thủy sinh ra chứng phù thủng.
D. CHỨC NĂNG CỦA 6 PHỦ (LỤC PHỦ):
1. Đởm:
a) Đởm giữ chức trung tính, chủ việc quyết đoán:
 Tố Vấn nói: Đởm giữ chức trung chính, sự quyết đoán do đó mà ra. Tố vấn: tất cả 11 tạng phủ đều theo quyết đoán của Đởm.  Trung chính là không thiên lệch, có ý chuẩn xác, quyết đoán là tối hậu quyết định. Sách y thuật nhắc lời sách y tham nói: người mạnh dạn thì khí lưu thông mà không hề gì. Người nhút nhát thì khí ngưng kết lại mà thành bệnh.  Phàm người gặp gió lớn mà không sợ thì không bệnh thương phong. Gặp rét quá, nóng quá mà không sợ thì không bị trúng hàn, trúng nhiệt. Đởm ở đây cũng nói về, Đởm lược của con người
b) Đởm là phủ trung tính:
 Sách Trương thị loại kinh nói: Đởm giữ chức trung chính vì chứa chất dịch trong sạch, gọi là trung tính vì các phủ khác đều chứa chất đục mà Đởm lại chứa chất trong.
c) Quan hệ giữa Can với Đởm:
Mọi mưu sự và phán đoán của con người đều có ảnh hưởng đến Can Đởm, vì Can Đởm là biểu lý với nhau.
Trên lâm sàng khi thấy Đởm hỏa vượng thịnh, người thường hay nóng nảy giận dữ. Đởm khí bất túc có hiện tượng người hay khiếp sợ, ngại ăn nói. Khi điều trị phải bình Can hoặc tả Đởm hỏa.
2. Vị:
a) Vị là cái bể chứa đồ ăn, chủ việc làm nhừ thức ăn
Người ta bẩm thụ khí tiên thiên mà sinh ra trưởng thành, nhưng cũng cần khí hậu thiên cấp dưỡng khí thủy cốc. Khí thủy cốc chín nhừ là nhờ công năng của vị. Linh Khu nói: Vị là cái bể chứa của ngũ tạng lục phủ, đồ ăn đều vào Vị, ngũ tạng lục phủ đều bẫm thụ khí ở Vị
Vậy Thận là gốc của khí tiên thiên Tỳ vị là căn bản của khí hậu thiên. Nếu công năng của vị khí kém làm ảnh hưởng đến tạng phủ, nếu vị khí suy kiệt thì tương mạch mất nhu hòa. Nội kinh viết: Mạch không có vị khí hoặc mạch chân tạng nên có tiên lượng xấu.
b) Quan hệ giữa Tỳ, Vị:
Về kinh mạch thì kinh túc Thái Âm Tỳ có lạc mạch với vị. Kinh túc Dương Minhvị có các lạc mạch với Tỳ. Tỳ, vị có quan hệ biểu lý với nhau:
 - Về công năng: vị làm chín nhừ thủy cốc, Tỳ làm chủ vận hóa thủy cốc.
 - Về bản chất: vị là dương là phủ, Tỳ là âm là tạng.
 - Về tính năng: vị không thích táo mà ưa nhuận, Tỳ ưa ráo mà không ưa thấp.
 - Về tính chất: vị lấy giáng làm thuận, Tỳ lấy thăng làm hòa.
Tỳ và vị có quan hệ mật thiết với nhau nên bệnh trạng cũng có ảnh hưởng với nhau.
Tỳ không vận hoá thì vị không thu nạp được. Vị không chín nhừ thì Tỳ không vận hành được.
Tỳ hư thấp tụ làm cản trở vị dương, sẽ sinh ra chứng bụng trướng đầy không muốn ăn.
Vị thực táo nhiệt thì tiêu hao tân dịch ở Tỳ.
Chứng nôn mửa là do vị không giáng xuống được, chứng tiết tả là do Tỳ mất vận chuyển, bị hãm ở dưới mà gây nên.
3. Đại trường, Tiểu trường:
a) Tiểu trường chủ việc phân hóa nên có thanh trọc:
Tố Vấn nói: tiểu trường giữ chức vụ chứa đựng vật đã được phân hóa do đó mà ra. Sách y học nhập môn nói rõ hơn: những đồ ăn đã nghiền nát từ u môn (miệng dưới của vị) truyền xuống tiểu trường. Vì thế cơ năng của tiểu trường không được kiên toàn sẽ ảnh hưởng đến đại tiểu tiện. Phàm chứng đi lỏng mà thủy cốc không phân biệt được và tiểu tiện đi nhiều hay ít, sắc đậm hay nhạt đều có quan hệ đến tiểu trường.
b) Đại trường chủ việc bài tiết cặn bã:
 Tố Vấn nói: Đại Trường giữ chức vụ truyền đạo, sự biến hóa do đó mà ra. Truyền đạo có nghĩa là bài tiết. Biến hóa là chỉ về bài tiết ra phân cặn bã của đồ ăn uống sau khi đã biến hóa, cho nên nói: biến hóa do đó mà ra. Quá trình tiêu hóa, hấp thu, bài tiết đồ ăn uống người xưa cho rằng: vị giữ trách nhiệm thu nạp, nghiền nát thức ăn. Tỳ giữ trách nhiệm vận hóa, đem chất dinh dưỡng của thức ăn đi khắp nơi để nuôi dưỡng cơ thể. Tiểu trường đưa phần nước thải xuống Bàng Quang rồi bài tiết ra tiền âm, phần cặn bã xuống Đại Trường bài tiết ra hậu môn. Đại trường phụ trách việc tống chất cặn bã ra ngoài, cũng là giai đoạn cuối cùng của toàn bộ quá trình biến hóa. Bởi vì công dụng của Đại Trường là truyền tống cặn bã, giữ việc đại tiện, cho nên trên lâm sàng phàm những chứng đại tiện bí kiết hoặc bệnh lý cấp hậu trọng (mót rặn) … khi chữa, chủ yếu là phải nhuận trường.
c) Quan hệ giữa Tiểu trường với Đại trường.
Như đã nói ở trên, tiểu trường có công năng hóa vật và phân biệt thanh trọc. Đại trường có tác dụng biến hóa và truyền tống cặn bã. Vậy quan hệ giữa Đại Trường với tiểu trường là quan hệ đại tiện với tiểu tiện. Nếu người bệnh đi tiểu nhiều thì đại tiện thường khô ráo, ngược lại nếu đại tiện loãng lỏng thì tiểu tiện ít. Khi trị bệnh đau bụng đi tả thì không hẳn phải dùng thuốc cỏ sáp chỉ tả mà có khi phải dùng thuốc lợi tiểu tiện. Thương hàn luận nói: chứng đi cầu lỏng thuộc về hạ tiện thì dùng Xích thạch chi và Vũ dư lương là chủ yếu, nếu cứ đi tiêu chảy không chỉ thì nên lợi tiểu tiện. Đó là nguyên lý lợi tiểu tiện làm chắc đại tiện.
d) Quan hệ giữa Tâm với Tiểu trường:
Kinh thủ Thiếu Âm Tâm có lạc huyệt với Kinh Thủ Thái Dương Tiểu Trường. Hai tạng phủ này có biểu lý với nhau. Linh Khu nói: Tâm hợp với tiểu trường. Chứng lưỡi đỏ, nứt là do Tâm hỏa vượng (Tâm khai khiếu ở lưỡi) thì thường có chứng tiểu tiện đỏ, ít thậm chí ra huyết.
đ) Quan hệ giữa Phế và Đại trường:
Kinh thủ Thái Âm Phế có lạc huyệt với Kinh Thủ Dương Minh Đại Trường. Hai tạng phủ này có biểu lý với nhau. Nếu thấy chứng suyễn đầy thuộc đờm trọc bế tắc, Phế khí không thông lợi thì thường gây ra chứng đại tiện bí hoặc chứng kiết lỵ.
4. Bàng quang:
a) Bàng quang chủ việc chứa tân dịch:
Tố Vấn nói: Bàng quang chức vụ là châu đô, tân dịch chứa ở đó. Tân dịch ở đây nói về tiểu tiện, vì sau khi tiếp thu đồ ăn do Tỳ, vị làm nhừ biến thành tân dịch, vận chuyển dinh dưỡng đi toàn thân. Những chất dịch cần thiết cũng có mức độ, còn phần thừa phải bài tiết ra ngoài (như mồ hôi), một phần lớn qua đường thủy đạo là Tam Tiêu rồi truyền xuống Bàng Quang thành nước tiểu.
Sách Sào thị bệnh nguyên nói: tiểu tiện là chất thừa thải của thủy dịch. Vì vậy tân dịch, tiểu tiện và mồ hôi có quan hệ mật thiết với nhau. Nếu tiểu tiện nhiều thì tân dịch sẽ giảm, trái lại mồ hôi ra nhiều hoặc thổ tả quá mức sẽ làm cho tân dịch bị giảm nên tiểu tiện càng ít, thậm chí bí tiểu tiện,  (trời nóng thì mồ hôi ra nhiều nên tiểu tiện ít, trời rét mồ hôi ra ít thì tiểu tiện nhiều). Vì thế có câu: tân dịch chứa ở Bàng Quang.
b) Quan hệ giữa Bàng quang với Thận:
Kinh túc Thái Dương Bàng Quang có lạc huyệt với Kinh túc Thiếu Âm Thận. Theo Linh Khu: Thận hợp với Bàng Quang, Bàng Quang là phủ của tân dịch, tân dịch biến thành tiểu tiện nên có tác dụng khí hóa của Thận. Chứng tiểu tiện nhiều hoặc ít do công năng của Bàng Quang mất bình thường, nhưng có khi Thận khí suy yếu hoặc Mệnh môn hỏa kém.
5. Tam tiêu:
a) Phân biệt bộ vị của Tam tiêu:
Tam tiêu cũng là phủ, nhưng có chỗ khác là:
 - Thượng tiêu: từ miệng trên của vị (bí môn) đến hoành cách mô gồm có bộ phận trong lồng ngực là Tâm và Phế.  (coi lại)
 - Trung tiêu: từ miệng trên của vị xuống miệng, miệng dưới (u môn) bao gồm vùng bụng trên trong đó có Tỳ, vị.
 - Hạ tiêu: từ miệng dưới của vị xuống đến tiền âm, hậu môn bao gồm phần bụng dưới trong đó có Can, Thận, tiểu trường, Đại Trường, Bàng Quang. Điều 31 của Nội kinh nói: thượng tiêu từ dưới Tâm xuống đến quy mô, ngang chỗ miệng trên của vị, chủ thân mà không chủ xuất. Trung tiêu là ở ngang giữa trung quản của vị, không cao, không thấp, chủ việc làm ngấu nhừ thức ăn… Hạ tiêu ngang với miệng trên của Bàng Quang, chủ việc phân biệt thanh trọc, chủ xuất mà không chủ nạp để truyền tống cặn bã.
b) Phân biệt công năng của Tam tiêu:
Công năng của Tam Tiêu gồm: lưu thông khí huyết tân dịch, làm ngấu nhừ thức ăn và thông lợi đường nước. Linh Khu nói: đồ ăn vào miệng có năm vị, đều dồn về bể chứa của nó, tân dịch đều đi theo đường lối riêng của tân dịch. Cho nên Tam Tiêu đưa khí ra để làm ấm bắp thịt, nuôi dưỡng bí phu là tân, chất lưu lại không đi là dịch. Nạn Kinh nói: Tam Tiêu là đường lối của thức ăn, là chỗ khí luân chuyển đi về đều đã nói rõ công năng của Tam Tiêu. Tuy nhiên, ba bộ phận lại có sở trường riêng:
* Thượng tiêu: Linh Khu nói: như sương mù, nói như sương mù là hình dung ở thượng tiêu nhiều khí (Phế chủ khí trong lồng ngực là khí hai). Chỗ khác lại nói: thượng tiêu phân bổ khí của ngũ cốc đi khắp nơi làm ấm da dẻ, nuôi thân thể mượt lông tóc như sương mù rưới xuống gọi là khí (vệ khí). Nếu mất công năng này thì da dẻ khô khốc, vệ khí suy, lỗ chân lông mở đóng bị trở ngại, sinh ra hiện tượng rét run, phát nóng. Ngoài ra thượng tiêu còn có công năng chủ việc hô hấp và thu nạp đồ ăn uống.
* Trung tiêu: Linh Khu nói: trung tiêu như bọt nước sủi lên.  Bọt nước sủi lên là chỉ vào trạng thái sinh lý của Tỳ, vị, chủ việc vận hóa thủy cốc và chưng bốc khí huyết tân dịch để nuôi dưỡng thân thể. Lại cũng nói: trung tiêu bao gồm thu nạp cốc khí, lọc cặn bã chưng lên tân dịch, làm thành tinh hoa đưa lên Phế mạch để hóa thành huyết.
* Hạ tiêu: Linh Khu nói: hạ tiêu như ngòi rãnh, ngoài rãnh là chỗ nước chảy ra. Ý nói chủ xuất chứ không chủ nạp, trôi đi chứ không trở lại nên chứng tiết tả bí tiểu tiện … đều qui vào hạ tiêu.
c) Quan hệ giữa Tam tiêu với Tâm bào lạc:
Về kinh mạch thì Kinh Thủ Quyết Âm Tâm Bào có lạc huyệt với Kinh thủ Thiếu Dương Tam Tiêu. Sách Trương thị loại kinh đồ dực nói: Tam Tiêu là bộ phận bảo vệ ở ngoài tạng phủ, Tâm bào lạc là bảo vệ ở ngoại Tâm, cũng như hai lần thành cửa cửu khuyết của nhà vua, cho nên đều thuộc dương và đều gọi là Tướng hỏa. Vả lại mạch lạc cũng thông với nhau và làm biểu lý lẫn nhau.
Đ. PHỦ KỲ HẰNG:
 Quan hệ về Phủ Kỳ hằng:
Kỳ hằng là khác thường vì nó không giống các tạng phủ khác. Tố Vấn nói: sáu thứ: não, tủy, xương, mạch, Đởm, tử cung là do địa khí sinh ra, đều tàng ở phần âm giống như đất, cho nên tàng lại mà không tả ra, gọi là Phủ kỳ hằng. Nói rõ sáu thứ ấy về hình thì giống như phủ mà tác dụng thì giống như tạng, không phải là tạng, không phải là phủ nên mới gọi là phủ kỳ hằng. Trong đó xương mạch, Đởm đã giới thiệu ở phần trên rồi, dưới đây nói về não, tủy và tử bào.
1. Não, Tủy:
a) Nguồn gốc và sự quan hệ giữa não và tủy:
 Như ta đã biết: thận tạng sinh ra tủy xương, não là chỗ hội họp của tủy, nên gọi não và tủy là một. Linh Khu bảo: tinh dịch của ngũ cốc hòa hợp thành chất nhờn thấm vào trong tủy xương để bồi bổ cho não, tủy. Vì thế nguồn gốc sinh hóa của não và tủy chính là có quan hệ với tinh khí của Thận tạng của tiên thiên, lại có quan hệ với tinh khí, thủy cốc của hậu thiên.
b) Quan hệ giữa não và tủy lúc bình thường hay có bệnh:
 Tác dụng của não và tủy có hai phương diện:
 - Não có tác dụng giữ gìn cho tay chân mình mẩy hành động nhanh nhẹn, tai, mắt sáng tỏ. Tố Vấn nói: não là cái bể của tủy… bể tủy có dồi dào thì nhanh nhẹn, mạnh mẽ và nhiều sức, quá mức bình thường. Bể tủy không đủ thì choáng óc, tai ù, ống chân nhức, choáng váng, mắt mờ, lười nhác, thích nằm.
 - Tủy có tác dụng nuôi dưỡng xương, Linh Khu nói: tủy làm đầy cho xương, xương khô mà tủy kém thì sinh ra chứng ròm xương.
Vậy bổ Thận hàm ý bổ tủy và não nữa.
2. Dạ con:
Dạ con còn có tên là bào cung (tử cung), có công năng chủ về kinh nguyệt và bào thai.
a) Chủ về kinh nguyệt:
Con gái đến tuổi dậy thì, khí huyết ở mạch xung, mạch nhâm vượng thịnh nên có kinh nguyệt. Đến khoảng 49 tuổi vì Thận khí suy giảm, khí huyết ở mạch Xung, mạch Nhâm cũng kém nên kinh nguyệt hết, cho nên bệnh ở Can Thận cũng có quan hệ đến kinh nguyệt.
b) Chủ về bào thai:
Bình thường bào cung chủ về kinh nguyệt, khi có thai thì chủ yếu để bảo vệ và nuôi dưỡng thai nhi, nuôi dưỡng cho thai nhi ở bào cung chủ yếu dựa vào hai mạch Xung, Nhâm.
E. DINH, VỆ, KHÍ, HUYẾT, TINH THẦN, TÂN DỊCH:
Dinh, vệ, khí, huyết có tác dụng dinh dưỡng, bảo vệ và tuần hoàn khí huyết trong cơ thể. Nếu có bệnh tật thì dinh, vệ, khí, huyết cũng thay đổi, học thuyết Ôn bệnh cũng được dựa vào đó để phân loại chứng hậu nông sâu để biện chứng.
1. Dinh, vệ, khí, huyết:
a) Sự sinh thành và phân bố của dinh, vệ, khí huyết:
 * Dinh: có nghĩa là dinh vận, dinh dưỡng, là chất có tác dụng dinh dưỡng thân thể: Linh Khu nói: người ta thụ khí ở ngũ cốc, khi ấy váo vị rồi truyền sang Phế, ngũ tạng, lục phủ đều tiếp nhận khí ấy. Thanh là dinh, trọc là vệ. Dinh ở trong mạch, vệ ở ngoài mạch. Lại nói: dinh là tinh khí của đồ ăn. Chỗ khác cũng nói: dinh khí là khí ở chỗ thu nạp cốc khí vào vị rồi truyền sang Phế, tràn đầy ở trong, phân tán ra ngoài, phần tinh vi đi trong đường kinh Toại (đường hầm trong kinh mạch). Dinh dưỡng thân thể liên tục không ngừng.
* Huyết: Linh Khu nói: trung tiêu nhận tinh khí của đồ ăn, đem chất lỏng biến hóa thành sắc đỏ gọi là huyết. Chỗ khác lại nói: dinh khí lọc tân dịch chảy về các mạch làm huyết, để dinh dưỡng ra ngoài chân tay và tưới vào trong ngũ tạng lục phủ.
* Vệ: là bảo vệ, giữ gìn, là chất bảo vệ thân thể. Vệ và dinh đều do đồ ăn thông qua sự tiêu hóa thu hút, hóa sinh của Tỳ, vị, nhưng chỉ khác lối vận hành, dinh đi trong kinh mạch, vệ đi ngoài kinh mạch. Tố Vấn nói: vệ là khí mạnh mẽ của đồ ăn, khí ấy lanh lẹ, trơn chảy, không thể đi vào trong mạch, cho nên nó đi vào khoản trong da, thớ thịt, bốc vào các màng mỡ, tản mác ở lồng ngực và bụng.  Còn Linh Khu nói: vệ khí đi khắp chân tay và da thịt, liên tục không ngừng.
* Khí: ý nghĩa có phần rộng rãi, ở đây chỉ nói về chân khí.
Khí của người ta một phần do hô hấp của phổi đưa vào, một phần của đồ ăn, do trải qua sự tiêu hóa thu hút của Tỳ, vị. Linh Khu nói: chân khí là bẩm thụ ở khí trời cùng với khí của đồ ăn hợp lại để nuôi dưỡng thân thể.  Tuy nhiên do tình hình phân bố và tác dụng nên nó còn có tên khác nhau. Linh Khu nói: đồ ăn khi mới vào vị thì phần tinh vi trước tiên ở vị đi ra lưỡng tiêu (trung tiêu và hạ tiêu) tưới nhuần năm tạng, đi riêng ra hai đường dinh, vệ, còn đại khí ở lại không đi, chứa ở lồng ngực… vào phổi, đi ra yết hầu. Cho nên khi thở thì khí ra, hít thì khí vào.  Sách Trương thị loại kinh nói: chân khí tức là nguyên khí, khí trời đi theo đường mũi vào họng thở, khí của đồ ăn đi theo đường miệng vào họng. Nhưng khí này khi người ta sinh ra thì gọi là khí tiên thiên, khí đã sinh ra rồi thì gọi là hậu thiên khí. Ở phần dương là dương khí, ở phần âm là âm khí, ở phần biểu là vệ khí, ở phần lý là dinh khí, ở Tỳ là sung khí, ở vị là vị khí, ở thượng tiêu là tông khí, ở trung tiêu là trung khí, ở hạ tiêu là nguyên âm, nguyên dương.  
2. Tác dụng của Dinh, vệ, khí, huyết:
Dinh và huyết: tuy tên gọi khác nhau nhưng công dụng thì liên hệ mật thiết với nhau.
a) Chu lưu tuần hoàn dinh dưỡng toàn thân:
Phàm da, lông, xương, thịt, tạng phủ con người không có sự nuôi dưỡng của huyết thì không hoạt động được, vì huyết có tác dụng dinh dưỡng nên huyết thịnh thì cơ thể thịnh, huyết suy thì cơ thể suy. Chỉ có huyết mạch đều hòa, tuần hoàn lưu lợi thì da thịt, gân cốt, khớp xương mới vận động mạnh mẽ. Sỡ dĩ mắt trông được, chân đi được, tay hoạt động được, da dẻ mịn màng đều nhờ sự tưới nhuần của huyết mạch. Người xưa lại nói: khí là thống soái của huyết. Lại nói: khí đi thì huyết cùng đi. Nếu sự vận hành của dinh, vệ bị bế tắc thì kinh mạch, da dẻ, thớ thịt không được sự nuôi dưỡng của dinh, khí và huyết mạch sẽ sinh chứng tê dại nên tà khí phạm vào huyết mạch sự vận hành không thuận lợi sẽ bị sưng đau.
b) Dinh huyết quan hệ đến hoạt động của tinh thần:
 Linh Khu bảo: huyết mạch, dinh khí, tinh thần đều chứa ở ngũ tạng. Còn nói: Can chứa huyết, huyết là chỗ nương tựa của hồn. Tỳ chứa dinh, dinh là chỗ nương tựa của ý. Tâm chứa mạch, mạch là chỗ nương tựa của thần. Vậy dinh và huyết là cơ sở vật chất của tinh thần hoạt động nên sự thịnh suy tiêu trưởng của dinh huyết và thịnh vượng của tinh thần, linh lợi của ý thức đều có quan hệ mật thiết. Trong môn sản hậu, sách Thánh tể tổng lục nói: đàn bà mới đẻ, tân dịch bị hao tổn mà huyết hư, chủ yếu làm cho người đó tinh thần mê mẩn, nói năng sai lầm, hoảng hốt không yên, nếu nặng quá sinh ra chứng điên cuồng. Cách chữa nên bổ huyết ích Tâm, yên thần, định chí. Tố Vấn nói: Can chứa huyết, huyết thịnh quá sinh ra giận, huyết kém sinh ra sợ. Trái lại tinh thần bị kích thích quá độ cũng ảnh hưởng đến huyết vận hành. Như giận quá làm cho huyết khí nghịch lên, thậm chí nôn ra máu. Do đó ta có thể hiểu được: hoạt động của tinh thần có thể ảnh hưởng đến huyết, nếu huyết suy kém cũng có thể ảnh hưởng đến tinh thần. Đó là mối liên hệ mật thiết lẫn nhau.
c) Vệ và khí:
 Sự sinh trưởng, phát triển, vận động và biến hóa của vạn vật trong vũ trụ đều có tác động của khí. Sinh mệnh của con người hoạt động cũng do công năng của khí. Sách Trương thị loại kinh nói: lẽ sinh hóa lấy khí làm gốc, trời đất vạn vật không gì là không do khí. Cho nên khí ở ngoài trời đất thì bao la trời đất. Khí ở trong trời đất thì vận hành ở trong trời đất. Nhật nguyệt tinh thần nhờ đó mà sáng. Sấm, gió, mây, mưa nhờ đó mà thành bốn mùa. Vạn vật nhờ đó mà sinh trưởng… Cho nên khí có tác dụng duy trì hết thảy sự hoạt động của cơ thể. Người ta chưa sinh mới thành hình trong bào thai. Nhờ hai mạch xung, nhâm tiếp liền ở cuống rốn cùng thông với khí huyết của người mẹ để bẩm thị khí tiên thiên. Sau khi đẻ ra lại nhờ sự hô hấp của không khí. Ăn uống đồ ăn để nuôi dưỡng. Hai cái đó không thể thiếu được. Sở dĩ duy trì được hoạt động sinh mệnh của cơ thể là vì khí có thể sinh hoạt của vạn vật, bồi bổ và dinh dưỡng hết thảy tạng khí của cơ thể. Nhờ đó mà điều hòa sự hoạt động của cơ thể, đồng thời cũng do khí có tác dụng thúc đẩy làm cho tất cả vật chất chuyển vận khắp toàn thân. Còn như vệ khí chủ yếu là có tác dụng chống đỡ bệnh tà, điều tiết hoàn cảnh bên ngoài và bên trong.
Căn cứ những lời trên thì tất cả sự hoạt động của con người không đâu là không nhờ sự hoạt động của khí. Như huyết chu lưu tuần hoàn được, tân dịch phân bố khắp da dẻ, thớ thịt đến các đốt xương, thông lợi các đường nước, bài tiết ra mồ hôi, nước tiểu chỗ nào cũng nhờ sự tác động của khí. Nên khi lâm sàng một số bệnh có quan hệ đến sự vận hoá bất thường của huyết dịch. Tân dịch thủy đạo đều dùng phương pháp chữa bằng điều khí hoặc bổ khí.
Còn công năng điều hòa các tạng phủ và các khí quan nhờ tác dụng liên lạc và truyền dẫn của kinh lạc ở giữa những tác dụng của tạng phủ. Kinh lạc cũng nhờ sau khi có sự nuôi dưỡng đầy đủ của khí rồi mới có thể sinh ra khí của tạng phủ, kinh lạc mới có công năng hoạt động của tạng phủ, kinh lạc. Cho nên trong cách chữa bằng châm cứu, khi châm kim vào thấy có sự cảm ứng thì gọi là đắc khí, lại như Phế khí thông lên mũi mới biết được mùi. Can khí thông lên mắt mới biết được sắc. Tâm khí thông lên lưỡi mới biết được vị. Tỳ khí thông lên miệng mới biết được đồ ăn ngon dở. Cơ năng của thất khiếu đều có tác dụng thông đạt khí của ngũ tạng. Do đó ta thấy sự vận động của vật chất trong thân thể, sự hoạt động của khí quan, tạng phủ và sự điều hòa của toàn thân đều nhờ vào sự tác dụng của khí mới thực hiện được.
Tố Vấn nói: Ở trời là khí, ở đất là hình, hình và khí cảm ứng nhau mà hóa sinh vạn vật. Vậy vật chất nhờ tác dụng của khí, vật chất nhờ vận động mà sinh ra. Sự chuyển biến vận động và chuyển hóa không ngừng ấy người xưa gọi là khí hóa. Có lẽ sinh hóa mới có vạn vật, có vạn vật mới có hiện tượng sinh trưởng thu tàng. Lẽ sinh hóa đó quy kết lại là sự tác dụng của khí. Nói cách khác là tác dụng của khí hóa. Kết hợp với thân thể người ta mà nói, thì con người mỗi ngày ăn uống để thức ăn biến thành chất tinh, huyết, tân dịch để nuôi dưỡng toàn thân thì tất nhiên phải chịu sự tác dụng của khí. Những chất đó có thể làm cho tạng phủ, hoặc khí quan có năng lực hoạt động, cũng cần có tác dụng sinh hóa của khí.
Ngoài ra sách Y kinh nói: kinh mạch là đường đi của khí hóa, có tác dụng khí hóa mới có thay cũ đổi mới của cơ thể. Như trường vị tiêu hóa thức ăn, thu hút chất tinh vi và sự hoạt động của tay chân, cơ thể đều biểu hiện cụ thể của khí hóa. Sự hoạt động của toàn thân là chủ cho hoạt động của sinh hóa.
Vệ khí là một bộ phận khí của toàn thân, công năng làm ấm thịt, mịn da, nuôi dưỡng lỗ chân lông, chủ việc mở đóng lỗ chân lông. Vì vậy người bình thường da dẻ ấm áp, mềm mại, cơ bắp thông lợi, lỗ chân lông kín. Nhờ da dẻ mạnh mẽ nên có thể chống được ngoại tà. Khi khí tà xâm nhập, vệ khí liền chống đỡ nên có hiện tượng sợ rét phát nóng. Nếu vệ khí thắng thì xuất mồ hôi. Trái lại tà khí thắng thì biểu chứng vẫn còn nên đường huyết bị trở ngại, da thịt mất dinh dưỡng thì sinh ra chứng tê dại, mất cảm giác. Nếu khí phong, hàn, thấp lưu lại thì hại đến huyết mạch hoặc lưu trữ ở các khớp thì sinh ra chứng tê.
Vậy công năng của vệ khí làm ấm áp, tươi nhuận và dinh dưỡng da mặt, lỗ chân lông ngăn ngừa ngoại tà và quan hệ mật thiết với công năng của da thịt và đóng mở lỗ chân lông.
Tác dụng của quan hệ Dinh- vệ- khí- huyết: dinh chủ về dinh dưỡng, vệ chủ việc bảo vệ bì phu. Nhưng vệ ở ngoài cùng là công năng dinh dưỡng nội tạng. Trái lại sự dinh dưỡng nội tạng được đầy đủ cũng làm cho cơ năng bảo vệ được kín đáo. Tố Vấn nói: âm ở trong để gìn giữ dương, dương ở ngoài để giúp đỡ cho âm. Huyết và khí cũng thế. Huyết tuy do khí sinh theo khí mà đi, nhưng khí lại phải dựa vào huyết mới phát huy tác dụng. Tố Vấn lại nói: khí huyết lẫn lộn nhau, âm dương chênh lệch nhau, khí loạn ở vệ, huyết nghịch ở kinh, khí không đúng chỗ, một bên thực, một bên hư.  Điều này cũng có nghĩa là khí huyết bị thiên thắng, thì âm dương mất điều hòa, liền làm cho đường vận hành của khí huyết bị rối loạn, thậm chí không nương tựa được nhau mà sai chỗ, gây ra thiên lệch. Bên này hư, bên kia thực, do đó mà sinh ra các bệnh tật cho nên nói: dinh, vệ, khí, huyết là một chỉnh thể hóa sinh lẫn nhau, điều hòa lẫn nhau, có quan hệ rất chặt chẽ với nhau.
2. Tinh:
Tinh có hai nghĩa như Linh Khu nói: tinh của ngũ tạng, lục phủ đều dồn về mắt mà thành tinh hoa. Chỗ khác lại nói: Vị thương tổn đến hình, khí thương tổn đến tinh. Đó chỉ vào tinh của ngũ tạng lục phủ. Tố Vấn nói: con trai 16 tuổi Thận khí thịnh, thiên quý đến tinh khí tràn đầy. Linh Khu nói: tinh thương thì xương mõi rã rời, tinh có lúc tự chảy ra. Đó là tinh của sinh dục. Tinh của sinh dục tuy thận làm chủ cũng từ tinh của lục phủ ngũ tạng thông qua tác dụng của Thận khí mà sinh ra. Tinh của tạng phủ là chất dinh dưỡng mà có và chứa ở Thận. Chính vì thế nên nếu có lục dâm, thất tình làm hại đến thân thể, thì cũng hại đến tinh khí. Nên Tố Vấn nói: thất tình và lại có câu giữ được tinh thần thì đến mùa xuân không bị bệnh ôn.
Nói về tinh sinh dục, Linh Khu nói:  người ta khi mới thành hình trước tiên thành tinh. Tinh thành rồi não tủy mới sinh, xương là trụ cột, mạch là dinh, gân là dây chằng, thịt là trường vách, da dẻ là tóc và lông. Thức ăn vào Vị, đường mạch được lưu thông, khí huyết được lưu hành.  
3. Thần:
Luận về thần và sự tương quan giữa thần và chức năng sinh hóa của tạng.
a) Sự sinh thành và tác dụng của thần:
 Thần thể hiện ở sự suy nghĩ, ý thức và hoạt động của sinh mệnh. Thần là một danh từ trừu tượng, nó bắt nguồn từ khi tinh huyết của cha mẹ kết hợp lại khi bào thai kết thành. Linh Khu nói:  nguồn gốc của sinh mạng là tinh, hai tinh kết hợp lại là thần. Sau khi được sinh ra, thần cũng được nuôi dưỡng của tinh hoa đồ ăn, nên Linh Khu nói: thần là tinh khí của đồ ăn uống. Tố Vấn cũng nói: ngũ Vị ăn vào chứa ở trường Vị, ngũ vị chứa lại để nuôi ngũ khí, khí hòa hợp với ngũ vị mà sinh ra tân dịch, thần cũng nhờ đó mà sinh.
Thần còn quan hệ với ngũ tạng rất mật thiết. Tố vấn: tâm chứa thần, phế chứa phách, can chứa hồn, Tỳ chứa ý, thận chứa chí. Tuy tên gọi khác nhau, nhưng trên thực tế vẫn thuộc lọai của thần. Vì tâm thống sóai các tạng phủ khác, nên thần của tạng tâm cũng đại biểu của phách: hồn, ý, chí của bốn tạng khác. Linh khu nói: hai tinh giao kết nhau gọi là thần, theo thần qua lại gọi là hồn, cùng với tinh ra vào gọi là phách. Cho nên cai quản mọi vật gọi là tâm, chổ ghi nhớ tâm gọi là ý, ý quyết định vững chắc gọi là chí. chừa lại để nuôi ngũ khí. Khí hòa hợp với ngũ vị mà sinh ra tân dịch. Thần cũng nhờ đó mà sinh
Thần còn quan hệ rất mật thiết với ngũ tạng. Tố Vấn nói:  Tâm chứa thần, Phế chứa phách, Can chứa hồn, Tỳ chứa ý, Thận chứa chí. Tuy tên gọi khác nhau nhưng trên thực tế vẫn thuộc loại của thần. Vì Tâm thống soái các tạng khác nên thần của tạng Tâm cũng là đại biểu của cả phách, hồn, ý, chí của bốn tạng khác. Linh Khu nói: hai tinh giao kết với nhau gọi là thần, theo thần qua lại gọi là hồn, cùng với tinh ra vào là phách. Cho nên cai quản mọi vật gọi là Tâm. Chỗ ghi nhớ trong Tâm gọi là ý. Ý quyết định vững chắc gọi là chí.
Tác dụng của thần có hai phương diện: thần và thân thể con người không thể tách rời nhau được, tức là sinh mệnh. Linh Khu nói: người ta đến trăm tuổi thì năm tạng đều hư. Thần khí đều mất, chỉ còn lại hình xác thì chết Điều này phản ảnh: hình và thần song song với nhau, là tượng trưng của sinh mệnh. Mắt sỡ dĩ trông thấy được, tai sỡ dĩ nghe được, miệng nói được, chân tay vận động được, tất cả hoạt động về ý thức và hình thể, không một hình thức nào mà không do tác dụng phát huy của thần.
Người khỏe mạnh thần khí đầy đủ nên linh hoạt. Lúc ốm đau thần khí bị xâm phạm nên mắt mờ, tinh thần mệt mỏi, thậm chí nói năng bất thường, mê man, thấy ma quỷ, phiền táo, không biết gì, hoặc tay lần áo, sờ giường… thì được tiên lượng xấu.
b) Quan hệ giữa thần với tinh khí:
Người xưa cho rằng: tinh- khí- thần là tam bửu, tức là ba món báu.
 - Tinh là tinh chất tinh vi của đồ ăn uống của khí hậu thiên hóa ra, là cơ sở vật chất cho cơ thể hoạt động.
 - Khí là tinh khí của đồ ăn uống và không khí hút vào hợp lại, là chất chủ yếu của công năng sinh lý con người.
 - Thần là khái quát mọi hoạt động sinh lý của con người.
Do đó sự quan hệ của tinh, khí, thần rất mật thiết. Khí sinh ra ở tinh, tinh hóa ra nhờ khí, tinh khí hợp lại là biểu hiện ra thần. Người tinh khí đầy đủ thì thần mới thịnh vượng. Thần tuy sinh ra từ tinh và khí nhưng nếu thần hoạt động quá độ cũng tổn hại đến tinh, khí và làm cho hình thể suy yếu. Linh Khu bảo: Tâm sợ hãi, nghĩ ngợi thì hại đến thần. Thần bị thương tổn thì sợ hãi mất vía, bắp thịt tiêu thoát. Trương thị loại kinh nói: tuy thần là do tinh khí sinh ra, nhưng thống soái được tinh khí và làm chủ vận dụng thì lại là thần, ở trong Tâm.
4. Tân dịch:
a) Sự sinh thành và công dụng của tân dịch:
Tân dịch là các chất nước bình thường trong cơ thể. Nguồn gốc chủ yếu là đồ ăn uống trải qua quá trình Vị, tiểu trường, Đại Trường, Bàng Quang, Tam Tiêu hóa sinh. Nội kinh bảo: đồ ăn vào, sau khi đã trải qua tiêu hóa, có đủ vật chất có tác dụng dinh dưỡng thì gọi là tinh hoặc tinh khí. Tinh khí chuyển đến Tỳ, rồi từ Tỳ chuyển đến Phế. Phế chủ việc khí hóa của toàn thân. Tinh khí trải qua tác dụng khí hóa của tiểu trường và Bàng Quang, phân biệt ra chất trong đục. Chất đục được theo Bàng Quang bài tiết ra ngoài. Chất trong chảy vào kinh mạch của ngũ tạng, đi khắp toàn thân. Tinh ở đây là tân dịch. Tân dịch rất cần thiết cho thân thể. Trong tình trạng bình thường nó luôn luôn ở mức độ nhất định, cần thiết để duy trì cân bằng âm dương theo quy luật khí hỏa của bốn mùa. Trời nóng thì ra mồ hôi nhiều, trời lạnh thì đi tiểu nhiều. Nếu nói rõ hơn thì Phế chủ về khí hóa, Thận chủ về nước, Bàng Quang chứa tân dịch. Tam tiêu chủ việc khí hóa và khơi thông đường dẫn nước đều có công năng quản lý chất nước của toàn thân để cơ thể có thể duy trì được sự sinh thành do sự phân bố, điều tiết, chuyển hóa của các chất nước. Nếu công năng trên mất thăng bằng sẽ sinh ra chứng thủy thủng, tiêu khát. Tân dịch tuy cùng là một chất giống nhau nhưng tùy tác dụng nên có chỗ phân biệt tân thuộc dương, theo vệ khí mà phân bố. Dịch thuộc âm chu lưu theo kinh mạch dinh huyết. Linh Khu nói: bài tiết ra lỗ chân lông, mồ hôi dâm dấp gọi là tân. Chất mềm nhờ thấm vào trong xương thuộc co duỗi và tiết ra chất nhờn để bổ ích não, tủy, làm mịn da dẻ gọi là dịch.
Tân dịch kết hợp lại với dinh khí thông qua trung tiêu có thể chuyển hóa thành huyết dịch. Tân dịch cũng có thể thông qua ngũ tạng chuyển hóa làm các chất dịch là: mồ hôi, nước mũi, nước mắt, nước bọt.
b) Quan hệ tân dịch với tinh, khí, huyết:
 Tân dịch cùng dinh, vệ, khí, huyết đều có nguồn gốc từ đồ ăn uống. Nội kinh nói: tinh, khí, tân dịch, huyết, mạch tuy có sáu tên gọi nhưng thực ra đều là một khí, bởi vì cùng là một nguồn gốc có tác dụng lẫn nhau, tự sinh lẫn nhau. Nếu tinh dịch có hao tổn thì khí huyết cũng bị suy kém. Nếu khí huyết suy kém thì tinh dịch cũng thiếu, ra mồ hôi nhiều, nôn ói, tiêu chảy. Khi ôn dịch làm hao tổn tinh dịch thì nhất định có kèm theo chứng khí huyết suy kém như đoản khí, khí kém, mạch vi tế, tim hồi hộp, tay chân quyết lãnh. Khi thất huyết nhiều thường có hiện tượng tân dịch không đủ nên miệng khô, khát nước, tiểu tiện ít, đại tiện khó.
Linh Khu nói: Người bị mất huyết thì không nên phát hãn và mất tân dịch cũng thế. 
Lương y Võ Phươc Hưng
Lương y Dương Phú Cường
Biên soạn




Không có nhận xét nào: