BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG TỔNG KẾT NĂM 2008
HỘI ĐÔNG Y QUẬN GÒ VẤP.
Kính thưa quý vị đại biểu.
Kính thưa quý vị trong Ban Chấp Hành các Quận Hội Đông Y.
Kính thưa quý Thầy thuốc và toàn thể Hội Viên kính mến.
CẢM NHẬN MÙA XUÂN:
Người ta lại lắng lòng cho một mùa xuân mới, lại hy vọng cho một năm thành công và phát triển. Mở đầu bằng một lời chúc cho toàn thể Quý Vị môt năm mới AN LÀNH HẠNH PHÚC.
AN VUI THANH THÓAT NGƯỜI LÀM THUỐC,
LÀNH BỞI CÔNG THÀNH GỐC BỞI TÂM,
HẠNH VUI THẤU TRIỆT DƯƠNG ÂM,
PHÚC TÀNG TRÍ SÁNG QUANG LÂM ĐẸP ĐỜI.
Cho quê hương, cho người nghèo, cho người thành đạt, cho bệnh nhân, cho người làm thuốc, cho mọi người dân Việt không trừ một ai.
Kính thưa quý vị
Một năm qua, bao trăn trở và suy tư, làm sao cho nền Y Học Việt Nam nói chung, cho nền Đông y nói riêng, vươn lên tầm vóc mới, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Nước nhà trong công tác phục vụ nhân dân với vấn đề điều trị và dự phòng bệnh tật. Đây là vấn đề rất rộng lớn, thi vị của lòng người, thăng hoa của trí tuệ. Đã bao người, tiền nhân và hậu thế thường nhắc: “Nghề y là một nhân thuật” - thuật của tình thương. Vì thế không có con đường đơn độc thành tựu hoàn mãn, mà phải là một sự liên kết mạnh mẽ chu toàn để thăng tiến, liên tục học hỏi đào luyện lẫn nhau qua sự liên kết của Hội Đông Y.
Cách tổ chức sinh hoạt Quận Hội chúng ta thấy có bốn thành phần: Thành Hội Đông y, Mặt Trận Tổ Quốc, Phòng Y Tế Quận và Hội Đông y Quận Gò Vấp.
Hệ thống nầy là một tập hợp nâng đỡ tạo lập sức mạnh, giúp các người làm thuốc vững vàng hành nghề.
Xin giới thiệu vài nét cơ cấu và tình hình hoạt động Hội Đông Y Quận Gò Vấp trong năm qua, năm 2008:
I. Tình hình phát triển và tổ chức Hội:
Danh sách Ban Chấp Hành Hội trong nhiệm kỳ: 7 người.
1. Ly. Huỳnh Văn Minh – Chủ tịch Quận Hội.
2. Ly. Dương Phú Cường – Phó Chủ tịch thường trực.
3. Ly. Lê Nghiêm Trang – Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại. Thủ quỷ
4. Ly. Ngô Văn Quý - Ủy viên thư ký.
5. Ly. Trương văn Luận - Ủy viên Kiểm Soát.
6. Ly. Nguyễn Văn Út – Phụ trách Văn xã. Ủy viên Kiểm Soát.
7. Ly. Nguyễn Sơn - Ủy viên ngoại giao và Văn xã.
v Tổng số Hội Viên: 120 người.
v Tổng số Chi Hội: 5 Chi Hội.
v Trung tâm dịch vụ YHCT: không.
v Số phòng chẩn trị tại quận: 51 phòng chẩn trị.
v Số phòng chẩn trị miễn phí: 02 phòng.
v Số tổ chẩn trị: Không.
v Cửa hàng đông dược và dược liệu: 01.
v Số tổ sản xuất: Không
II. Công tác khám chữa bệnh, Sinh họat và huấn luyện:
1. Công tác điều trị:
Số lượt người đến điều trị: 4342 lượt người
· Châm cứu: 4190 lượt
· Tổng số tiền thu được: 237. 218. 000$
2. Công tác điều trị miễn phí:
Số lượt người đến điều trị: 6221 lượt người
· Châm cứu: 2270 lượt
· Tổng giá trị miễn phí: 240. 000. 000 $
3. Công tác huấn luyện giảng dạy: Không
4. Sinh hoạt Quận Hội:
· Sinh hoạt chuyên môn: Sinh hoạt khoa học kỹ thuật một lần
· Sinh hoạt Ban Chấp Hành: 8 kỳ, Ban thường vụ 20 lần.
III. Các công tác khác của Hội:
Trong năm 2008, Hội Đông y Quận Gò Vấp đã làm được các mặt sau:
1. Cùng với Thành Hội Đông y:
a. Ngày 17. 04. 08 Họp BCH thông báo chiêu sinh khóa 2 lớp bồi dưỡng chuyên môn YHCT tại Trung Tâm Đào Tạo.
b. Ngày 7. 03. 08 Hội thảo về phát triển nguồn nhân lực YHCT trong thời kỳ hội nhập thế giới tại thành hội. – Họp v/v Pháp lệnh phòng chống ma túy.
c. Ngày 29. 05. 2008 - Giới thiệu Hội viên tham dự lớp bồi dưỡng khóa 2: được bảy người.
d. Ngày 25. 07. 08 Nhận thông báo chiêu sinh các lớp YHCT, kết hợp với trường đại học Văn Lang của Thành Hội.
e. Gởi thông báo của Thành Hội và Sở Y Tế v/v sản xuất thuốc để phục vụ trong phòng khám YHCT.
2. Cùng với Mặt Trận Quận:
a. Ngày 02. 04. 08 đi giao tiền nhà tình thương hai căn ở Hội Nông Dân Bến Tre – Thông báo ủng hộ nhà tình thương.
b. Ngày 08. 08. 08 Họp tại MTTQ sơ két quý 1/08 – chuẩn bị nhân sự bầu cử MTTQ Phường.
c. Tham gia hoạt động của MTTQ Quận sáu tháng cuối năm - Vận động thu tiền đợt một nhà tình thương.
d. Ngày 15. 06. 08 đi giao nhà tình nghĩa & tình thương với Hội Nông Dân quận GV ở Hội Nông Dân tỉnh Bến Tre.
e. Ngày 23. 07. 08:
@. Họp sơ kết sáu tháng đầu năm MTTQ và phương hướng hoạt động sáu tháng cuối năm.
@. Chuẩn bị cho Đại Hội MTTQ Quận.
f. Ngày 01. 09. 08 Dự lễ đặt vòng hoa Đài Liệt Sĩ Gò Vấp nhân ngày lễ 02. 09. 08.
g. Ngày 01. 10. 08 - Đi dự đám tang mẹ đ/c Thiệu, chủ tịch MTTQ Quận tại Long Khánh.
h. Ngày 12. 11. 08 Họp tại MTTQ Quận về hiệp thương nhân sự cho Đại Hội MTTQ Quận.
3. Cùng với Phòng Y Tế Quận:
a. Ngày 08. 05 BCH gởi danh sách nhân sự của Quận Hội tham gia công tác kiểm tra y tế tư nhân của Phòng Y Tế Quận Gò Vấp: Ly. Huỳnh Văn Minh, Ly. Dương Phú Cường, Ly. Đào Công Minh.
b. Trong năm qua Hội đã cùng Phòng Y Tế tham gia đoàn kiểm tra hành nghề y tế tư nhân – tham dự buổi đánh giá kết thúc đợt một kiểm tra hành nghề y tế năm 2008.
4. Cùng với Hội Đông Y Gò Vấp:
a. Ngày 29. 02. 08 họp BCH bàn về thành lập ban KHKT. – Bàn về việc thu tiền rác y tế và thuế của các phòng khám. - Củng cố lại BCH.
b. Ngày 17. 04. 08 Họp BCH, đánh giá rút kinh nghiệm v/v tổ chức hội tết năm Mậu Tý. – Phân công Ly. Cường chuẩn bị tài liệu sinh hoạt KHKT. – Ly. Cường báo cáo danh sách nhân sự Ban KHKT Quận Hội.
c. Ngày 29. 05. 2008 đi dự đám tang mẹ LY. Cưng Quận 12. – Ký giấy giới thiệu hội viên xin phép hành nghề 03 người. –– Bàn về phương hướng sáu tháng cuối năm 2008. – Sinh hoạt KHKT – tham gia kiểm tra y tế tư nhân đợt 2/08 – chuẩn bị tư liệu sơ kết năm 2008.
d. Ngày 02. 07. 08 Họp BCH ra mắt Ban KHKT quận Hội.
e. Ngày 05. 07. 08 đi đám tang Lương y Nguyễn Trung Hòa.
f. Sinh hoạt KHKT đề tài “DỊCH LÝ & Y DỊCH” – do Ly. Võ Phước Hưng trình bày.
g. Ngày 01. 10. 08:
Những Hội viên đã thi đậu các khóa YHCT do Thành Hội tổ chức gồm:
· Tổng số H/V đã thi đậu: 11 người.
· Số H/V gởi đi học đợt sau: 07 người.
· Số H/V gởi tiếp đi học: 14 người.
· Số H/V mới tham gia năm 2008: 07 người.
Số H/V thường xuyên tham gia khoảng 40% trên tổng số 120 người.
h. Ngày 09. 11. 08:
· Họp BCH mở rộng thông qua một số vấn đề chuẩn bị công tác tổ chức Hội Tết năm Kỷ Sửu 2009.
· Thông qua quyết định in tư liệu sinh hoạt KHKT đề tài: “Dịch Lý và Y Dịch”.
· Thông báo thư ngỏ cho Hội viên đóng góp ngày hội tết.
· Thông báo tiền còn tồn quỷ.
· Quyết định in lịch Kỷ Sửu làm quà tặng cho Hội Tết.
· Làm báo cáo gởi Thành Hội và MTTQ Quận.
· Làm báo cáo tổng kết năm 2008.
IV. Về công tác khám chữa bệnh từ thiện:
1. Tại phòng khám Tuệ Tĩnh Đường chùa Kỳ Quang II:
· Số lượt người đến điều trị: 60. 998 lượt người
· Châm cứu: 18. 618 lượt người
· Bấm huyệt – vật lý trị liệu: 13. 518 lượt người
· Bệnh nhân nhiễm HIV: 2400 lượt
· Số thuốc thang cấp: 19. 100kg.
· Kinh phí mua y, dụng cụ và dược liệu: 850. 000. 000$
Kết quả phục vụ ích lợi xã hội tổng trị giá: 3. 906. 880. 000$
2. Tại phòng khám Ban Từ Thiện chùa Như Lai:
· Số lượt người đến điều trị: 542 lượt người
· Châm cứu: 6592 lượt người
Kết quả phục vụ ích lợi xã hội tổng trị giá: 129. 000. 000$
V. Công khai tài chính: đến ngày 31.12.2008
1. Tổng thu năm 2008: 14.000.000$
2. Tổng chi năm 2008: 11.000.000$
3. Tồn quỷ năm 2008: 3.000.000$
VI. CẢM NHẬN NỀN ĐÔNG Y TRONG QUẬN NGÀY NAY:
Hiện nay các phòng khám Y Học Cổ Truyền hoạt động bình thường, không có sự cố về y thuật và y đức đặc biệt cần quan tâm. Nhưng nếu nhìn sâu hơn, trong cách nhìn toàn cục hơn, chúng tôi thấy một số vấn đề thực trạng hiện nay đang diễn bày. Khi thăm viếng các phòng khám trong Quận Hội Gò Vấp và các Quận Hội bạn, chúng tôi nhìn thấy sự đơn lẻ, độc hành và nhỏ bé của các phòng khám đông y hiện nay. Hội viên ít đến gần với Hội, cho dù là sự liên kết nầy đem nhiều lợi lạc hơn cho mình. Các Hội viên gần như chỉ đến với Quận Hội khi cần một giấy tờ để hoàn tất thủ tục hành nghề, hơn là đến để tìm kiếm một nơi nương tựa cho hành trình thực hiện y thuật trong đời.
Chúng tôi nhìn thấy sự dừng đứng của phương cách điều trị, trang thiết bị nghèo nàn, đôi lúc chúng tôi cũng nhìn thấy một ít người vương sự tự ngã kiêu mạn đến buồn cười và thương cảm. Hình như bởi cái vô lý vì thiếu được học, đã đẩy đưa người làm thuốc đến như là co cụm, sợ người khác nhìn thấy sự thiếu sót tất nhiên khi không được học tập lâu dài.
Rất ít phòng khám đẹp và có nhiều khách lui tới thường xuyên, gần như không có phòng khám được tập hợp nhiều lương y cùng làm việc nhiều chuyên khoa khác nhau. Ngoài các phòng khám từ thiện trong các chùa của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Khi nhìn qua nền y học hiện đại, với đội ngũ thầy thuốc thường nghiên cứu cập nhật, với trang thiết bị hiện đại càng lúc càng tối tân, với bao trường đại học liên tục đào tạo và đặc biệt quan trọng là lòng tin của nhân dân càng lúc càng thiên về họ, sự tín nhiệm mỗi lúc một có cơ sở. Nói như vậy không phải là không còn có những vấn đề, những cung vòng khuất tất vẫn còn trong nền y học hiện đại.
Một thực tế khác, khi đất nước đã hòa mình vào nền kinh tế toàn cầu, tất nhiên các nước khác cũng đến đầu tư làm ăn nhiều ngành trong đó có nền y học cổ truyền, đặc biệt nền y học của người Trung Quốc. Họ đầu tư bằng sự liên kết. Tài và lực đều rất mạnh, trang thiết bị hiện đại. Tiền, sự hợp pháp, tính kiên trì và lý thuyết đúng cũng như tự tin về nền y học Trung Y. Đây là vấn đề chúng ta cần phải suy nghĩ.
Xin tự hỏi: chúng ta đang ở đâu trong cái toàn thể ấy, và chúng ta đã làm gì để Di Sản Tổ Tiên được Kế Thừa và Phát Huy. Đúng với tinh thần của Chính Phủ tin tưởng vào nền y học Đông y để phục vụ sức khỏe nhân dân.
Chúng ta có một hệ thống gồm: Thành Hội Đông Y, Mặt Trận Tổ Quốc, Phòng Y Tế, và Hội Đông Y Quận, mà Hội Đông Y Quận là nền tảng. Hệ thống nầy là một tập hợp nâng đỡ tạo lập sức mạnh, giúp các người làm thuốc vững vàng hành nghề. Tuy vậy có nhiều Hội Viên không hiểu sự vận hành, sự hổ trợ và đã để mất sự liên kết nầy. Với ý thức như vậy nên sự liên kết của Hội Viên với Quận Hội thường lỏng lẻo, đã làm mất nguồn lực phát triển nhiều mặt của nền Đông Y Việt Nam nói chung.
Để hiểu rõ hơn chúng tôi xin dùng một câu chuyện cổ tích người Việt, câu chuyện nầy có lẽ là người Việt không ai không biết.
Người xưa kể rằng: Có một người cha, khi tuổi đã lớn bèn kêu các con lại, trao cho họ một bó đũa và nói: “Ai trong các con bẻ được bó đũa nầy thì sẽ có phần thưởng lớn”. Lần lượt từng người cầm bẻ thử, tất cả đều thất bại, không ai có thể bẻ gãy được bó đũa. Sau đó người cha lại rút ra từng chiếc, và cho mỗi người thử bẻ. Tất cả đều bẻ gãy được, dù là đứa nhỏ nhất.
Câu chuyện nầy tuy rất thường nhưng nghĩa lý uyên thâm, nền móng xây dựng sự thành công to lớn. Bác Hồ cũng từng dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Xin lập lại cơ cấu tổ chức Hội Đông y Quận Gò Vấp:
1. Đối Với Thành Hội: Quận Hội cùng nhịp thở với Thành hội, Tuy hai mà như một. Thường lắng nghe, hiểu thấu, hòa nhịp, tương thông và chuyển hóa những chương trình hành động. Thành Hội như thuyền trưởng dẫn đường, chúng ta cùng nắm tay và cùng bước. Một năm qua, bao ước vọng, bao suy tư và vấn vương để làm tròn sứ mệnh kế thừa và phát huy di sản tổ tiên truyền lại, đem lợi ích cho đồng bào. Từng bước một chúng ta cùng nắm lấy và hành động. Hội Đông Y Gò Vấp đã có thêm 07 lương y mới, học đã lâu, theo đã dài. Nay chính thức thành tựu nhờ sự liên kết chặt chẻ giữa Quận Hội và Thành Hội Đông Y. Mong rằng những vị lương y mới là nhân tố thúc đẩy Hội phát triển, làm nền móng cho sự tiếp nối, là những người bước theo đàn anh không thiếu nhiệt huyết để xây cho đời tấm gương “mẹ hiền”như đất nước hằng mong đợi. Đó là nét nổi bật trong năm qua hai bên đã tạo lập nhờ sự liên kết nầy đã hình thành.
Thành Hội đã có những buổi nói chuyện chuyên đề, đặc biệt các buổi nói về Cột sống cổ, cột sống thắt lưng, đau khớp vai, rối lọan cương …do BS. Lê Hùng trình bày, tại số 3 Hoàng Việt. Hữu ích, kiến thức được chọn lọc biên tập công phu, dễ hiểu, người trình bày thường rất tâm huyết, đã nâng cao tầm mức hiểu biết đông tây kết hợp cho các người làm thuốc, đặc biệt cho giới lương y.
Thành Hội cảm thông, chia sẻ những ưu tư, lắng nghe những muộn phiền, những ước mơ của từng Hội viên qua sự phản hồi của Quận Hội. Thành Hội là chiếc đũa trong câu chuyện đã dẫn, nhờ có thành hội các cơ sợi hình thành chiếc đũa được tập hợp, được liên kết và được làm mạnh nhờ sự bồi dưỡng liên tục. Nếu Hội viên là một sợi nhỏ kết thành chiếc đũa, thì chỉ một lực nhỏ tác động vào phải bị đứt lìa, nếu không liên kết Hội Viên càng lúc càng trở nên yếu và bị hủy diệt. Vì thế một Hội Viên mạnh làm cho toàn thể mạnh, một Hội Viên yếu làm cho toàn thể yếu. Sự liên kết tương thông: về kiến thức, về y đức …. tất nhiên làm cho chúng ta càng lúc càng mạnh. Đây là ước vọng rất lớn của người làm thuốc. Xin hãy đặt mình vào trong Hội, và cùng nỗ lực xây dựng ý tình đa phương, đối lập dung hòa, phản biện thống nhất. Có như thế quần sáng của sự thật sẽ được bày tỏ, như từng ngọn nến được tập hợp không phải là riêng lẻ mà là một vùng lan tỏa nhờ sự liên kết. Người làm cho chúng ta yếu không phải ở bên ngoài mà chính ở nơi mỗi Hội viên. Quyết định mạnh yếu ở bên trong chứ không phải ở bên ngoài.
2. Mặt Trận Tổ Quốc: chính là bó đũa, tập hợp mọi thành phần dân tộc, mọi bản sắc văn hóa, mọi trình độ, tôn giáo… trong đó có những người làm nghề đông y. Hội đông y là một chiếc đũa, trong cùng một bó đũa. Nó sẽ trở nên mạnh khi cùng đồng hành với Mặt Trận, cùng thao thức với Mặt Trận cùng hết lòng xây dựng Mặt Trận thì gặt hái thành công to lớn. Hội có quyền và bổn phận gắn kết mạnh mẽ để tạo lập mặt trận dân chủ xây dựng đất nước. Sự liên kết hai chiều trên xuống và dưới lên cân bằng thì sẽ tạo lập chân thật sức mạnh đoàn kết. Làm thăng hoa cơ cấu tổ chức Mặt Trận mà Hội đông y là một thành viên. Vì thế có nhiều công việc mà Hội đã làm cùng Mặt Trận trong năm qua.
3. Đối với Phòng Y Tế quận Gò Vấp: Phòng Y Tế có nhiệm vụ truyền thông chính sách và thực hiện pháp luật, giúp cho các Hội Viên đi đúng chính sách quản lý nhà nước, mang lại sự an toàn ổn định cho nhân dân đối với vấn đề khám chữa bệnh. Ví như quản lý chiếc đũa ở đúng vị trí của nó, không bị trệch đường.
4. Đối với Hội Viên: Vai trò của Hội Viên ví như từng sợi nhỏ tạo thành chiếc đũa. Đây là phần quan trọng nhất. Vì không có Hội Viên thì không có Quận Hội. Hội lắng nghe tâm tư tình cảm của Hội viên, lẫn nhịp sống nghề đông y, lắng nghe sức sống y thuật, lắng nghe biến hiện y đức của các người làm thuốc lăn tròn trong xã hội… tiếng ấy lắm lúc là một lời khen tặng, tiếng ấy lắm lúc là sự không hài lòng, lời trách móc nặng nhẹ, tiếng ấy đôi lúc như thì thầm, lọt thỏm vào màng tối mịt mờ và như không có dù nó vẫn hiện hữu… và chúng ta cùng nắm với nhau không phải chỉ là bàn tay nồng ấm thơm mềm, đôi lúc lại là bàn tay nhám thô. Mà phải nắm lấy để không bị rơi tuột. Xin Hội Viên hãy góp phần, bằng lời, bằng văn viết và bằng cử chỉ yêu thương, bằng nỗi lòng trăn trở để xây dựng Quận Hội. Xin đừng ngoảnh mặt, đừng lạnh lùng giao phó rồi đường ai nấy bước, tự thân không cần Hội, tôi đi một mình, vào Hội rắc rối thêm, không ích gì. Nghĩ như vậy là mình tự hủy mình, đi một mình khó mà vững được. Vì Hội là của mình, quả thật là máu thịt của mình, mình không góp phần thì chắc chắn Hội sẽ không thành công được. Cho dù một chút ít thì chúng ta thành công chút ít, không đợi phải nhiều mới được, mỗi người một ít là đủ rồi. Sự hoạt động đôi lúc chưa hẵn là sự đồng thuận, mà phải bắt đầu từ sự chân thật lý tình, mặc dầu chưa đồng thuận rồi thời gian sẽ có đồng thuận phát triển. Khác với đồng thuận ù lỳ chẳng tình lý. Đồng thuận tiêu cực nầy tưởng hay nhưng dần dà đi vào đường hủy diệt. Sự nầy là có thật, và ngày nay đang tồn tại làm suy yếu nhiều mặt con người trong đó có ngành đông y.
Tóm lại Thành Hội và Quận Hội giúp Hội viên trao dồi, bổ khuyết y thuật và y đức, bảo vệ cho Hội Viên trong vấn đề nầy. Mặt Trận giúp Hội Viên thành một khối, tạo lập sức mạnh đoàn kết, Phòng Y tế giúp Hội viên hành nghề đúng pháp luât quy định. Trong mọi sự, Quận Hội là nền tảng, như thế tham gia vào Hội là một việc khôn ngoan và ích lợi thiết thực cho mình và cho mọi người, giúp thăng tiến nhiều mặt cho nghề làm thuốc. Sự liên kết các thành phần được bền chặt phải nhờ vào sự chánh nghĩa, chánh là điều không nghiêng, nghĩa là sự lâu dài. Nhờ như thế mới tạo lập sự bền vững thăng phát, cũng như Bác Hồ thường dạy: gốc mọi sự từ nơi dân, dân chính là chính nghĩa vậy.
Khi bàn thảo về các vấn đề trên, mỗi Hội viên đã nhìn thấy vị trí của mình qua kết cấu tổ chức nhiều ban ngành hoạt động, vì thế nhận rõ vai trò và trách nhiệm của mình. Nếu chúng ta cùng liên kết thì mạnh, và không thì suy. Đông y trong thời đại ngày nay tại Việt Nam, với nhiều chính sách hỗ trợ, nói thật với lòng mình, nó chưa mạnh, còn yếu, nói thật hơn còn dưới trung bình. Các nhân tố trên hình thành một cơ cấu tổ chức vững mạnh, tạo lập phát triển ngành đông y. Hiện nay sự quan tâm của Đảng và chính phủ về Đông y là rất lớn, cụ thể qua Chỉ Thị……. Của Ban Bí Thư Trung Ương. Nhưng nhìn chung nó vẫn còn khiêm tốn trong xã hội, rất ít người được làm việc trong hệ thống y tế nhà nước, cho dù là cấp cơ sở. Bằng cấp không có mã số đào tạo, đào tạo không thống nhất theo chương trình quy định. Đến nay vẫn chưa có trường đại học đông y, tuy đông y xưa nay có dạng học không trường, cha truyền con, thầy truyên trò. Nhưng ngày nay cũng nên có trường đào tạo đông y chính quy, để nâng tầm liên kết y học đông tây. Tại sao con dân Việt, muốn tìm kiếm di sản của cha ông một thời đã là nền tảng trong công cuộc dựng nước và giữ nước mà khó vậy? Phương pháp Đông y được dùng cho săn sóc sức khỏe ban đầu trong dân là rất lớn, hiệu quả ít tốn kém, và an toàn. Thế nhưng nó vẫn chậm trễ trong tiến trình minh chứng và hành động.
Với bề dày hơn 4000 năm, là môt di sản quý giá, được thử thách qua bao thăng trầm vẫn còn sức sống mãnh liệt. Nay như đi thật chậm cho đường vươn tới. Nói nó chẳng có gì hay, cũng không phải. Nói nó không ai ủng hộ, cũng không đúng. Vì sao ai cũng muốn nó mạnh lên mà nó vẫn yếu? Sau khi nhìn chân thật vị trí của người làm thuốc đông y trong lòng nhân dân, chúng tôi xin trình bày cùng hội nghị những ước mong của nhiều Hội Viên đang thao thức kỳ vọng.
VII. ƯỚC VỌNG HỘI VIÊN:
1. Xin mở trường đào tạo nâng cao nền Y Học Đông y: Nhiều người làm thuốc đông y ngày nay thành thật mà nói trình độ còn kém nhiều mặt, nên sẽ gặp nhiều hạn chế trong công tác chăm sóc bệnh nhân. Ước gì được học thêm thông qua Quận Hội, sự học mang tính thường luôn và ổn định. Cái học nên mang hai yếu tố: nghiên cứu nghiêm túc và phổ truyền.
a. Nghiên cứu nghiêm túc: Về lý thuyết chúng ta hiện sách vở có thật nhiều, đủ để nghiên cứu và tự học mọi nơi mọi lúc. Nếu tiếp tục học trong sách rồi giảng truyền thế nầy thế kia, cái học ấy là học không chứng từ, người nghe thường chán và hoài nghi. Nhiều vị làm thuốc có thể rất giỏi, nói chữa đủ bệnh ngày nay ít chữa được, nhưng nói không có bằng chứng cụ thể, nên chẳng ai tin mà người ta còn cười cho rằng nói quá lời. Vì thế cái học phải có số liệu cụ thể, lý thuyết phải đi đôi với thực hành: người thật, bệnh thật và thuốc thật. Ai cũng tôn Hải Thượng Lãn Ông là y tổ, nhưng việc của Người thì ít ai làm theo, khi tham khảo dương án vá âm án chính là sự học thực tế và phổ truyền.
b. Phổ truyền: Khi biết thì chân thật gặp người thì truyền lại, truyền lại tưởng như mất mà không mất. Trong Hội Đông y, người truyền cho hậu thế các thành tựu và thất bại trong điều trị, tưởng rằng mất nhưng lại là những người nổi tiếng hơn cả. Cái tổn hại nhất trong đông y là dấu nghề, và nhiều người đi sau không biết để học nên nền đông y dễ rơi vào lụi bại. Khi trình những Dương Án và Âm Án, thành không dấu, bại không che. Hội sẽ tìm được những người có y thuật vững vàng, và có lòng nhân ái thương dân thương nước truyền lại tâm đắc cho đời sau hành nghiệp. Đó là những người hiền đức trong ngành đông y, bầu chọn họ làm những chức vụ cao, sau một thời gian thế nào ngành đông y cũng phát triển.
Chương trình bồi dưỡng hàng năm, nếu được soạn thảo từ ban chuyên của Thành Hội mang tính thống nhất trình độ chuyên môn làm nền tảng thăng tiến, thì thật là quý giá. Học bằng cách tự học, cùng học hoặc truyền giảng, không nên khô cứng một hình thức bó buộc, miễn sao khi kiểm tra có trình độ thật là đủ. Gần như các điều lệ hoạt động đông y từ trước đến nay, đều nhấn mạnh nâng cao trình độ y thuật, y đức… nhưng không mang tính ràng buộc cho điều kiện hành nghề, nên thực hiện chưa tốt và chưa thành tựu. Ban soạn thảo nầy được thành lập với các thầy thuốc, do lòng tín nhiệm từ hội viên của các Quận Hội tuyển chọn và giới thiệu. Lẽ tất nhiên chọn từ học vị, nhưng đừng quên chọn người thực hiền tài, có tâm có tài thực tế. Về sau mở được trường đại học đông y, để tiếng nói mang tính chính quy với dân và với quốc tế. Sự đào tạo tiến dần đến chính thức công nhận các người làm thuốc đông y là những người có trình độ thật, và tiếp tục phát triển để có học vị được công nhận trên đà phát triển đất nước.
2. Vấn đề sản xuất thuốc xữ dụng trong phòng khám: người ta cứ trách thuốc đông y trộn tân dược, không được kiểm nghiệm, không rõ xuất xứ, có thể nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân… do những người không đủ trình độ chuyên môn bào chế, trong môi trường không đủ tiêu chuẩn. Hội đã nhận công văn về quy định sản xuất thuốc trong phòng khám YHCT của Sở Y Tế, nhưng đến nay cả quận hội Gò Vấp không có một phòng khám nào đủ điều kiện để sản xuất thuốc dùng trong phòng khám được cấp phép. Đó là thực và đó là điều chúng ta cần suy nghĩ. Khi đào tạo người làm thuốc đông y, các thầy dạy thuốc dùng có: cao, đơn, hoàn tán, tể, thang. Lập phương điều trị như lập trận, tùy trận bày binh. Chữa bệnh tùy chứng lập phương, tùy phương dụng dược, muốn nhanh dùng thang, dùng thuốc tán. Muốn hòa hoãn dùng thuốc hoàn dùng thuốc đơn. Muốn bồi bổ lâu dài dùng thuốc cao, dùng thuốc tể. Có loại thuốc chỉ được bào chế làm cao, làm tể, làm hoàn không được bào chế dùng tán dùng thang. Lý của bào chế thật vi diệu cho ý dùng điều trị phương thang. Tiền nhân đã có công nghiên cứu và kinh nghiệm trong các bài thuốc nầy, nay không đủ điều kiện dùng cao đơn hoàn tán tể trong phòng khám, vô tình hủy hoại một phần lớn di sản tiền nhân thì oan uổng cho nền y học nước nhà. Hiện nay các loại thuốc đông y trộn tân dược lan tràn trên thị trường không xuất phát từ các phòng thuốc đông y có quyền hành nghề ([1]), thuốc giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường không phải do các người làm thuốc đông y được quyền hành nghề. Nếu người làm thuốc cam kết không trộn tân dược được quy định cấm, nếu người làm thuốc cam kết thử độ độc, nếu những người làm thuốc hợp nhau xây dựng một phòng bào chế để cùng nhau hoạt động theo tiêu chuẩn của pháp luật, nếu những người làm thuốc tôn trọng pháp luật thì xin cho họ sản xuất thuốc điều trị cho bệnh nhân, với những điều khoản có thể thực hiện được. Thuốc sản xuất tại phòng khám đôi lúc chỉ vài trăm gam, đôi lúc chỉ dùng cho một tháng, đôi lúc dùng cho một năm là nhiều, thậm chí chỉ dùng duy nhất cho một bệnh nhân. Việc cứu người là việc ngay, mà phải làm không minh bạch thì thật là phiền. Xin các ban ngành quản lý soi xét thêm.
3. Thuế cho phòng chẩn trị y học cổ truyền: Sau đi tham vấn và thăm một số phòng khám trong Quận Hội Đông Y Gò Vấp. Những người làm thuốc thường nhỏ và nghèo, lẻ tẻ vài phòng khám có thu nhập cao. Những người làm thuốc còn kiêm thêm các phòng khám từ thiện, nghề làm thuốc không phải lúc nào cũng kinh doanh, thuận mua vừa bán. Đôi lúc còn bán không tiền, chữa không công. Nhiều phòng thuốc than: “thuế lên nhanh quá, chịu không nổi”. Vì là sứ mạng của người làm thuốc lấy việc cứu người làm đầu, nếu sơ sẩy có thể bị nguyền thầy thuốc thất đức. Theo tình hình thực tế, xin báo với Mặt Trận Tổ Quốc, Phòng Y Tế cứu xét hổ trợ, để chế độ thuế có thể giúp người làm thuốc an tâm hành nghề.
4. Nhân sự chính thức tham gia vào Phòng Y Tế Quận: Đông y là một mảng lớn của ngành y tế, những người quản lý ngành y tế đôi lúc còn chưa hiểu thật rõ về nền y học nầy. Nhiều năm qua, quản lý ngành nầy theo pháp luật thì tốt, không có vấn đề gì phải bàn thêm. Nhưng thực tế để nâng tầm cho xứng với thời đại thì ngành quản lý y tế chưa làm được, vì các vị quản lý không có chuyên môn sâu về y lý cổ truyền. Ngày nay các nước tìm về Đông phương để học, ngay tại Việt Nam có rất nhiều người đến tìm hiểu và tham cứu. Nếu họ tìm sâu bản thể đặc sắc đông y Việt Nam, đi vào các Quận Hội tìm hiểu thực tế, có lẽ chúng ta phải nói thật lòng, là còn rất nhiều thiếu sót cần bồi đắp thêm. Để có thể thực hiện các chỉ thị của TW, các thông tư của Chính phủ… về Đông Y cấp thiết như ngày nay, cần một nhân sự của Hội chính thức tham gia vào Phòng Y Tế để cùng làm việc, có thể là cần thiết.
Đó là nỗi lòng trăn trở của Hội Đông Y Gò Vấp trong năm qua, đôi lúc vì những tâm tình sâu kín được bộc bạch, thế nào cũng thiếu sót và va chạm, xin được rộng lòng cảm thông. Xin những ước nguyện nầy thành tựu nếu nó đem lại tốt đẹp cho ngành mà chúng ta cùng thao thức.
VIII. NHỮNG ĐIỀU LÀM ĐƯỢC VÀ CHƯA LÀM ĐƯỢC:
1. Điều làm được:
a. Tạo điều kiện cho các Hội Viên nâng cao tay nghề tránh sai sót trong chuyên môn, thực hiện tốt y đạo của người thầy thuốc.
b. Gắn bó với MTTQ Quận và triển khai những chỉ thị của MT đề ra kịp thời đến Hội Viên.
c. Gắn bó với Thành Hội Đông Y để kịp thời nhận những chỉ thị cấp trên triển khai cho Hội Viên.
d. Cùng với Phòng Y Tế Quận tham gia đầy đủ việc kiểm tra hành nghề y tế tư nhân để kịp thời chấn chỉnh lại những thiếu sót trong việc hành nghề.
2. Những điều chưa làm được:
a. Các Hội viên chưa thật sự gắn bó với Hội. Khi nào cần mới tới, ít khi sinh hoạt thường xuyên.
b. Các chi hội hoạt động chưa mạnh.
c. Trong BCH cũng có những lúc chưa đồng thuận cao. Hoạt động chưa hiệu quả nhiều.
d. Công tác cứu trợ năm 2008 hoạt động kém hơn năm 2007.
Những điều tồn tại trên, BCH Hội Đông Y quận Gò Vấp sẽ chấn chỉnh và rút kinh nghiệm để năm 2009 hoạt động mạnh hơn.
IX. PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NĂM 2009:
a. Tổ chức lớp học HÁN NÔM do Giáo viên Nguyễn Văn Nghĩa giảng dạy cho Hội Viên tham dự.
b. Tổ chức sinh hoạt KHKT thường xuyên theo phương thức trình DƯƠNG ÁN và ÂM ÁN theo từng bệnh cụ thể hàng quý. Đúc kết ra đặc san hàng năm theo các đề tài đã thảo luận.
c. Tiếp tục gắn bó với MTTQ Quận để thực hiện những phong trào của MT đề ra.
d. Gắn NQ của Thành Hội Đông Y với NQ của Quận Hội, tạo điều kiện cho các Hội Viên có điều kiện học tập thuận lợi nhằm nâng cao tay nghề .
e. Hành nghề đúng với Pháp Lệnh Hành Nghề Y Tế Tư Nhân theo hướng dẫn của Phòng Y Tế Quận .
Kính chào đoàn kết và xây dựng. Năm Kỷ Sửu sắp đến, kính chúc Quý Vị Đại Biểu và toàn thể Hội Viên một năm mới AN KHANG THỊNH VƯỢNG. Chúng tôi xin gởi đến gia đình Quý Vị lời chào Khỏe Mạnh Hạnh Phúc.
Gò Vấp, ngày 01 tháng 12 năm 2008
BCH QUẬN HỘI ĐÔNG Y GÒ VẤP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét