Điều trị BỆNH ĐAU ĐẦU
Lương y Nguyễn Tấn Xuân
BBT: Hôm nay Ly. Nguyễn Tấn Xuân gởi về BBT quận Hội một bài kinh nghiệm điều trị. Chúng tôi mong được đón nhận nhiều bài viết của quý vị Bạn đọc, Hội viên Hội Đông Y, Quý Thầy thuốc Đông Tây. Công việc nầy làm thăng tiến tâm thức cho nhiều người, giúp góp phần đẩy lùi bệnh tật cho xã hội, cho đồng bào yêu thương. Việc lành xuất phát từ tâm tư lành, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được vô số sự lành. Ước mong đời của quý vị thêm phần hanh thông và tươi đẹp trong cuộc sống. Mọi bài vở xin quý vị gởi về : thienthaoduong@yahoo.ca
BBT Hội Đông y Gò Vấp
Đau đầu là một chứng bệnh rất thường gặp bởi có rất nhiều nguyên nhân gây ra đau đầu, như khí huyết hư suy gây đau đầu, huyết áp cao, huyết áp thấp gây đau đầu, buồn phiền, lo âu, bực tức … gây đau đầu. Mặc dù vậy, với kinh nghiệm bản thân đã chữa bệnh đau đầu rất hiệu quả chỉ với một “bài thuốc gia truyền” nên tôi giới thiệu đến bạn đọc “Hội Đông y Gò Vấp” bài thuốc này cùng phương huyệt chữa bệnh đau đầu.
Để dễ nhớ bài thuốc tôi đã làm thành bài thơ lục bát như sau:
Đau đầu Bạch chỉ, Xuyên khung
Tế tân, Khương hoạt hợp cùng Phòng phong
Sài hồ, Cam thảo, Hoàng cầm
Hoàng liên phối hợp uyên thâm diệu kỳ.
Công thức:
Bạch chỉ 20g Xuyên khung 20g
Tế tân 08g Khương hoạt 20g
Phòng phong 16g Sài hồ 20g
Cam thảo 12g Hoàng cầm 20g
Hoàng liên 20g.
Cách sắc thuốc:
Lần I : đổ 3 chén nước sắc còn 7 phân
Lần II : đổ 2,5 chén nước sắc còn 5 phân
Lần III : đổ 2 chén nước sắc còn 5 phân
Sắc nước nào, uống nước đó. Uống thuốc còn nóng trước bữa ăn 1 giờ.
Kiêng: Đậu đen, đậu xanh, rau muống.
TÌM HIỂU 9 VỊ THUỐC:
Bạch chỉ: Là rễ phơi hay sấy khô của cây Bạch chỉ. Vị cay, tính ôn, vào 3 kinh Phế, Vị và Đại trường. Có tác dụng phát biểu khử phong, thẩm thấp, hoạt huyết bài nùng sinh cơ, giảm đau, dùng để làm thần kinh hưng phấn làm cho huyết trong toàn thân vận chuyển mau chóng, làm thuốc thư gân, ra mồ hôi chữa nhức đầu, răng đau, các bệnh về đầu, mặt, xích bạch đới, thông kinh nguyệt. Dùng ngoài, Bạch chỉ có thể dùng chữa sưng vú, tràng nhạc, ghẻ lở, đỡ đau, hút mủ. Thường Bạch chỉ được dùng làm thuốc giảm đau, chữa nhức đầu, cảm mạo, hoa mắt, đau răng, còn dùng làm thuốc cầm máu, đại tiện ra máu, chảy máu cam.
Xuyên khung: Là thân rễ phơi hay sấy khô của cây Xuyên khung, vị cay, tính âm, vào 3 kinh Can, Đởm và Tâm bào. Có tác dụng đuổi phong, giảm đau, lý khí hoạt huyết dùng chữa kinh nguyệt không đều, đầu nhức mắt hoa, ngực bụng đầy trướng, bán thân bất toại, chân tay co quắp, ung thư.
*Lưu ý: Những người âm hư hoả vượng không dùng được.
Tế tân: Là toàn cây phơi hay sấy khô của cây Tế tân. Vị cay, tính ôn, không độc, vào 4 kinh Tâm, Phế, Can và Thận. Có tác dụng tán phong hàn, hành thuỷ khí, thông khiếu. Dùng trong những trường hợp phong hàn, phong thấp, đầu nhức, ho khí đưa ngược lên, đau răng, ngạt mũi, bí mồ hôi, ứ huyết.
*Lưu ý: Người khí hư mà không ra mồ hôi, huyết hư sinh nhức đầu, âm hư mà ho thì không dùng được.
Khương hoạt: Là rễ phơi hay sấy khô của cây Khương hoạt. Vị ngọt, đắng, tính bình, không độc. Khương hoạt mạnh hơn đi thẳng lên đỉnh đầu, chạy ngang cánh tay trừ phong, chữa tê, còn Độc hoạt chỉ đi vào bụng, ngực, lưng và gối thôi. Khương hoạt chữa chứng thuỷ thấp phong, còn Độc hoạt chữa chứng thuỷ thấp phục phong. Khương hoạt có công phát biểu đi lên thượng tiêu chữa các chứng du phong nhức đầu, đau nhức các khớp xương, còn Độc hoạt có sức trợ biểu đi xuống hạ tiêu, chữa các chứng phong ẩn náu làm cho nhức đầu, hai chân tê thấp. Hiện nay thường dùng chữa nhức đầu, thân lạnh, cảm mạo phong hàn, sốt không ra mồ hôi, gân xương đau nhức.
Phòng phong: Là rễ của cây Phòng phong, là một vị thuốc rất hay đựơc dùng để chữa các chứng bệnh do gió gây ra (phong là gió, phòng là phòng bị), vị cay, ngọt, tính ôn, không độc, vào 5 kinh Bàng quang, Can, Phế, Tỳ và Vị. Có tác dụng phát biểu, tán phong, trừ thấp, là thuốc chữa cảm mạo biểu chứng ra mồ hôi, dùng chữa nhức đầu choáng váng, mắt mờ, trừ phong, đau các khớp xương.
Sài hồ: Là rễ phơi hay sấy khô của cây Sài hồ, vị đắng, tính hơi hàn, vào 4 kinh Can, Đởm, Tâm bào và Tam tiêu. Có tác dụng phát biểu, hoà lý, thoái nhiệt, thăng dương, giải uất, điều kinh. Dùng chữa bệnh thiếu dương, hàn nhiệt vãng lai (khi nóng, khi lạnh), miệng đắng, tai ù, hoa mắt, đầu váng, nôn mửa, sốt rét, kinh nguyệt không đều.
Cam thảo: Còn có tên là Bắc cam thảo, là rễ và thân rễ phơi hay sấy khô của cây Cam thảo. Vị ngọt, tính bình (sau khi nướng thì tinh hơi ôn), vào 12 đường kinh. Có tác dụng bổ Tỳ, Vị, nhuận Phế, thanh nhiệt giải độc, điều hoà các vị thuốc. Muốn thanh hoả thì dùng sống, muốn ôn trung thì nướng. Nướng lên chữa Tỳ hư mà ỉa lỏng, Vị hư mà khát nước, Phế hư mà ho. Dùng sống chữa đau họng, ung thư.
Hoàng cầm: Là rễ phơi hay sấy khô của cây Hoàng cầm, vị đắng, tính hàn, vào 5 kinh Tâm, Phế, Can, Đởm và Đại tràng. Có tác dụng tả Phế hoả, thanh thấp nhiệt. Dùng chữa hàn nhiệt vãng lai, phế nhiệt sinh ho, tả lỵ đau bụng, thấp nhiệt vàng da, nhức đầu, tả lỵ đau bụng, mắt đỏ, đau, động thai, Gần đây, Hoàng cầm được dùng làm thuốc chữa các triệu chứng nhức đầu, mất ngủ của bệnh cao huyết áp do thần kinh thực vật và do mạch máu bị cứng, đồng thời được dùng điều trị cao huyết áp. Dùng dưới hình thức rượu Hoàng cầm (bột Hoàng cầm 20g, cồn 70o vừa đủ 100ml). Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 20-30 giọt.
Hoàng liên: Là thân rễ phơi khô của nhiều loài Hoàng liên chân gà, vị đắng, tính hàn vào 5 kinh Tâm, Can, Đởm, Vị và Đại trường. Tác dụng tả hoả , táo thấp, giải độc, chữa sốt, tả lỵ, tâm phiền, nôn ra máu, tiêu khát, đau mắt đỏ, loét miệng, ngộ độc do Ba đậu, Khinh phấn.
*Lưu ý: Bệnh nhân huyết ít, khí hư, tỳ vị hư nhược, trẻ con lên đậu, đi tả cấm dùng.
Phương huyệt:
Đau đầu nhớ huyệt Ấn đường
Thái dương, Bách hội vẫn thường đi chung
Tứ quan(*)– huyệt hay vô cùng
Hư bổ, thực tả luận dùng giản đơn.
VỊ TRÍ HUYỆT:
Ấn đường: Ở điểm giữa hai đầu trong lông mày.
Thái dương: Chỗ lõm sau điểm giữa đường nối đuôi mày và đuôi mắt 1 thốn.
Bách hội: Ở vùng đầu, đúng giữa đường chân tóc trán thẳng lên 5 thốn, hoặc chỗ điểm giao hội của đường dọc chính giữa đầu với đường ngang nối hai mỏm vành tai.
Hợp cốc: Ở mu bàn tay, giữa hai xương bàn tay thứ 1 và thứ 2, chỗ ngang điểm giữa của xương bàn tay thứ 2.
Thái xung: Ở mu bàn chân, chỗ lõm trước chỗ hợp hai xương bàn chân thứ 1 và thứ 2.
(*) 2 Hợp cốc + 2 Thái xung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét