Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

THANH TỊNH TÂM - BẢN THỂ CON NGƯỜI

THANH TỊNH TÂM
Ly. Thường Nhân
CHƯƠNG II. BẢN THỂ CON NGƯỜI
Con người là một phạm trù phong phú, phức tạp và linh diệu. Có những điều có thể dùng ngũ quan để nhận biết, nhưng có rất nhiều điều ngũ quan trở nên mù mịt, “ở lâu mới biết LÒNG NGƯỜI” – hay “dò sông dò biển dể dò, có ai lấy thước mà đo lòng người”. Tôi và bạn cùng ở bên nhau, có thể từ rất lâu, nhưng để biết hết thì thật còn mù mờ. Những điều ẩn khuất thường là những điều quý giá và quan trọng, thường cần công sức và trí tuệ mới nhận biết từng phần. Nay xin trình bày một ít suy tư, cho đời mình chiêm nghiệm thêm, cùng bàn luận với nhiều người bạn, để chúng ta cùng nắm tay, đi vào thân phận con người, cho một trình thuật phù hợp với nhiều người, có thể là có ích, đem lại niềm vui và hạnh phúc. Trình thuật nầy ước mong như thế, cho bạn và cho chính tôi, ai cũng đang cùng học và cùng tiến bộ, vì mình với mọi người cũng chỉ là một mà ([1]) thôi.
Con người gồm: có Thân Tâm, có Thân Ý, có Thân Khí, có Thân Hình ([2]).
Mỗi loại thân đều có kết cấu chất liệu tạo nên hình thái bản thể của thực tại ấy. Thân hình được kết cấu bởi tế bào sinh học, chịu chi phối bởi các quy luật tác động lên nó, chịu sự giới hạn của không gian và thời gian, chịu tác động của quy luật Sinh Lão Bệnh Tử…Thân khí thì được kết cấu bởi chất liệu khí, nên quy luật tác động của nó cũng khác với thân hình…
Trình thuật nầy người viết dùng nhiều thuật ngữ nhà Phật, đạo Thiên Chúa giáo và các đạo giáo có trong Việt Nam, chung quy cũng là thuật ngữ Việt, văn từ của tổ tiên người Việt, giúp làm quen tâm tình của anh em trong nước. Vốn thuật ngữ được dùng qua nhiều thời đại, tập quán và tôn giáo riêng, nên đôi lúc hơi lạ với người nầy và quen với người khác, vì không biết phải dùng thuật ngữ nào khác cho tất cả và trọn vẹn ý, nên phải mượn dùng để chuyển ý.
Vốn Ý không phải Lời, dùng lời chẳng qua là cưởng mượn, nên đôi lúc nó chưa tròn ý, xin cũng vui lòng vậy. Vốn mọi người là anh em, là bạn hửu, là cùng con cháu Rồng Tiên, là Đồng Bào, nên chữ dùng của các tôn giáo khác cũng chính là của mình.
Nếu chúng ta cùng hiểu như vậy thì trình thuật nầy rất dể hiểu, xin quý Thiện Tri Thức, quý Người Tu, quý Bạn Đọc hoan hỷ để cùng khám phá một lời chứng, như chỉ là loài hoa dại, ghi vào đời cho gió cùng thổi bay đi. Trước khi đi vào phương pháp Thanh Tịnh Tâm chúng tôi xin được bàn về một số khái niệm, bản thể căn bản của con người, để dể hơn khi đi vào các thực tại quý giá ấy. Vì là thực tại đôi lúc không phải phạm trù ngôn ngữ có thể diễn đạt trọn vẹn tỏ tường, nên có những khoản rối và mờ, xin vui lòng dùng sự cảm nghiệm để thấu đạt hơn là diễn nghĩa, nhiều khi cũng phải “nghe Trời giải nghĩa yêu”, mà tiếng của Trời lại là tiếng Vô Thinh.
CHƯƠNG III. Thân Tâm, Thân Ý, Thân Khí, Thân Hình
1. Thân Hình:
Về Hình người thì chúng ta đều biết, gồm cơ thể và tạng phủ bên trong. Thân tướng là bảo vật, vô cùng quý giá. Gìn giữ thật tốt đúng theo Lẽ Tự Nhiên thường mới mong có cơ hội đi vào phương pháp Thanh tịnh tâm được ([3]).
Hình tướng có thể nhìn thấy rõ ràng bằng mắt thường, bằng các công cụ hiện đại, thường gọi là cận lâm sàng. Để đi vào kết cấu thân tướng, gần như tiến bộ khoa học ngày nay có thể thấy trọn vẹn chi tiết thân xác con người. Nhưng nguyên lý vận hành, khả năng hoạt động (sinh lý), tầm mức trí tuệ, bản thể chân tâm vô tướng, ý niệm hiện tiền…còn nhiều vùng tối vô cùng rộng lớn. Sắc đẹp, tướng pháp, bệnh tật, thương tật … nhiều trên hình tướng ấy thật vô kể. Riêng về hình sắc đã là nhiều vấn đề.
Thân tướng con người là báu vật linh diệu, ngày nay với nhiều dụng cụ tinh vi, có thể đi sâu vào cơ thể, con người biết về thân xác chính mình còn rất khiêm tốn, vì thế có nhiều bệnh ngày nay con người vẫn chịu bó tay, chưa hiểu hết nguyên nhân và chuyển biến, đôi lúc chữa trị chỉ là chống đở hơn là triệt tiêu.
Thân tướng luân chuyển mạnh mẻ trên DÒNG SINH TỬ ([4]). Thân xác ấy quý ([5]) vì không có nó thì cảm nhận về thế giới trở nên mù lòa: đau khổ, hạnh phúc, tranh đoạt, thù hận, yêu thương, xây dựng, hòa bình… phải nhờ nó để cảm nhận. Hơn nữa tội lỗi cũng từ nó, thánh thiện cũng từ nó cảm nhận, nếu không có nó thì con người chỉ là gỗ đá vô tri.
Vì thế NÓ trở thành phương tiện hữu hiệu để thăng tiến hoặc là chìm đắm mê muội. Để có thể dùng Nó đoạt lấy Thực Tại Vĩnh Hằng hoặc là chìm mãi trong khổ đau do mê lầm không dứt.
Thân tướng gồm rất nhiều tế bào tập hợp hình thành, có hàng tỷ tế bào được hình thành và phân lập theo từng nhiệm vụ cụ thể, chi tiết từng loại, trật tự và ổn định, được bảo vệ vững chắc, bền và khó hủy hoại, được chỉ huy bởi một chương trình hoàn hảo.
Mỗi tế bào là một thế giới thu nhỏ, một con người thu nhỏ. Ngày nay với phương pháp Nhân Bản Vô Tính, con người chỉ cần một tế bào có thể tạo thành một người in hệt người nó nhận tế bào để thực hiện.
Tế bào cũng có tánh tham sân si, có thất tình lục dục như một con người. Mọi ý niệm thiện hoặc ác đều ảnh hưởng sâu rộng trên con người, tất nhiên tác động mạnh mẻ trên từng tế bào cơ thể.
Các tế bào đều nhận được trọn vẹn thông tin từ ý niệm con người, vì thế mọi ý niệm đều tác động lên nó.
Nếu cho nó thỏa mãn ăn uống, thì nó sẽ đòi hỏi một ngày một nhiều. Tế bào có kết cấu thô trược, thích thỏa mãn cảnh giới dục giới, càng cho nhiều chúng càng thèm khát, khi thiếu thốn chúng sẽ bực bội, thèm khát làm con người phải tìm kiếm thỏa mãn cho chúng. Chúng gây đủ thứ chuyện, khi thì đau, khi thì run, khi thì mệt, khi thì rút, khi thì sốt, khi thì tê… nói chung chúng làm con người phải thỏa mãn sự thu nạp thức ăn cho chúng theo lòng tham quen thói, chứ không phải nhu cầu thực bảo vệ sự sống, nếu con người lầm cho đó là đòi hỏi chính đáng để thỏa mãn, chúng càng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn. Dạng nầy khó tu tập vô cùng, vì ban đầu cái ăn đã làm mình khó nhiều thứ.
Nếu cho nó đói khổ thiếu thốn trăm bề, thì nó sẽ mau tàn hoại và làm hư hại xác thân. Khi đói khổ nó cũng kêu rên dữ dội, sau một thời gian nó biết không được đáp ứng, lâu hồi nó sẽ ngừng kêu la, lúc nầy con người đã dùng ý lực để trị được thói phàm ăn của nó, như nếu bỏ đói hoặc làm nó thiếu thốn không phát triển được, thì làm hư hoại thân mạng, đường tu sẽ kết thúc sớm do phương tiện đã bị hư mất.
Nếu con người biết lắng nghe tế bào lên tiếng đáp ứng nhu cầu chân thật, bảo vệ sự sống tốt lành vừa phải, thì nó trở thành một phương tiện tuyệt diệu để con người tu tập. Vì thế phải có kỷ luật với xác thân, theo dỏi nghiêm mật, sẽ tạo được một tổ hợp tế bào sung mãn khỏe mạnh, được rèn luyện biết nghe lời, hình thành sức mạnh làm nền tảng phát huy công phu tu tập. Khi làm chủ được tế bào là làm chủ được thân tướng.
Cũng còn một dạng khác, do thân tướng là kết quả của đời trước mà có được, nên có những người mang một thân tướng không được hoàn hảo, hay bệnh hoạn ốm đau, dị tật bất thường, nạn tai trong đời… cũng khó mà thăng tiến đường tu tập. Dạng nầy kinh sách hay gọi là họ đang trả nghiệp? Dạng nầy nếu người ấy có ý chí dũng mãnh có thể vượt qua được, thì đường tiến tu vô cùng dũng mãnh. Ngược lại thì đời sống chỉ mang tính bồi đền.
Khi tập luyện, nhất là ngồi thiền, thường có nhiều chổ ban đầu đau đớn, tê dại, mệt mỏi, ngứa ngáy, cám dổ đứng lên, niềm tin vào thiền định bị lay động… sự đau đớn đôi lúc là cùng tột, sự hoang mang đôi lúc như người đi trong sương mờ tăm tối… Nhưng do chịu khó kiểm soát vượt qua được, lâu dần thân quen không còn kêu rên, nên tập dễ dàng vượt qua và không còn đau đớn nữa.
Nếu thế giới nầy nuôi dưỡng thân tướng bằng đòi hỏi vô cùng của các tế bào, thế giới sẽ không còn đủ phần ăn cho nhân loại, lâu dần dẫn đến chiến tranh, thế giới sẽ đầy khổ đau.
Nếu thế giới nuôi dưỡng thân tướng bằng nhu cầu vừa phải đòi hỏi của tế bào, thế giới sẽ dư thừa thức ăn, thế giới sẽ hạnh phúc.
Hạnh phúc và khổ đau nằm ở trên bàn ăn, ăn giành ăn giựt, kẻ ăn được cũng khổ, vì khi tế bào đầy ắp thức ăn thừa mứa sẽ sinh vô cùng nhiều bệnh tật, đừng tưởng tham được mà sướng. Kẻ bị mất phần tuy hơi thiếu chút ít nhưng lại được phần thanh sạch của thân tướng, nếu không có ác niệm oán thù, thì lại dễ đạt được cảnh giới an lành hạnh phúc. Để nuôi được thân mạng, thật ra con người cần rất ít thức ăn. Nhưng để thỏa mãn ăn ngon miệng thì đó là một nhu cầu quá sức chịu đựng, mà trái đất có thể sản sinh sản vật nuôi toàn thể nhân loại ngày nay. Càng lúc con người càng đói kém gia tăng, nạn khủng hoảng lương thực không còn là viễn cảnh xa vời.
Nếu mỗi người kiểm soát được cách ăn của mình phù hợp với tự nhiên, ngay chính họ, lập tức, đạt được niềm hạnh phúc vô biên, hơn bất cứ thức ăn nào mang lại. Đây là bước đường đầu tiên thăng tiến niềm AN LẠC tại trần thế, nền móng bước vào cảnh giới Thanh Tịnh Tâm.
Người ta có thể ví thân tướng như chiếc xe đi đường xa, người dùng phải biết nguyên lý vận hành, và xử dụng đúng cách thì sẽ mang người dùng đi đến đích, còn ngược lại do vô minh, xữ dụng bừa bãi thì nó sẽ hư hoặc không thể nào đi được. Lắm người chiều chuộng thân xác, cho ăn sung mặc sướng, thỏa mãn các nhu cầu nó đòi hỏi cả ngày đêm không dứt, khiến nó trở thành chủ nhân ông của chính người ấy, và đi mãi một kiếp người cho đến ngày tàn hoại, không mang lại kiến giải gì mới cho đời mình, biến cuộc hành trình của Dòng Sinh Tử không thăng tiến hoặc bị thui chột, một đời người trở nên uổng phí.
Lắm người lại hành hạ xác thân, cho nó là tội lỗi xấu xa cần phải trừng trị, giam hãm hoặc khắc khổ quá đáng đã dẫn đến sự hư hoại nhanh chóng, làm mất đi phương tiện kỳ diệu một kiếp người, mất đi cơ hội thời gian tu tập ([6]) để thấy biết cảnh giới rộng cho đời mình thăng tiến. Cả hai thái độ ấy đều tai hại cho một kiếp người.
Vì thế phải tỉnh thức để thấy những nhu cầu chân thật của thân xác, và nhu cầu của dục vọng thân xác để chuyển hóa, quan trọng là mục đích chạm gần Chân Đạo từng giây phút một hơn. Đó chính là điều quan trọng một kiếp người, hay cơ duyên được làm người không uổng phí.
2. Thân Khí
Đây là hiện thực vô hình, những người luyện khí biết rất rõ về thực tại nầy.
Thân Khí là Cơ Thể Khí luân chuyển bên trong cơ thể, Cơ Thể Khí vô hình dẫn huyết lưu lợi trong kinh mạch. Cổ nhân dạy: “Khí hành huyết mới hành”. Cơ Thể Khí là một thực tại vô hình, không mùi vị luân chuyển mạnh mẻ trong cơ thể. Nếu khí ngừng trệ sinh ra rất nhiều bệnh tật, nếu ngừng hẳn con người sẽ chết. Khí đây không phải là không khí mà là khí bên trong con người, gồm Khí Hậu Thiên và Khí Tiên Thiên. Khí Hậu Thiên gồm khí trời và lương thực nuôi dưỡng con người thì sinh ra khí hậu thiên, làm con người hoạt động lớn mạnh, làm việc suy nghĩ…ai không hít thở, không ăn uống thì khó duy trì làm việc tốt và liên tục như tiến độ thường làm.
Còn Khí Tiên Thiên là khí vô hình, là Chương Trình Định Sẳn để cơ thể hoạt động làm việc, trao đổi chất, phát triển cơ quan tạng phủ tế bào…được hình thành từ lúc trứng thụ tinh và tàn lụi lúc qua đời. Hai khí nầy tương hợp hình thành hoạt động con người tạo thành Mệnh, đời sống, tài năng, tính tình, …nhiều lúc có người thì to béo, có người ăn mấy cũng ròm, có người không trang điểm đã đẹp, có người trang điểm hoài cũng chẳng nên…. Đó không phải tại người mà do Trời khiến.
Biểu hiện khi Khí Tiên Thiên suy họai, thường mạch đập hổn loạn, hoặc mạch tuyệt, thần bại, khí sắc héo úa, da thịt khô teo…nói chung những biểu hiện bất thường lộ ra là biết chân khí đã đi vào phần bại tuyệt, thân thể không thể nuôi dưỡng được nguyên khí nữa, người nầy phải chết. Khí nầy quả thật rất quan trọng, người tu Thanh tịnh tâm một thời gian tự cảm nhận mỗi ngày mỗi rõ hơn chứ dùng lời cũng chẳng nói hết được. Ai cũng có khí ấy, mỗi người mỗi sự vi diệu tuôn chảy trong thân thể. Bên khoa học người ta hay gọi là năng lượng sinh học, sức đề kháng… ở pháp môn Thông Thiên Học người ta gọi là cơ thể năng lượng, cơ thể sống, cơ thể Etheric, hoặc một dạng năng lượng phi vật lý. Nói như thế để chúng ta nhìn thấy ở con người còn những điều kỳ diệu mà chưa khám phá hết. phương pháp Thanh tịnh tâm làm rộng hơn kho tàng ấy, thêm phần phong phú cuộc sống.
3. Thân Ý
Đây là thực tại vô hình, những người công phu Thiền định chứng đắc thường biết rất rõ về thực tại nầy.
Thân ý chính là Ý Niệm ([7]) là một thực tại khó diễn hết được, nay dùng ngôn ngữ đời thường tạm mượn diễn ý thế nào cũng không trọn vẹn, cũng xin quý vị thông cảm, dùng sự cảm nhận tự thân, để băng qua lời đạt ý mới hiểu rõ được.
Thân Ý là một thực tại khó hiểu và rất quan trọng, con người cần dùng rất nhiều thì giờ và công sức để nếm trải, chứng thực, sống cùng Nó. Thân Ý hoàn toàn vô hình, có một nguồn năng lượng tiếp dẫn nó, luôn luôn con người khi thức lúc nào ý cũng hiện diện. Ý kéo dài một khoản thời gian, gọi là ý niệm. Ý thường chuyển từ ý nầy qua ý nọ, chuyển một cách tự nhiên không kiểm soát, chính người khởi ý cũng không biết thời gian qua mình có những ý gì nên gọi là vọng, là hư huyễn, đó là bản tánh của ý, không phải là bệnh.
Như cánh quạt để trong trời đất nó tự quay theo chiều gió, quạt không quay là quạt hư. Ý không động thì con người phải chết, ý động không kiểm soát được gọi là mê, dùng công phu tu tập làm ý định một nơi mình muốn gọi là định. Gió như là Cảnh Trần đập vào Ngũ Quan nên ý tự xoay chuyển.
Khi ngũ quan đụng vào cảnh trần thì ý được sinh, ý có giữ lại dẫn đến hành động hay không là do tâm thức, hay gọi là tàng thức. Vì vậy thấy được ý thì thấy được tàng thức. Đây là chổ tu tập để thăng tiến, nhờ thấy thân ý luân chuyển, biết chổ đang dừng trụ mà nhận biết thật giả hay dở đúng sai … để chuyển hóa. Chuyển hóa theo gần Chân Tánh gọi là tu sửa, tu không sửa là tù.
Thân Ý rất linh động, hoạt chuyển nhanh lẹ, vượt không gian và thời gian, nhanh hơn tốc độ ánh sáng, nhờ thế Ý chính là linh vật của con người, là kho báu mà con người cần khai thác. Khi để Ý chạy theo vọng tưởng không kiểm soát, con người đã để mất nguồn năng lượng vô giá, thì giờ qua mau, gọi là sống như chết.
Nhờ Ý mà con người biết suy xét, biết chân tướng sự việc, biết đúng sai hay dở, biết lẽ phải trái, biết đạo pháp thế gian, biết được lẻ trời đất biến hóa, tạo nên nền học thuật phát triển, tạo nên nền khoa học càng lúc càng tiến bộ, tạo nên các công trình độ sộ, là nhờ vào Ý.
Như thế người tu luyện Thanh tịnh tâm nhất định phải tường tận về Ý, tự thân cảm nhận Ý thì mới tiến hành công phu luyện tập có thành quả.
Khi Thân Ý ở trong một trạng thái gọi là Định, trạng thái gọi là một niệm ý, sẽ ức chế được nhiều ý khác vọng động, làm con người được yên nghỉ, bồi dưỡng năng lượng gia tăng.
Ví như ở trạng thái vui, thì cơ thể sẽ cảm nhận một nguồn năng lượng. Khi Ý ở một trạng thái buồn phiền, thì cơ thể cũng cảm nhận một nguồn năng lượng xâm chiếm trong con người mình. Nếu trạng thái ấy được giữ lâu thì nguồn năng lượng tương ứng sẽ được giữ lâu. Từ đó nó sẽ tác động trên thân xác con người theo như cách mà trạng thái con người đang giữ lấy.
Vì thế khi tiến hành công phu chính là tạo lập trạng thái mà mình muốn, để dẫn đến thành quả mà mình muốn tu tập.
Ý thường mông lung vọng động, năng lượng của cơ thể cũng theo ý mà tổn hao, suốt ngày đêm bị cuốn hút vào ý loạn, nên cả một đời người không yên nghĩ và khổ đau không hề dứt.
Nếu thức tỉnh nhìn ngắm ý đang vọng động, lập tức Ý tự dừng, bạn yên nghĩ ngắm nhìn NÓ, bạn hay nhìn Nó biến chuyển, lần hồi bạn sẽ cảm nhận Nó mỗi ngày mỗi rõ hơn. Đây là TỈNH THỨC. Đây là bạn đã thấy được Ý, đó là THÂN Ý. Sau một thời gian bạn sẽ rõ hơn về Nó, NÓ chính là linh vật của đời bạn.
Gần như toàn bộ đời con người được dẫn dắt bởi thân ý, khổ đau cũng do nó, hạnh phúc cũng do nó, thanh sạch do nó, mà ô uế cũng do nó ([8]) … dưới tác động biến hiện của cảnh trần.
Gần như toàn bộ phương pháp Thanh Tịnh Tâm giúp người tập nhận biết THÂN Ý, kiểm soát được Ý, lập trạng thái của Ý.
Từ Trạng Thái ấy con người, sẽ hoặc là, ở trong hạnh phúc, hay ở trong khổ đau. Thiên đàng hay địa ngục do con người tự mình chọn chứ không phải do một Thực Tại khác, Quyền Năng ấy thực hiện ý định của con người, mà không khống chế con người. Đó là Tình Yêu và Tự Do mà con người được ban tặng nhưng không, đây chính là phẩm giá của họ.
4. Thân Tâm
Thực tại nầy vô hình, ai biết được Thân Ý, kiểm soát được Ý thì thấy được Thân Tâm.
Thân tâm là gì? Tâm thuộc thực tại ngoài ngũ quan cảm nhận, nên gọi là vô tướng, vô sắc, vô thinh, vô vị…trống rỗng mênh mông, nhưng lại điều khiển mọi sự.
Sở dĩ Ý chọn nơi để dừng là do Tâm điều khiển, Tâm tham muốn nơi đâu thì Ý dừng nơi ấy, tâm si mê nơi nào Ý theo nơi ấy. Tâm là gốc của Ý. Tâm không cầm được Ý, Ý thành vọng tưởng đảo điên. Ví dụ như một người say mê môn nông nghiệp trồng lúa, thì ý của người ấy luôn hướng về chuyện trồng lúa đêm ngày. Sự say mê xuất phát từ tâm, làm ý phải thường nghĩ, nghĩ là của ý.
Ví dụ khác, một người hay nghiên cứu kỹ thuật, thường hay tìm sách kỹ thuật để tham khảo. Sự nghiên cứu kỹ thuật là do ý, thường hay nghĩ đến kỹ thuật là do tâm.
Chân Tâm như tấm gương trong vắt nhưng chiếu dọi mọi sự, thấy biết mọi sự, ứng hiện mọi sự. Nếu Tâm Thường Chính thì sự thấy thường trung thực, nếu Tâm bị mờ thì vật thấy không rõ, thì ý sinh thường không chuẩn xác. Nên Cái Thấy không đồng là do nơi Tâm bị vướng kẹt mắc cảnh trần, rồi trụ chấp dẫn đến thiên kiến, Ý bị lầm lẫn Nhà Phật thường gọi là mê, “Có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe” ([9]).
Chân Tâm là tấm Gương Trong – Vọng Tâm cũng là tấm gương ấy mà bị bám nhiều thứ nên tâm không còn thấy rõ được, goi là Gương Mờ. Ai cũng có chân tâm, nhưng mỗi người thấy mỗi khác do gương bị mờ. Mờ đó là gì: là tham nhiều thứ giả tạm, sân hận thù oán, si mê, là gian, dối, lừa đảo, kiêu mạn, ngã mạn … đời tu chẳng qua là thấy bụi của mình ở đâu, là loại gì… kiếm cách để lau chùi sạch sẻ. Sự sám hối là trọng yếu, “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.
Cái Thấy của Tâm là gì? Giả như kiến thức của nhân loại rất nhiều môn: Thiên Văn, Nông Nghiệp, Cộng Nghiệp, Kinh Tế, Y Tế… các chính thể: Nô Lệ, Cộng Hòa, Cộng Sản, Phong Kiến…các kiến thức nầy ở trong sách vở, khi con người học, nghiên cứu và dẫn đến xây dựng mô hình hành động, thì người đó gọi là nhà khoa học hay người Trí Thức (Trí Biết). Còn cái thấy của Tâm thì như tâm gương trong, khi cảnh vật chiếu vào thì biết cảnh vật ấy. Hoặc như người đi tắm biển thì biết biển, không phải học sách nói về biển thì biết biển. Cái Thấy của Tâm là cái thấy thường gặp không băng qua kiến thức và kinh nghiệm, vì thế đôi lúc học nhiều mà không buông lại ít thấy hơn người không học. Nói như vậy không phải là không cần học, mà coi chừng học không đúng. Và cũng đừng khinh người Tu ít học.
Người tu luyện Thanh tịnh tâm là dùng phương pháp nầy nhận biết được Tâm bị vướng từ đâu để làm sạch, trả lại cái chân tâm tinh tuyền vốn nguyên bản của chính nó, chứ không phải làm cho tâm trong, chỉ trả lại chân tâm mà thôi. Trẻ thơ tâm chưa bị kinh nghiệm cảnh trần kẹt lôi, nên tâm hồn nó biến hiện như thật của Chân Tâm, vì thế Đức Giêsu nói Nước Trời thuộc về chúng và ai trở nên như trẻ thơ mới vào được chính là chổ ấy ([10]). Vào được Nước Trời chính là trạng thái thực của Chân Tâm, nhưng trẻ thơ không biết mình đang ở trong Nước trời, vì trẻ thơ chưa có Trí Huệ, Đức Giêsu biết trẻ thơ ở trong cảnh của chân tâm, vì Ngài đã ở nơi ấy và chứng được điều nầy.

[1] “Xin Cha cho tất cả nên một, lạy Cha như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, xin cho họ cũng ở trong chúng ta…” Ga 17, 21-23.
[2] “Ai ăn thịt và uống máu Con Người, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy……Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là Thần khí và Sự sống…một số môn đệ rút lui”. (Ga 6, 52-66) . Đoạn Kinh thánh nói về thân thể Đức Giêsu muốn nói gồm cả xác thịt và thần khí, sự sống. Khi ngài nói ăn thịt và uống máu ta không phải chỉ nói về hình tướng, mà nói về một thực tại linh diệu có thật nơi con người. Lời nầy minh chứng con người quả thật tồn tại nhiều tầng lớp thân trên một thân xác hiện hữu mà con người đang dùng mắt trần để nhìn thấy.
[3] Nhiều kinh sách cho thân con người là vật ô uế tội lỗi, thật ra thân không hề tội lỗi hay thánh thiện, tự bản thể con người thân ấy vô cùng thâm diệu, không có cơ quan nào là xấu hay tốt, mọi cơ quan đều bình đẳng và thánh thiện. “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”. Vì thế phải săn sóc thân đúng phép để bảo tồn mà không gia tăng dục vọng quá mức. Phải tỉnh thức nhìn thấy những đòi hỏi của nó, nếu không chính đáng thì không làm theo. Lâu dần nó sẽ quen và không khó chịu, còn nếu hơi tí đòi hỏi thỏa mãn, rồi làm theo thì tu muôn kiếp chỉ làm nô lệ cho xác thân mà thôi. Khi nô lệ thì thân chính là trở ngại đường tu. Nếu làm chủ được nó thì thân chính là phương tiện tuyệt diệu để tu tập, không có thân thì không có phương pháp Thanh Tịnh Tâm.
[4] Dòng sinh tử là con người được sinh ra là khởi đầu, và đi lần vào sự chết. Như dòng sông khởi đầu từ nguồn, và kết thúc ở cửa biển khi đi vào biển cả bao la.
[5] Kết cấu thân xác con người được hình thành có khả năng chứa đựng được Thân Ý, với Thân Ý ấy con người mới có thể thăng tiến đường chứng ngộ Đấng Vô Cùng. Kết cấu thân mạng trở nên cực kỳ quý giá vì phải trải qua nhiều muôn kiếp tiến hóa mới đạt được, vì thế không được giết người và làm hại con người cho những mục đích trần thế, tham dục, danh lợi … vì đó là hủy hoại một công trình vĩ đại của Trời Đất. Ai làm hại con người sẽ nhận lại nghiệp lực vô cùng nặng, như Đức Giêsu từng nói: “thà nó đừng sinh ra thì hơn”. Ai yêu thương và hy sinh vì con người sẽ nhận được nghiệp lành vô cùng lớn cho đường tiến hóa, điều nầy tự cung đốn chứ không phải cầu xin. Lẽ thường các bậc thánh nhân và người cứu độ trong đời, đều giống nhau ở một điểm: luôn luôn mang lại lòng từ bi đối với con người nói chung. Vì từ bi là dấu hiệu, mục đích, và năng lượng của đời tu, ai không có gần như chắc chắn là tu lầm đường đi lạc lối.
[6] Nhiều người cho đi tu là vào một dòng, tu viện, Chùa…có thể nên hiểu những chổ ấy là Chổ Tu, có thể gọi là nơi tập hợp Người Tu Tập. Người tập tu là người phát nguyện tìm kiếm sự thăng tiến trong đời mình, mỗi ngày chạm gần Thực Tại Tối Hậu, thấy được Bản Thể Chân Thật của con người. Người Tập Tu khác xa Người Tu Thành, người tu thành trải trong vạn cảnh thương lòng, nhập trong biến ảo, đảo điên trong diễn hóa của tâm người, tâm bình mới gọi là tu thành. Coi chừng Tu Tướng mà không Tu Tâm, phí một đời người xài phải hàng giả. Tu không lừa được Trời, cao lắm làm cho người lầm mà thôi. Vì người chân tu phát ra một trường năng lượng, một dạng sóng khác xa người không chân tu. Chỉ có chân tâm tự ứng hiện và tự biết, tự chuyển đổi nên không thể có sự lầm lẫn. Đây cũng chính là quy luật nghiệp quả rất chính xác.
[7] Ý niệm: Ý là điều vừa xuất hiện bên trong tâm, niệm là ý đó được kéo dài một thời gian. Khi một ý được nuôi dưỡng một thời gian gọi là ý niệm.
[8] Mt 15, 15-20
[9] Mt 13, 14
[10] Mt 18, 3

Không có nhận xét nào: