THIỀN THƯƠNG
(Kiến thức căn bản Tu tập thiền định)
Lương y DƯƠNG PHÚ CƯỜNG
Kính mời Học viên chuẩn bị học khóa Thiền Thương 17 (ngày thứ hai 10.11.2014), xin vui lòng đọc trước tư liệu nầy, giúp tiếp thu nhanh phương pháp thiền định sẽ được hướng dẫn.
"Thiền Thương là một phương pháp dừng lại, để thấy cái toàn thể đang hiện"
Đặt vào nền tảng Thiền Thương,
Bao Dung, tha Thứ, Nhẫn thường, Lợi, An. (Hòa).
Chuyển tâm ứng hiện vững vàng,
Công phu tiến triển muôn đàng đẹp vui.
I. PHẦN MỘT: NGUỒN GỐC THIỀN THƯƠNG:
1. Nền tảng chân thật con người là chi? :
Con người sinh ra để được hạnh phúc, để được sống và mưu cầu hạnh phúc, để được hiện thực hóa cái nó vốn là.
Con người là Phật, “chúng sanh giai hữu Phật tánh” ([1]). Con người là Phật, vì vậy hãy để Nó trở lại như Nó là.
Con người là bạn hữu của Trời, là con của Thượng đế. “Anh em là bạn hữu của Thầy” – “Anh em có cùng một Cha trên trời” – “Xin cho chúng nên Một trong chúng ta” ([2]).
Vậy tại sao con người chìm trong đau khổ dai dẳng và khủng khiếp như hiện nay? “Đời là bể khổ” ([3]).
Hiện nay con người như chìm dần vào khổ đau, mặc cho các chính thể, cho các chương trình khoa học tiến bộ, mặc cho nền y tế phát triển vượt bậc. Con người vẫn khổ đau không dứt.
Khổ vì trời làm cho khổ, con người với con người làm khổ cho nhau, khổ vì chủ xướng không tương thích, khổ vì chính thể, khổ vì tư tưởng cố chấp, khổ vì phe nhóm tranh giành, khổ vì lòng tham không đáy tranh danh lợi tình tiền, khổ vì đòi hỏi thỏa mãn nhu cầu vật chất không có chỗ dừng.
Mặc cho nguyên nhân nào, mặc cho thời đại gì, mặc cho các chủ thuyết dương lên hạ xuống, mặc cho người đời tranh hơn đoạt thua, mặc cho chân lý luôn miệng rao truyền… Hãy yên lặng ngắm nhìn, yên lặng và yên… lặng… ngắm… nhìn. Dần dần bạn sẽ hiểu khổ từ đâu? Dần dần bạn sẽ hiểu thực tại luôn luôn hiện hữu là gì? Các quy luật hằng định như thế nào? … Bạn hãy tựa đời mình vào nơi ấy, đó gọi là Biết, là Ngộ, là Thấy, là Tương nhập, là Đồng Một…
Bằng cách nào làm vơi bớt khổ…
Vì quá nôn nóng chạy theo những điều mình nghĩ tưởng, con người lầm chấp những điều ấy là chân thực, nhưng nhiều điều không bền vững, và vì thế khổ đau không dứt.
Chúng ta sẽ nhận ra một con đường, chỉ chính mình mới nhận ra con đường ấy, người khác chỉ là trợ giúp, sự chọn lựa là do mình. Chính mình chọn lựa có bước đi hay không? Nếu con đường được thấy là chân thật, chúng ta sẽ hạnh phúc.
Hiện nay thiền định tạo lập sự tĩnh lặng, nơi ấy làm yên lặng ngắm nhìn thực tại đang hiện để nương theo, để tạo lập các nhân duyên chuyển hóa, để thành một hiện thực như Nó là. Con người là ai, Nó sẽ hiện thực như vậy.
Người ta kể một câu chuyện : Một vị hoàng tử lạc trong rừng, được một người tiều phu nuôi dưỡng, hoàng tử sống trong rừng không biết mình là hoàng tử. Dù vậy, đến một ngày hoàng cung tìm ra được và đem về nuôi dưỡng thì sẽ thành là vị vua ([4]).
Hãy bình tâm và suy nghĩ đúng. Nền tảng Chân Thật con người là chi?
Con người lầm chấp cho mình là súc sinh, là thống khổ, là tội lỗi, là hèn mọn… nên Nó biến thành THẬT. Vì tưởng như thế, các giáo điều đua nhau truyền dạy tiêu cực về con người, coi con người là hư nát, hư vô, giả tạm, xấu xa… nên Con Người sống đời mình như đã được học. Những điều lầm lẫn làm nên sự khốn khổ, ràng buộc đe dọa, nhiều kẻ lầm chấp dẫn đường lạc lối thêm. Chính nghĩa tà, thông tin lạc, thần thông ma quái… dẫn đưa con người mỗi ngày mỗi xa hơn chính thật thân phận con người như Nó chính là.
Thiền Thương giúp giải mở sự chân thật ấy. Con người chính là một thực tại siêu việt, một thực tại tự do viên mãn, không cần phải thêm bất cứ điều gì? Con Người nên học sự IM LẶNG VĨNH HẰNG, sự im lặng của vũ trụ, Con Người sẽ nhận biết mình là ai? Nếu biết mình là “Tiểu Vũ Trụ”, thì đã hoàn toàn khác rồi.
2. Thiền thương là gì?
Thương là: Dung, Thứ, Hòa, Nhẫn, Ích.
Đặt tính nền tảng Thiền Thương,
Bao Dung, tha Thứ, Nhẫn thường, Lợi, An (Hòa).
Chuyển tâm ứng hiện vững vàng,
Công phu tiến triển muôn đàng đẹp vui.
Thường tựa vào những đặt tính nầy, khi đối ứng với cảnh trần, thường Tâm luôn được an. Tâm an thì thần minh được an, tạng phủ được yên. Vì “Tâm chủ thần minh chủ lục phủ ngũ tạng”, nên khi thiền định với phương pháp thiền thương, tự nhiên tâm được an thì mọi bệnh cả thân lẫn tâm đều được an lành. Vì thế nếu thiền mà không thương, thì không đạt cảnh giới an của tâm thì không thể chữa bệnh tật được. Đây không phải điều tự nhiên có, mà phải quay vào bên trong, thường biết thường tập, lâu ngày thành tựu nên gọi là công phu.
Hiện nay chúng ta có rất nhiều phương pháp thiền định. Các phương pháp thường có xuất xứ từ các tôn giáo, nhất là trong các hệ phái Phật giáo, Yoga, Hòa Hảo, Cao Đài, Zen, Mật tông Tây Tạng, Tịnh Độ tông… nó mang tính cách các tôn giáo phần lớn, có lúc thần bí và giới hạn sự truyền pháp, thường không xuất hiện ở ngoài xã hội thường dân.
Nay một trường phái mang màu sắc dân dã, được mang ra ngoài xã hội, và ai cũng có thể tập được. Không mang tính thần bí hay tôn giáo giáo điều. Như vậy có thiết thực và mang lại ích lợi không, hay chỉ phù phiếm uổng công tu tập. Phương cách ấy được gọi là Thiền Thương.
Thiền thương tạo lập hiền nhân ([5]), phương pháp thiền nầy đưa con người trở lại bản chất chân thật của con người, nên gọi là Người Hiền, và Người Hiền là nhân tố chính tạo ra phương pháp Thiền Thương. Thiền Thương tạo Người Hiền và người Hiền tạo Thiền Thương. Những người Học và tập gọi là người hiền.
Con người vốn bình đẳng, là cùng Một Mẹ ([6]). Thiền định trải qua rất nhiều ngàn năm, là kết thành tinh hoa của đời sống nhân loại, theo tiến trình tiến hóa của con người. Con người như từng giọt nước biến thành một dòng sông, Thiền định cũng được hình thành qua bao thế hệ, biến thành một dòng thác. Vì thế, Thiền Thương là của nhân loại, của những người hiền tạo nên. Chính những người tập, kết thành trường phái Thiền Thương đó.
Nên không có thầy dạy, chỉ có người hướng dẫn, đưa trở lại. Không có giáo điều, chỉ trình bày Cái Thực Đang Có. Không có cao thấp nên không cần bái lạy, chỉ người trước hướng dẫn người sau. Không cầu lợi, nên không có học phí, thường nương tựa nâng đở tu tập.
Thiền Thương không mang màu sắc tôn giáo giáo điều, không có y áo khác thường, không danh tước chức phận, không dâng cúng cho giáo chức, không thầy dạy, không trình bày thần thánh mơ hồ, không có thần bí, không giáo trình kết chặt, chỉ là vạn pháp tùy duyên tương tác. Không thần thánh cá nhân, chỉ là Bạn Hữu hướng dẫn nâng đỡ cùng tu tập… chỉ là một phương thức của nhân loại, đem đến giải pháp giải bớt khổ đau. Vì thế rất dễ tập và rất dể mang lại thành quả, không có trụ sở đài cao công trình.
Ai học cũng được, ở đâu cũng học được, và lúc nào cũng học được. Chỉ là một phương pháp trải qua nhiều thời đại, do nhiều vị Hiền Nhân hun đúc, đem lại minh chứng là một phương pháp tu tập thành quả, được đặt tên là Thiền Thương.
Đơn giản Thương là nguồn năng lượng để tiến bộ, là cảm nhận kiểm soát tâm tánh, là mục đích chạm gần thực tại vi diệu, là hành động chính thức được đòi buộc liên tục trong quá trình tu học thiền định, là nguồn của Hạnh phúc và an bình.
3. Mục đích Thiền Thương là gì?
Đem lại an bình nội tâm, đem lại sự an bình của nghĩ suy, đem lại an bình tại trong cuộc sống đầy biến động đau thương không cách giải thoát.
Đem lại sự nghỉ ngơi tuyệt vời trong tỉnh thức. Nghỉ ngơi là một tình trạng sung sướng. Khi bạn đã kinh nghiệm tập Thiền Thương, bạn dễ dàng có được trạng thái nghỉ ngơi. Ngay lập tức bạn sẽ được hạnh phúc mà không cần bất kỳ điều kiện gì. Bạn luôn luôn là người Hạnh Phúc, tạo được Nội lạc không phải chỉ là Ngoại lạc.
Khi tâm an bình thì tạng phủ được yên, tạng phủ yên thì bệnh được hóa giải. Vì thế thiền đem lại công hiệu chữa một số bệnh, nhất là các bệnh mạn tính, các bệnh vô phương cứu chữa cũng được an ủi phần nào khi đi gần đến sự kết thúc. Cũng có lúc chữa trị thành công, mà bao phen các cơ sở hàng đầu phải bó tay.
Khi tập luyện đã có độ chín muồi, việc chuyển hóa bệnh tật trên thân mạng chỉ là cái bên ngoài, đôi lúc chỉ là tạm mượn. Con người thật sự bước lên một tầng cao mới, nối thông với các thực tại, vượt ra ngoài cái thông thường được nhìn thấy bao đời nay. Cái ấy gọi là Liên Thông Tầng Mới. Có một ngày bạn sẽ cảm được điều nầy, mỗi người do nhân duyên của chính mình, tầng giới nầy sẽ hiển lộ theo nhiều phương cách khác. Cái mà chúng ta thường gọi là ngộ, là viên mãn, là đầy tràn, là tròn bích, là chân tánh thường hằng.
4. Giới luật căn bản:
Giới là những Bảng Chỉ Đường đừng vượt qua, thánh nhân đời trước khi tu tập, họ nhận ra những bảng chỉ đường ấy giúp người tu tập không đi lạc, mất công lui tới mệt lòng, nên đặt ra cho người hậu thế nghiên cứu đi theo, không phải là bó buộc nô lệ người tu tập, mà là trợ duyên giúp sức.
Giới phải tự nguyện thực hành, giới là ân phúc của người tu tập, không có giới bạn không hy vọng đến đích. Giới không phải là thành tựu, nên người giữ nhiều giới không phải là thành tựu cao hơn người giữ ít giới.
Giới chỉ là phương tiện ai cần thì dùng, nên có người ăn chay thì công phu tiến bộ, có người ăn chay lại bệnh hoạn triền miên, chay mặn không quan trọng, quan trọng nơi tiến bộ tâm thức tu tập thuần thành.
Giới Thực: Mỗi người phải nghiên cứu tự chọn giới cho mình và tuân giữ nghiêm mật, không ai thay mình được, người khác chỉ giúp gợi ý mà thôi, dù Thánh Tiên Trời Phật định giới để mình chọn, chứ không thể áp đặt cho mình để dẫn đến thành tựu được. Giới thực là giới mình đang thực gìn giữ, giúp sửa đổi lỗi lầm tánh hư tật xấu. Giả như mình thấy có tánh tham ăn lúc ngồi thiền, thì giới cần giữ là ăn vừa đủ no. Như mình ngồi thiền thấy có tánh hay đơm đặt chuyện không có thật, thì giới cần giữ là giới nói thật. Trong lúc ngồi thiền, tâm lắng sâu nhìn thấy những tính hư tật xấu thì thay đổi, dùng giới thay đổi, tất nhiên công phu thiền định càng ngày càng thăng tiến. Giới dùng để sửa tánh tật xấu, nếu không có tật xấu này, thì giới sửa tật không cần phải nhớ cho mệt. Thường người ta hay nói tu là sửa, giữ giới chính là đang tu, tu đồng với giới, giới đồng với tu. Giới như vậy gọi là Giới Thực.
Giới Hư: Giới hư là giới có biết mà không cần giữ. Giả như người không biết uống rượu thì không cần giữ giới không uống rượu, vì có biết uống đâu mà giữ giới. Hay giới sát sanh, trong lòng người này không có bao giờ nghỉ đến sát sanh, thì giới cấm sát sanh đối với họ không còn cần thiết. Vì thế có người nói tôi giữ mười giới, nhưng thực ra chỉ có vài giới là đang thật, còn những giới khác đã vượt qua từ lâu rồi. Giới có mà coi như không tác dụng thì gọi là Giới Hư.
Giới Trược: Giới trược là giữ giới mà coi khinh người không giữ giới, cho mình giữ nhiều giới hơn kẻ khác thì ngã mạn sinh ra ngày càng nhiều. Dù cho giữ nhiều giới mà bị kẹt mắc, nên tu lâu mà không thành tựu. Giới nhiều như vậy toàn là Giới Trược
Giới Thanh: Giới Thanh là giữ giới mà như quên giới, giữ một cách tự nhiên, nó là niềm vui của đời Tu Tập. Giới được giữ tự do không bị ép buộc, hoặc sợ trừng phạt đời sau, chẳng sợ luân hồi quả báo… giới như vậy là Giới Thanh.
Các giới thường dùng: uống rượu, tình dục lang chạ, trộm cướp, nói dối, nói hành, ác độc, nói thêm bớt, giờ giấc không thường tập luyện, nghĩ điều ác, thù hận, gian manh, thu góp bạc tiền, ăn uống phức tạp…. những điều này mỗi người tự xét nơi đời sống của mình để sửa giảm bớt từ từ. Mỗi ngày giảm một ít lâu dần nó đi liền với thăng tiến công phu tu tập Thiền Thương.
5. Thiền Thương chữa bệnh được không?:
Thật ra, ngồi thiền là một phương pháp chữa bệnh rất hay, rất nhiều bệnh được chữa ổn định nhờ công phu thiền định.
Tôi theo dỏi rất lâu một số lượng lớn người bệnh tập thiền định, những người siêng năng tập luyện, gia tăng giờ công phu, thay đổi cách ăn uống theo hướng ngũ cốc là chính, thay đổi tâm tính theo hướng lành và thiện, thay đổi lối sống khi ở trong đời. Họ được lành rất nhiều các triệu chứng bệnh cũ, không thấy phát sinh những bệnh mới phức tạp. Đời sống trở nên an lành vui sướng, ít lo âu phiền muộn, tính tình thanh thóat. Những điều ấy là thiền định, bàng bạc trong đời sống một chất thiền, không phải là một hành vi giới hạn: “ngồi thiền”.
Thành quả của người thiền định không chỉ là “người khác truyền”, nhưng rất quan trọng là “tự luyện công”. Lẽ tất nhiên rất cần người hướng dẫn, nhưng trong đời người tu tập thiền định không bao giờ chỉ là “một thầy”, mà là rất nhiều nhân duyên tương đắc hỗ trợ. Vì thế “vô sư” là “thầy” mới thật là thầy.
Nên cũng đừng bái ai “làm thầy”, mà cũng đừng xưng “thầy với bất kỳ ai”. Vướng vào điều nầy càng đi càng kẹt. Nếu có một số kinh nghiệm chỉ mang tính sẻ chia bàn luận cũng là vạn phần vui tươi rồi.
Những bệnh con người đôi lúc cần chữa thì thường là Năng lượng thiền định không chữa, nhưng những bệnh con người không cần chữa thì Nó lại thường chữa. Thiền định thường chữa cái gốc của bệnh, còn con người mong cầu thiền định chữa cái triệu chứng của bệnh.
Lúc đầu khi ngồi thiền có thể người ta không thấy kết quả mong cầu, đôi lúc còn nặng thêm, và dể dẫn đưa đến sự chán nãn thất vọng.
Có lần tôi nghe một Chị cấp cao kể chuyện, Chị hướng dẫn rất nhiều người, rất nhiều người được chữa lành một số bệnh quan trọng như ung thư, viêm khớp, vẩy nến, suy nhược, cứng bì, …họ ở với chị thật lâu, nhiều năm. Chị kể họ coi chị như tình gia đình thân thuộc, tôi nói gì họ cũng nghe, siêng năng cùng thiền định.
Rồi có một ngày, họ không thể ở với tôi mãi, họ còn gia đình, và xã hội, tôn giáo, nghề nghiệp…họ phải về nối lại cái mà bệnh đã làm cho họ phải rời bỏ. Khi về nhà, họ còn lui tới và thăm hỏi người từng hướng dẫn mình. Rồi một thời gian, bẵng đi khá dài không liên lạc…có một ngày họ lại tìm đến, tôi nhận không ra, cũng là bệnh cũ tái phát, họ xin tôi ra tay một lần nữa.
Khi ở với tôi, tôi luyện cho họ một “Nếp Sống” đẩy lùi triệu chứng bệnh tật, khi họ về lại với đời sống cũ, nếp sống ấy không còn giữ vẹn, và thế là gốc bệnh chổi dậy và không thể còn cơ hội lành lặn như xưa.
Những triệu chứng đau thương, những điều xấu xa sẽ trở lại, đầy đủ không thiếu vắng một nhân tố nào. Nếu không còn những giây phút thiền định.
Tôi nhìn và thương, ngậm ngùi vì biết rằng vô phương không thể cứu nổi. Tự trong tâm, tôi biết rằng bệnh không hề hết, mặc dù những người đến với tôi, bệnh rất nặng, nghèo khổ, chẳng còn ai thương…khi thiền thì các triệu chứng đau đớn của bệnh lần lần thuyên giảm, các bệnh sắp sinh ra cũng không sinh ra nữa, các bí tắc, suy nhựơc, lão hóa, đề kháng yếu, khó ngũ, bất an, yếu nhược, khổ đau … lần lần ổn định. Đặc biệt tính tình thay đổi theo hướng tốt, lòng từ bi, sự chân thật, điềm tĩnh, sự giúp đở, cười tươi, hạnh phúc…đều mỗi lúc mỗi đậm lên trên cuộc đời người thiền định.
Thiền định tất cả mọi thứ hết sức vững bền và chắc chắn, với điều kiện ngày nào cũng ngồi thiền ít nhất là vài ba lần, mỗi lần một giờ. Nếu hơn nữa thì sẽ có những biến hiện tốt hơn.
Bạn không tốn bất kỳ khỏan tiền nào, ăn càng lúc càng ít, càng đơn giản, ít bữa mà không thấy mệt và yếu.
Bạn không hề lo âu về bệnh tật, sự thiếu thốn, sự thất bại, sự khổ đau…những điều ấy bạn không hề xin bất kỳ người nào, bất kỳ đấng nào, cho dù đấng ấy bạn đã tin tưởng rất lâu…nếu bạn bỏ ngồi thiền. Không ai cho bạn điều tốt lành hay điều gì một cách nhưng không, nó là kết quả của chính bạn đã làm nên.
Trời đã ban cho bạn một quy luật kỳ diệu: “Bạn hưởng cái điều bạn làm ra”.
Vậy thiền không hề chữa bất kỳ bệnh gì? Nó là nhân tố ngăn chặn những nguồn lực xấu tác động lên cuộc đời bạn mà thôi. Nó không làm mất đi cái nhân tố làm cho bạn bị bệnh, thật ra luôn luôn có. Nhưng nó chỉ làm được điều là cái “Nhân” ấy không thể thành hiện thực làm bạn khổ đau. Nói tóm lại TU chỉ làm một việc ấy là thành công vạn kiếp rồi.
Người ta còn nói: “bệnh tật là đại hồng phúc”? Thật thế sao?
Cho dù rằng bạn có hết bệnh, nhờ các phương pháp chữa bệnh khác, cuối sau rồi cũng chết, cái chết mà tâm tánh không thay đổi, khi chết bạn đi vào một “hành trình mới” bằng một tâm thức cũ. Hay nói cách khác không có tiến bộ gì cho một kiếp “Duyên làm Người”.
Nếu bạn được hết bệnh nhờ thiền định, nhưng rồi bạn cũng sẽ chết. Khi ấy bạn đi vào “Hành trrình mới” bằng một tâm thức của “Tỉnh Giác”, của Thấy Biết, của Minh tâm, của sự tiến bộ tâm thức lạ lùng. Bạn ra đi với một nụ cười duyên dáng, thầm tạ ơn mình đã được làm người. Nhờ có bệnh đau nên bước vào thiền định, bước vào thẳm sâu của tâm hồn.
Đôi lúc bệnh đem lại sự thay đổi nội tâm tích cực, Bệnh trở thành là hồng phúc.
Thiền không chỉ là chữa bệnh, mà còn hơn thế, Thiền Thương làm vơi dần khổ đau, khi bạn ở trong đời.
Thiền Thương chữa bệnh ngòai thân,
Còn thêm chuyển hóa vạn phần vọng tâm.
Ngày đêm thay đổi âm thầm,
Trong ngòai xinh đẹp đi gần tánh như.
5. Thiền Thương trong đời sống và làm việc:
Khi bạn đang làm việc, khi bạn đang ở trên xe, khi bạn đang chờ ai, khi bạn đang nghỉ tay giữa công việc, khi bạn không biết phải làm gì, khi bạn không còn sức, khi đang trên giường bệnh, khi đang nuôi người bệnh, khi bạn đang ở một mình…. Bạn hãy thực hiện phương pháp Thiền Thương. Đừng để giờ của bạn nơi cỏi trần này qua đi mà không có bước thăng tiến tâm thức, nếu một giờ đi qua bạn đã để quên mất, coi như giờ ấy đã chết, mặc dầu chúng ta đang còn sống.
Hãy đưa thân tâm, thân ý vào trạng thái thư giãn hoàn toàn như đang ngủ, bạn thấy dòng chảy năng lượng tuôn trào khắp châu thân, bạn thấy sự hòa bình bồi đắp sức mạnh dào dạt, bạn sẽ thấy toàn cơ thể hoạt động mãnh liệt, chỉnh đốn những phần hao tổn do làm việc quá sức, những nơi bị bí tắc dần dần được hồi phục, những tế bào thần kinh quá căng thẳng dần dần tạo lập yên nghỉ. Những tạng phủ phải căng sức đáp ứng những yêu cầu của vọng tưởng sẽ ngừng các hoạt động, trả lại thư sướng tự nhiên vốn có. Bạn sẽ ở trong trạng thái của nhung lụa, của êm ái ngọt ngào, bạn sẽ cảm nhận an lạc của nội tâm mỗi ngày mỗi lớn mạnh không ngừng nghỉ, đó chính là tài sản Thiền Thương.
Bạn hãy ra lệnh cho từng bộ phận của thân “thư giãn mềm mại” – cho đến một lúc bạn sẽ cảm nhận TOÀN THÂN THƯ GIÃN MỀM MẠI. Chúng ta bắt đầu cảm nhận một niềm AN LẠC SÂU XA, không có ai, không tiền bạc nào mua được, không quyền chức nào ban tặng… chỉ khi nào bạn ở trong trạng thái ấy, trạng thái của công phu Thiền Thương mà chúng tôi đã trình bày.
Chúng tôi xin phép được nhắc lại rất nhiều lần trình thuật tu tập Thiền Thương này luôn luôn đem lại trạng thái AN LÀNH HẠNH PHÚC. Trạng thái này là kho báu vô giá, không ai ban tặng cho mình hết mà nhờ chính công phu tu tập, được trợ duyên bởi những thực tại Thánh đức và bạn cùng tu tập, nhưng chính là mình rèn đúc, không có mình thì không có Thiền Thương. Cuộc đời người tập từ đây vơi bớt nhiều khổ đau, có thể có đau mà ít khổ hơn, có nghèo mà giảm khổ, có nạn mà vơi dần khổ… Bạn hãy tin đó là thật, đó là kho báu người đời tìm kiếm để giải nạn khổ, niềm hạnh phúc lần lần sẽ đi vào đời bạn, nhẹ nhàng và thanh thoát, không có gì có thể sánh bằng.
Xin đừng quên khi đường đời muôn vạn nẻo, bạn đã hiểu rằng Thiên đàng đã có tại trần thế, nơi tâm hồn bạn. Chứ không phải là “thế gian không phải là thiên đàng”.
6. Cách tập luyện căn bản:
Ngồi im, ngồi im như tượng, càng lâu càng tốt, càng nhiều càng hay. Ngồi kiết già, bán kiết già, xếp bằng, trên ghế, trên gường… đều được. Trong những cách ngồi nầy nhiều người tu tập lâu ngày cho biết ngồi kiết già là hay nhất. Bạn nên đến lớp ngồi chung với nhiều người, sẽ nâng khả năng ngồi của bạn càng lúc càng tốt lên. Chúng tôi có kinh nghiệm chắc chắn rằng, rất ít người thiền định bằng cách đọc sách rồi tu tập mà thành công, gần như là không có.
Bạn phải đến một nơi, để được khai mở Luân xa. Ngày xưa, mới đầu tôi rất nghi ngại chuyện khai mở Luân xa nầy, vì có vẻ như hoang đường và thần thoại. Nhưng do tiếp xúc với các bạn đồng môn lâu ngày, tôi mới hiểu được rằng: Đó là điều vô cùng quan trọng. Không có, không thành công.
Luân xa cần mở không? Vì pháp môn tu tập cho Người Thường hiện nay là tu tại đời thường, cảnh giới đời thường rất nhiều nghịch cảnh, ngăn trở và động loạn… nên Người Thường tu ở cảnh đời thường hết sức khó khăn. Mở luân xa chính là nối thông giữa người trước và kẻ sau, cầm tay giúp sức, thông truyền năng lực. Giống như người bị bệnh, họ có thể nằm yên một thời gian nghĩ ngơi thì bệnh cũng có thể lành. Nhưng nếu có một người biết về y thuật đến bấm huyệt săn sóc thì nó nhanh lành hơn. Người tu trong chùa chiền, tu viện, am thất…, chung quanh toàn người lành, công năng tu tập lâu ngày đã thường có, cảnh trí chùa thất thanh tịnh, trường lực phổ chiếu đều, nên người ở trong đã có sự trợ lực, luân xa tự nhiên được khai mở và nhờ sự trợ lực luôn nên không cần phải đặt tay mở làm gì?
Ngày nào cũng ngồi, Đúng phương pháp, Đủ giờ, Đạt yêu cầu, và Đều đặn.
Tập đều, đúng, đủ, đạt, vui,
Thân tâm thanh tịnh hành trì giới, bi.
Một ngày bỏ tập biếng lười,
Luân xa đóng lại tạo đời bất an.
Chúng ta cùng bắt đầu bước chân thiền định đầu tiên:
Bước 1: Bạn bắt đầu ngồi yên, tư thế nào cũng được. Bạn thầm ra lệnh toàn thân thư giãn, thong thả lập lại toàn thân mềm mại thư giãn… Bạn cảm nhận sự thư giãn đang lan tỏa trên thân thể, từ từ, êm đềm, nhẹ nhàng, thư giãn lan tỏa cùng khắp châu thân. Ban đầu bạn sẽ không cảm nhận được sự thư giãn, vẫn còn căng thẳng rất nhiều. Bạn đừng lo, đó là chuyện tất nhiên.
Người ta thường nói Tập, do làm một lần chưa được, nên gọi là tập. Ví như bạn tập đi xe đạp, mới đầu vừa trèo lên đã luống cuống và té cái rầm. Lại cố leo lên, đi chưa vững đã thấy té lần thứ hai. Chỉnh đốn tinh thần, tập trung tư tưởng, bạn thấy đã có chút tiến bộ hơn. Cũng vậy, khi bạn ra lệnh thư giãn, cơ thể có chịu nghe đâu? Nó chưa hiểu bạn đang nói với nó điều gì? Một vài lần, bắt đầu nó hiểu và tập làm theo, bộ phận nào dể thực hiện thư giãn nhất, bạn sẽ cảm nhận có hiệu quả ban đầu.
Bạn sẽ cảm nhận chút ít thành công ban đầu, bạn thấy thật là đã có chút thành công ban đầu, chắc chắn là sự thành công tiếp theo sẽ hiện thực. Tiếp tục ra lệnh thư giãn, nhẹ nhàng và êm ái thư giãn. Nếu bạn không nhắc lại trong vài giây một lần, tư tưởng sẽ chạy đi chỗ khác, chỗ mà nó thường nghĩ suy.
Bạn lắng nghe sự thư giãn đang hiện có trong thân mình, bạn lắng nghe một cách chú tâm. Bạn đã đi một đoạn đường đầu tiên của thiền định. Đó là Lắng Nghe.
Bước 2: Sau khi thân thể đã được thư giãn nghỉ ngơi, bạn cảm nhận sự yên tĩnh, sự khỏe khoắn lan tỏa từ từ trong thân, bạn lắng nghe sự thư giãn đang hiện diện. Rồi làm gì nữa đây? Bạn bắt đầu lắng nghe hơi thở. Bạn nhìn thấy hơi thở. Hơi thở đi vào, bạn biết hơi thở đi vào, bạn thấy hơi thở đi vào. Hơi thở đi ra, bạn biết hơi thở đi ra, bạn thấy hơi thở đi ra. Chỉ còn có việc ấy, duy nhất một việc: Hơi thở đi vào, bạn biết hơi thở đi vào – Hơi thở đi ra, bạn biết hơi thở đi ra.
Sau một hồi bạn không thấy hơi thở đi vào, không thấy hơi thở đi ra, mà đang nghĩ một chuyện khác, hay nhiều chuyện khác mà chính bạn cũng chẳng biết chuyện gì? Hay chuyện nọ xọ chuyện kia. Đây là việc rất đáng mừng, vì bạn bắt đầu biết ý nghĩ của mình lan mang vô cùng vô tận, bạn biết ý tưởng vô cùng linh động, có thể nghĩ chuyện xưa, chuyện nay, chuyện ở xa, chuyện ở gần, chuyện bịa đặt, chuyện hư cấu, chuyện gian ác, chuyện phước đức… Đó là bản tính linh diệu của ý, của tâm thức. Nhờ khả năng nầy, khi kiểm soát được ý, ý trở thành công cụ tuyệt hảo, để bạn tha hồ khám phá trùm khắp mọi loài mọi vật, mọi cảnh không còn giới hạn nữa. Cái nầy gọi là Tánh Biết.
Trở lại một chút chuyện trước, khi gặp tình huống lan mang vọng tưởng, biết đó là bản tánh của ý. Khi hơi thở vào, bạn nói thầm trong tâm: Vào. Khi hơi thở đi ra, bạn nói thầm: Ra. Vào – Ra, Vào – Ra… liên tục nhắc thầm như vậy. Phương pháp nầy giúp cho ý được định, phương pháp nầy căn bản, nền tảng, hiệu quả, dễ thực hiện. Gần như nếu không dùng phương pháp nầy, thì không thể hiểu định là gì?
Sau một lúc lòng bạn sẽ lắng xuống, tâm hồn sẽ tự nhiên an tĩnh. Trạng thái nầy gọi là Định. Định là kết quả của Thiền. Đó là Thiền, bạn đã biết Thiền rồi nhé. Bạn tự tin nói với chính mình: “Tôi đã biết Thiền Thương”.
Với hai bước trên, thân và tâm thức đi vào tĩnh lặng, càng ở trạng thái nầy càng lâu, thì sự tĩnh lặng càng sâu. Gọi là định, công phu lâu ngày, đạt được thâm sâu thì gọi là đại định. Năng lượng vũ trụ sẽ tương nhập nơi thân và Tâm của bạn. Bạn hãy yên lặng ngắm nhìn và cảm nhận Nó.
Ngay trạng thái nầy, bạn đồng hòa cùng vũ trụ đồng nhất - “Thiên Nhân hợp nhất” – (Trời và Người trở nên MỘT). Năng lượng khi ở bên ngoài, gọi là năng lượng vũ trụ, khi vào trong con người thì gọi là năng lượng sinh học, chính là năng lượng của bạn. Năng lượng nầy chứa đựng những đặc tính kỳ diệu: sức mạnh rất vĩ đại, trí tuệ trùm khắp, hoàn bích, tốt lành, khắp mọi không gian và thời gian, thấy biết, chuyển đổi, ghi nhớ, tối thiện, thường hằng, như như, làm theo ý của con người … những đặc tính rộng lớn ấy, sẽ biến đổi thân xác và tâm hồn bạn, mỗi lúc, mỗi phút giây, mỗi ngày tháng trở nên đồng một như Trời.
Nếu Bạn muốn, bạn có thể ra lệnh : “nạp năng lượng”, nguyên tắc là: những đều bạn muốn đều được thực hiện ngay lập tức. Bạn quên mình là Thượng đế sao? Bạn sẽ thấy, cảm nhận năng lượng tràn khắc con người của chính mình. Hãy im lặng và nhận ra sự thật tất nhiên nầy.
Năng lượng sinh học chỉ phát huy mạnh mẽ, Khi mình thiền tập, lâu ngày trạng thái “MỘT Ý” được hình thành thói quen, tâm thức luôn ở trạng thái một ý, gọi là định. Dù rằng có những lúc vẫn ở trạng thái Vọng, nhưng ít hơn người không thiền định. Vì vậy ít hao năng lượng hơn.
Năng lượng sẽ được thông suốt khi bạn thay đổi. Trước nay con người sống với năng lượng cũ, năng lượng mới chưa nạp vào, đời sống là những chuổi ngày không an tịnh, bệnh khổ tới lui không đứt đoạn, nghĩ suy miên man đêm ngày không dứt...nếu bạn muốn nạp năng lượng mới giải quyết những vấn nạn ấy, tất nhiên bạn phải thay đổi. Trong quá trình ngồi công phu miên mật thiền định, bạn sẽ thấy "vạn niệm" thường hiện, biến chuyển, rối bời, mơ màng lẫn lộn. Thường gọi là vọng niệm. Vọng niệm nầy dù bạn có ra lệnh "nạp năng lượng" nó cũng chẳng nạp, hoặc như gánh nước thùng lủng mà thôi. Bạn cần phải thay đổi "tánh", thấy một tánh hư xấu, từ từ kiên nhẫn sửa tánh hư xấu ấy, chính là mở đường để năng lượng thâm nhập vào. Sửa được nhiều tánh hư xấu thêm, năng lượng tuôn đổ thêm. Cũng vậy bao việc lành phước đức, bạn cố gắng thực hành những điều tốt nhỏ nhặt, những điều nhỏ ấy góp thành nguồn năng lượng tuôn đổ vào cuộc đời bạn.
"Bệnh tật hay khổ đau là cái kết thành những điều mình đã làm", bây giờ chúng ta thay đổi bằng những điều ngược lại, những điều tốt hơn. Tất nhiên cuộc đời của mỗi người sẽ tốt hơn và xã hội sẽ lành mạnh hơn.
Điều đặc biệt, khi bạn không hao năng lượng cho ra, thì tự nhiên cơ thể lại nạp tự động năng lượng mà Nó cần thiết vào. Năng lượng tầng cao biết dùng loại nào và dùng ở đâu, vô cùng chính xác. Thành qủa nầy tạm gọi là năng lượng sinh học, hay nói cách khác tầng năng lượng mới. Thật ra Nó chẳng mới, chỉ là mới cảm nhận và trình bày mà thôi. Bí mật chữa bệnh chính ở trải nghiệm năng lượng sinh học nầy.
Bạn còn hỏi: Thiền Thương có chữa được bệnh không? Chắc chắn với cơ chế như vậy, là một cơ hội chữa bệnh vô cùng hoàn hảo trong từng giây phút không ngừng nghỉ, toàn vẹn và đầy từ ái.
Khi bạn trồng một cây xoài, bạn đào hố, cho cây xuống và lấp đất, cây bắt đầu sống. Sau một thời gian, cây xoài sinh nhiều trái ngọt. Đơn giản là nó được bắt đầu, với những thao tác đơn giản, cùng với thời gian nó trổ sinh hoa trái, hoa trái được trổ sinh nhờ bạn đã bắt đầu một việc trồng cây xoài, một công việc đơn giản.
Thiền là một con đường dài, được đo bằng những bước chân. Bước chân thường rất đơn giản, ai cũng có thể thực hiện dễ dàng. Bước chân của Thiền là thư giãn và theo dõi Vào Ra của hơi thở chính mình. Bạn cứ nối từng bước chân như thế, chắc chắn bạn sẽ tiến lên trên con đường dài của Thiền Định.
Chắc bạn sẽ còn hỏi thêm nhiều điều trước khi bắt đầu bước chân đầu tiên? Lẽ tất nhiên điều đó rất cần thiết, nhưng quan trọng hơn là chúng ta hãy bắt đầu quyết định tìm cách học Thiền Thương.
Có một ít điều cần trao đổi thêm:
· Con người là linh vật hoàn hảo, vô cùng khó khăn mới có thể làm Người, đã hội tụ tất cả nhân duyên nghiệp lực và khả năng, đã có đủ mọi sự để trở thành chúa tể vũ trụ. Thiền chỉ vén bức màn ấy lên, làm cho thấy, trả lại cái hiện thực vốn NÓ là. Kích thích cái tự tìm thấy, tự tu luyện. Thiền là một phương tiện của con người, con người tuyệt hảo. Toàn bộ hành trình một đời người phải là một công trình Sáng Tạo, không phải là một nơi trả nghiệp và không chỉ là một trường học.
· Thiền không phải thuộc một tôn giáo, cũng không phải là một tôn giáo. Đơn giản Thiền là một phương pháp tịnh dưỡng tinh thần có từ ngàn xưa, nó là tài sản uyên thâm của nhân loại.
· Có thể ngồi nằm đi đứng, ở tư thế nào cũng có thể được lập trạng thái thư giãn và theo dõi hơi thở. Nhưng để tâm trí được định sâu và lâu thì tư thế ngồi trên ghế, ngồi kiết già vẫn là ưu tiên chọn cho những người quyết tâm tu tập cao và sâu. Tuy vậy với những người mới tập ban đầu cũng chưa cần thiết phải ép mình vào những phương thế khó khăn quá sức chịu đựng.
· Thức ăn cho Thiền Định là thức ăn thực vật, ngũ cốc là tốt nhất. Tuy vậy cũng tùy duyên đừng “phải ăn chay mới được”. Chúng ta nên đi từng bước, niềm vui và an lạc là tiêu chuẩn hàng đầu cho mọi bước chân Thiền Định.
· Rượu bia không thích hợp với những bước chân an lạc, bạn chọn bớt từ từ, nên là phương tiện của nghi lễ xã hội, không là đam mê. Bạn sẽ gặp sự hạnh phúc trong Thiền Định, vượt xa rượu bia mang lại cho cuộc đời mình. Bạn tùy chọn, và có một ngày bạn sẽ nhận ra khuyến cáo nầy chân thật.
· Tư duy tích cực, tốt, ích lợi… giúp bạn đạt sự thư thái tâm hồn nhanh hơn với những tư duy tiêu cực, tệ hại, xấu… Bạn từ từ thay đổi, tạo luồng gió mới cho đời mình bằng những tư duy ấy. Không có ai có thể thay đổi, trừ khi chính bạn thay đổi. Cũng vậy, khổ đau hay hạnh phúc là chính bạn chọn lựa, đôi lần những sự chọn lựa rất nhỏ bé và hiện thực, mà lại đem đến những kết quả vô cùng lớn lao.
· Nếu bạn có những bạn đã đi trước và thành công có chừng mực để trao đổi thêm thì quá tuyệt vời. Bạn bắt đầu có những người bạn mới, tự nhiên đến, trạng thái nầy gọi là đồng ứng, đồng duyên.
· Thêm một ít sách nói về Thiền Định, nhưng đừng quá nhiều nếu bạn chưa đi vào thực hành. Nếu đọc sách mà không đi vào thực hành, chỉ làm bạn rối hơn mà thôi.
Từ xưa nay, rất nhiều sách viết về Thiền Định, rất nhiều phương pháp Thiền Định uyên thâm, nhiều bậc thiền sư, đạo sư giảng thiền. Nhưng người chứng đắc rất ít. Vì sao vậy? Có phải Thiền Định là một công việc gian lao khó khăn bậc nhất mà con người không thể làm được? Không phải, không đến nỗi như thế. Trầm ngâm nghiền ngẫm lâu ngày phát hiện hình như là, mọi sách mọi thầy giảng đều hay đều đúng mà còn thiếu một chữ. Chữ đó là chữ gì mà quan trọng như vậy? Xin thưa là chữ THƯƠNG. Thiền là phải thương, không thương thì thiền không được, không tiến bộ gì hết. Cũng công phu, cũng ngồi luyện, cũng giới hạnh, cũng bí truyền bí mật… cao lắm thì thành Tây độc Đông tà trong truyện kiếm hiệp là cùng, không thể thành Tiên Thánh Phật Trời được. Bí mật của Thiền là vô cầu nhưng nó sẽ đồng hợp, trở nên một với Tiên Thánh Phật Trời. Thiền giả không thương thì nội bao công trình gian lao khổ cực có ra gì không?
Thanh Tịnh Tâm có thể gọi là THIỀN THƯƠNG.
Thương dẫn con người đến toàn bích.
Chúc thành quả đến với bạn thật nhanh, như chỉ là một bước chân ban đầu, bước vào vườn xuân hoan lạc, hay chỉ là một hơi thở, nối thông cùng với trời đất, lan tỏa an lành trên tâm hồn bạn.
Thiền thương tạo lập hiền nhân
Nằm, ngồi, đi, đứng, tinh thần tự nhiên.
Rau xanh ngũ cốc sạch hiền,
Rượu bia bỏ bớt, thân liền được an.
Nghĩ suy tích cực mọi đàng,
Chuyển hư, từ ác đàng hoàng tu nhân.
Bạn thiền duyên ứng đến gần,
Kinh sách, quyền thuật, huyệt dần khai thông.
Toàn thân thư giãn lần lần,
Vào – Ra – Thở – Biết, bước dần thành công.
PHẦN II: NĂNG LƯỢNG SINH HỌC VỚI HỌC THUYẾT Y HỌC CỔ TRUYỀN:
Khi nói đến y học cổ truyền, thường con người nghĩ ngay đến Âm Dương. Chúng tôi xin giới thiệu vài nét về Học thuyết Âm Dương, giúp một phần khái niệm một hiện thực, có Danh mà không có hình được thấu tỏ, góp phần minh định những học thuật tương đồng.
- Âm Dương là quy luật của trời đất, cương kỷ của vạn vật, nguồn gốc của mọi biến hoá, căn cội của sự sinh trưởng và hủy diệt, là kho tàng chứa đựng thần minh, trị bệnh phải tìm rõ căn bản của bệnh) ([7]).
- Trong khoảng thiên địa, có khí Âm Dương thường bao phủ con người như nước thường bao phủ cá vậy ([8]).
- Xét lẽ Âm Dương để cơ thể quyết đóan sống chết ([9]).
Như vậy, cơ sở của mọi sự vật và hiện tượng, căn nguyên của mọi vận động biến hoá là 2 khí Âm Dương.
CHƯƠNG II. Âm Dương và Bệnh Lý
a) Quá trình phát sinh bệnh
- Mỗi hiện tượng đều có hai mặt: Một dương (hưng phấn) và một âm (ức chế). Nếu một trong hai tác động trên mạnh hoặc suy kém khác thường làm cho mất trạng thái quân bình âm dương, sẽ dẫn tới tình trạng bệnh lý gọi là thiên suy hoặc thiên thắng.
Việc phân loại âm dương cho sự vật tương đối khó vì Âm Dương chỉ là 2 đặc tính của mỗi sự vật, đặc tính này không hoàn toàn tuyệt đối vì có những vật tuy là dương nhưng so với cái dương hơn lại hoá ra âm.
Vì thế, tạm thời gọi là Dương, những gì có nhiều dương tính hơn âm, và gọi là Âm, những gì có nhiều âm tính hơn dương. Ngoài ra, còn dựa trên nhiều khía cạnh khác nhau để xác định đặc tính âm dương của sự vật. Ở đây, chúng cố gắng đưa ra một số tiêu chuẩn để cơ thể giúp việc phân chia âm dương được nhanh và dễ dàng hơn.
CHƯƠNG III. TÍNH CHẤT CỦA ÂM DƯƠNG
Âm dương là đặc thù của nền y học đông phương. Âm dương cân bằng thì bệnh tật không xảy ra. Trong mọi vận động của đời sống, âm dương luôn chuyển động, dưới tác động của thời tiết, của tình chí của nghĩ suy, của tai nạn, của hoạt động công việc, của tuổi tác, của môi trường… làm âm dương bị thiên lệch mất cân bằng. Đặc tính của âm dương là tự trở về cân bằng (quy luật Bình Hành, Hổ căn). Sau một thời gian âm dương tự động trở lại quân bình. Những khi bị bệnh, con người nghỉ ngơi một thời gian thì bệnh sẽ đở. Sự nghỉ ngơi tự nhiên có tác dụng cân bằng, nhưng có những bệnh, sau lúc nghỉ ngơi vẫn không thuyên giảm? Như vậy là chưa đạt được độ nghỉ ngơi sâu và thời gian chưa đủ. Cũng cơ thể bộ phận tổn thương không còn khả năng hồi phục, hoặc điều kiện ngoại cảnh chưa hổ trợ đủ.
Vũ trụ chia nhỏ dần thành một chuỗi 2 mặt Âm Dương vô cùng tận.
Như vậy, con người luôn ở trong trang thái: Cân bằng – Mất cân bằng – Cân bằng. Nếu con người lâm vào tình trạng mất cân bằng tuyệt đối thì sẽ không tồn tại.
Để duy trì sự sống, với tư cách là một tiểu vũ trụ, con người cần phải biết hoà đồng vào thiên nhiên, vào một hệ thống lớn là: Thiên – Địa – Nhân. Hệ thống này luôn biến đổi, những biến đổi đó vừa theo quy luật vừa không theo quy luật (bất thường). Cũng cơ thể vì những hạn chế nhất định, con người chưa tổng kết được, nên vẫn phải coi những biến đổi bất thường là ở ngoài quy luật. Con người không nên có ảo tưởng chống lại thiên nhiên, mỗi bước chống lại thiên nhiên là một bước bị trừng phạt, bởi thiên nhiên trong tương lai nhiều khi cũng vô cùng khốc liệt, tai hại. Do vậy, hoà đồng với thiên nhiên là cách tốt nhất cho sự tồn tại của con người. Muốn vậy, chúng ta phải biết giữ thăng bằng, tạo sự cân bằng. Cân bằng giữa Âm và Dương, Trên và Dưới, Trong và Ngoài, Cho và Nhận, Đầu ra và Đầu vào, …
Vấn đề ở đây là con người nhận ra một sự chuyển động cân bằng âm dương là có thật, trong tình trạng mất cân bằng âm dương. Sự chuyển động tạo lập cân bằng đó gọi là NĂNG LƯỢNG SINH HỌC. Sau một quá trình tập luyện, cơ thể có khả năng làm quân bình âm dương dễ dàng hơn. Phần tập luyện nầy, chúng tôi gọi là phương pháp Thiền Thương.
Khi con người thở vào thuộc Dương, thở ra thuộc âm. Vào ra cân bằng, là dấu hiện, là năng lượng, là hình thái biểu hiệu âm dương đang chuyển về trạng thái cân bằng. Phép thở quan sát, hoặc tịnh tâm, hoặc ý thu năng lượng là phương pháp đưa tâm thức con người trở lại thanh tịnh, dẫn đến âm dương quân bình. Quân bình thì vô bệnh hoặc bệnh được giải trừ.
Đào sâu vào từng hiện tượng, từng vật, người ta thấy: Mỗi mặt Âm hay Dương lại có mặt đối lập ở trong, người xưa gọi là trong Âm có Dương và trong Dương có Âm ([10]).
Phương pháp tập luyện Thiền Thương giúp ta giữ được cân bằng cơ thể. Khi cơ thể cân bằng về các mặt: Đồng hóa và Dị hoá, Tĩnh và Động, Âm và Dương, … thì con người sống không bệnh tật. Ta “điều” năng lượng từ vùng này đến vùng khác để giải bệnh, để đẩy những tà khí ô trược ra ngoài, đó chính là những biện pháp đảm bảo “nội cân bằng”.
Khi ta nạp năng lượng vũ trụ từ bên ngoài vào cơ thể qua các luân xa (đại huyệt) chính là để duy trì sự cân bằng giữa cơ thể và môi trường, cơ thể gọi đó là “ngoại cân bằng”. Hai loại cân bằng này cần có sự bổ sung, kết hợp, tác động lẫn nhau, tạo nên trạng thái tổng cân bằng của cơ thể. Cách tập luyện Thiền Thương, bằng cách nạp khí, điều khí ta cơ thể giữ cho cơ thể luôn ở trạng thái cân bằng, tĩnh tâm, tĩnh trí, thiện chí, … con người sẽ luôn khoẻ mạnh, sống không bệnh tật.
Sống không bệnh tật là một điều hạnh phúc, là ước mơ lớn của con người. Thường xuyên tập luyện Thiền Thương sẽ đem lại cho ta điều đó.
Tự rèn luyện dưỡng sinh theo phương pháp ứng dụng năng lượng Sinh học cũng là sự tu luyện khí vận của âm dương ngũ hành, nhằm lưu thông Kinh Lạc, điều tiết công năng khí huyết, phủ tạng bên trong cơ thể, làm cho âm dương cân bằng, ngũ hành tương bổ cho nhau để đạt mục đích dưỡng sinh, trị bệnh, đề phòng bệnh tật. Tu tâm luyện khí thông qua môn Thiền Thương cũng chính là một trong nhiều biện pháp để cân bằng ngũ hành. Trong thực tế, thường xuyên tập luyện Thiền Thương là một trong nhiều hoạt động cơ thể làm cho Kinh Lạc thông suốt, các cơ quan phủ tạng vận hành hanh thông, nhờ đó mà đạt được mục đích dưỡng sinh, đẩy lùi bệnh tật, thân thể khỏe mạnh ([11]).
Ai cũng đều biết sức khỏe là quý nhất và người ta chỉ biết giá trị của sức khỏe khi đã đánh mất nó. “Người nghèo nhất không muốn đổi sức khỏe của mình để lấy tiền bạc. Người giàu có lại muốn dùng hết tiền bạc cho sức khỏe”. Chính vì vậy, thực hiện các phương pháp bằng mọi cách để phòng bệnh và trị bệnh, bảo vệ và nâng cao sức khỏe là công việc quan trọng và cần thiết đối với tất cả mọi người.
Sách Hòang Đế Nội Kinh có viết: “Chú trọng tại tinh thần đầy đủ ở bên trong, mà không bị ngoại cảnh phân tán, tiềm lực sinh hoạt tự nhiên trong thân thể, lúc nào cũng được duy trì trên mức bình thường, thì tà độc không có cơ hội gây bệnh. ([12]) “. – “Tinh thần được thanh tịnh, thì tấu lý phần cơ nhục đóng kín, dẫn gặp thời tiết khắc nghiệt, khí hậu trái thường, cũng không hại đến sức khỏe con người được “ ([13]) . – “Tinh thần yên lặng, tinh khí giữ gìn đầy đủ ở trong người, thì ít khi mắc phải bệnh độc” ([14]).
Theo triết học Phương Đông, con người là một tiểu vũ trụ, tồn tại và cân bằng trong một hệ thống vật lý và cơ quan hệ mật thiết với môi trường sống. Con người mới sử dụng vài phần trăm khả năng của bộ não, còn hơn 90% bỏ hoang vắng chưa được khai thác… Từ lâu, Y học phương Đông đã phát hiện ra trên cơ thể con người có rất nhiều điểm khi châm kim vào cơ thể chữa được hầu hết các bệnh, người ta tập hợp các điểm đó thành 365 huyệt, nằm trên 12 đường kinh chính và hai mạch là: mạch Nhâm và mạch Đốc. Đặc biệt, trên hai mạch này có chứa các đại huyệt liên quan tới các cơ phận chủ chốt trong cơ thể, đó chính là các trung tâm có khả năng trao đổi năng lượng trực tiếp giữa cơ thể con người và môi trường xung quanh. Khai thông các huyệt đạo trên hai mạch Nhâm – Đốc, có thể thu được năng lượng trong không gian, trong vũ trụ và trở nên cân bằng về trạng thái âm dương. Từ đó, bệnh tật được đẩy lui, cơ thể trở nên khỏe mạnh, những khả năng tiềm ẩn của con người được đánh thức.
Thuyết Kinh Lạc là bộ phận trọng yếu cấu thành hệ thống lý luận Đông y học, nó quán xuyến cả các phương diện sinh lý, bệnh lý, chẩn đoán, trị liệu, … của Đông y, nó chỉ đạo các phương pháp trị liệu hàng mấy ngàn năm nay trên thực tế lâm sàng. Nhận thức và nắm bắt được tình hình phân bố, đường hướng vận hành và công năng chủ yếu của Kinh Lạc trong cơ thể con người sẽ có tác dụng hết sức to lớn cho dưỡng sinh và bảo vệ sức khỏe. Dùng Kinh Lạc điều chỉnh những chỗ mất cân bằng âm dương trong cơ thể chính là phát huy tác dụng của Năng lượng Sinh học.
Bệnh thường sinh ra do nắng, mưa, gió, nóng, lạnh, ướt (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa), rất phức tạp và khó phòng bị. Khi nội khí bên trong được vững vàng thì tà khí khó xâm lấn, nếu bị xâm lấn cũng dễ bị loại trừ([15]). Năng lượng sinh học làm mạnh chân khí, lưu thông kinh mạch, phát tán ngoại tà nhanh chóng.
CHƯƠNG IV. Vị trí các huyệt đạo tương ứng với các luân xa:
Luân xa số 7 ở trên đỉnh đầu, tương ứng với huyệt Bách hội. Nơi hội tụ, cùng đổ về, tất cả các kinh Dương đều hội tụ, “chư dương chi sở hội”.
Luân xa số 6 ([16]) gọi là Kỳ huyệt, nơi rực rở, hào quang. Nằm ở giữa hai huyệt Thần đình và Ấn đường nên gọi là Ngạch trung, nằm ngang với tuyến Yên và tuyến Tùng - 2 tuyến nội tiết rất quan trọng của cơ thể.
Luân xa số 5 ở đốt xương sống C7, tương ứng với huyệt Đại trùy. Hội của sáu kinh dương và Đốc mạch.
Luân xa số 4 ở dưới đốt sống lưng D6, ngay huyệt Linh đài, đối diện phía trước ngực là huyệt Đản trung ([17]).
Luân xa số 3 ở dưới đốt sống lưng L2, ngay huyệt Mệnh môn, là cửa ngỏ quan trọng của sinh mệnh. Đối diện với lỗ rún, huyệt Thần khuyết ([18]).
Luân xa số 2 ở dưới đốt sống lưng cùng cụt, ngay huyệt Trường cường. Khí rất cường thịnh, thuộc về dương.
Luân xa số 1 ở giữa bộ phận sinh dục và hậu môn, ngay huyệt Hội âm. Hội của mạch Nhâm, Đốc ([19]) và mạch Xung.
Thường Nhân
Ø Lớp học THIỀN THƯƠNG thường được tổ chức tại địa chỉ: 1050/73/1 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, TP. HCM. Lúc 14g – 16g ngày thức hai.
Ø Email: thienthaoduong@gmail.com.
Ø Tel: 0903.991960 gặp Lương y Dương Phú Cường.
Ø Nghiên cứu xem thêm tại:thanhtinhtam.blogspot.com.
([5]) Hiền nhân là Người Thật như Tự Nhiên đã hình thành nên Nó. Bản thể Tạo Hóa đã đặc định như thế nào thì Nó như vậy. Nó sống đời sống thuận theo Tự Nhiên vốn có. “Nhân chi sơ tánh bản thiện” – con người tự nhiên vốn là Thiện, là Linh vật, là Trời, là hiền. Nếu sống trái với Tự Nhiên đều bất thiện.
[7] Thiên: “Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận” (Tố Vấn 5) ghi: “Âm Dương giả, thiên địa chi đạo dã, vạn vật chi kỷ cương, biến hóa chi phụ mẫu, Sinh sát chi bản thủy, Thần minh chi phủ dã, Trị bệnh tất cầu kỳ bản”
[8] Trong thiên 'Thiên Địa Âm Dương' - sách 'Xuân Thu Phồn Lộ', Đổng Trọng Thư viết: “Thiên địa chi gian, hữu Âm Dương chi khí, thường tiệm nhân giả, nhược thủy thường tiệm ngư dã”
[9] Sách “Y Học Nhập Môn”, thiên “Thiên Địa Nhân Vật Tương Ứng Thuyết” viết: “Sát Âm Dương, quyết sinh tử”
[10] “Âm trung hữu dương căn, Dương trung hữu âm căn”. (Nội kinh)
[11] Lượt trích từ tác giả bài viết: Tiến sỹ NGUYỄN TẤN LỘC (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - Hà Nội) .
[12] “Chú trọng tại tinh thần sung túc, nhi bất ngoại tán, thân thể duy trì tự nhiên chi sinh hoạt lực, tức vô thọ bệnh chi cơ hội” - Sách Hoàng Đế Nội Kinh chương 1.
[13] “Thanh tịnh tắc nhục tấu bế cự, tuy hữu đại phong hà độc, phất chi năng hại” - Sách Hoàng Đế Nội Kinh chương 1.
[14] “Điềm đạm hư vô, chân khí tòng chi, tinh thần nội thủ, bệnh an tòng lai” – (Sách Hoàng Đế Nội Kinh chương 1)
[15] Nội kinh Tố vấn, chương Bệnh cơ
· [18] Hạ đan điền: Còn gọi là “Đan Điền tinh”, vị trí bắt đầu ngang với huyệt Khí hải (nằm trong khoảng trên đường chính trung, dưới rốn 1, 5 thốn - khoảng 3 cm) và huyệt Mệnh môn (tại cột sống, ngang với thắt lưng). Khi Đan Điền được chủ động kích hoạt, bộ vị của nó hoàn toàn nằm ở giữa và phía trên bụng dưới. Có môn phái thì nói nó nằm trên huyệt Thần khuyết (rốn).
[19] Mạch Đốc (督脉) là mạch trên cơ thể con người theo y học cổ truyền phương Đông. Mạch Đốc thâu tóm tất cả các kinh dương, là một trong hai mạch quan trọng trên cơ thể con người.
Mạch Đốc bắt đầu từ chỗ huyệt Trường Cường chạy ngược lên theo cột sống, qua giữa gáy lên đỉnh đầu rồi vòng xuống giữa mặt và kết thúc ở huyệt Ngân Giao.
Các huyệt chính thuộc Mạch Đốc là Trường Cường, Yêu Du, Yêu Dương Quan, Mệnh Môn, Huyền Xu, Trung Tích, Trung Xu, Cân Súc, Chí Dương, Linh Đài, Thần Đạo, Thân Trụ, Đào Đạo, Đại Chùy, Á Môn, Phong Phủ, Não Hộ, Cường Gian, Hậu Đình (Hậu Đỉnh), Bách Hội, Tiền Đình (Tiền Đỉnh), Tín Hội, Thượng Tinh, Thần Đình, Tố Liêu, Nhân Trung, Đài Đoan, Ngân Giao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét