Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

HÀNH TRANG VÀO NGHỀ MASSAGE NGƯỜI MÙ

HÀNH TRANG VÀO NGHỀ MASSAGE NGƯỜI MÙ
Ban Giảng Huấn Hội Đông y quận Gò Vấp
Tác giả bài viết: Châu Cao Minh

GIỚI THIỆU
“HÀNH TRANG VÀO NGHỀ MASSAGE NGƯỜI MÙ” Là một giáo trình dành riêng cho người khiếm thị, được đút kết từ kinh nghiệm thực tiễn của tác giả trong suốt nhiều năm gắn bó và làm việc với người khiếm thị. Giáo trình trình bày chi tiết những vấn đề mà người khiếm thị học massage cần trang bị cho công việc tương lai. Giúp các bạn khiếm thị nhận thức đúng và đủ về nghề massage người mù. Thường xuyên luyện tập, trao dồi những điều trong giáo trình này bạn sẽ mau chóng đạt được những mục tiêu trong cuộc sống. giáo trình ngắn gọn, xúc tích, câu chữ bình dân, gần gủi và dễ hiểu, để những ý niệm của tác giả được đến gần với bạn đọc khiếm thị.
Chúng tôi hy vọng rằng gói hành trang này sẽ giúp cho các bạn an tâm hơn. khi các bạn bước vào bất kỳ môi trường làm việc nào, các bạn cũng sẽ tự tin, sống hài hòa với mọi người, được mọi người yêu thương, giúp đỡ. Nếu được như thế thì cuộc sống của bạn chắc chắn thay đổi. Những ước mơ trong cuộc đời bạn sẽ thực hiện được. Cuộc sống này sẽ thật ý nghĩa với các bạn. Hãy đọc từng chương, nhớ thật kỹ và thực hành mọi lúc mọi nơi bạn sẽ thấy những điều tuyệt với đến với bạn.
Trong quá trình biên tập giáo trình không tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được mọi người góp ý để hoàn thiện hơn. Chúc các bạn thân tâm thường an lạc.
CHÂU CAO MINH




CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ NGHỀ MASSAGE.
1.1.         MASSAGE NGƯỜI MÙ QUA CÁI NHÌN CỦA CÔNG CHÚNG.
Mỗi khi có dịp về Sài Gòn hay đi Nha Trang tôi thường nghe người ta nói về massage người mù. Trong đầu tôi chưa hình dung được massage này là gì?  Người mù thì làm sao massage được? suy nghĩ mãi không biết ở đây họ làm gì? Thì bổng thằng bạn của tôi bảo “đi massage mầy”, thôi! Tao không đi đâu, tao chán mấy dịch vụ em út đó rồi, mệt chứ có khỏe đâu. Thằng bạn tôi cười há hốc mồm “tao dẫn mầy đến chổ này đảm bảo không khỏe không lấy tiền”. Trước một câu khẳng định hùng hồn của nó tôi không thể nào từ chối được, đành phải leo lên xe cho nó đèo tôi đi. Loanh quanh từ Quang Trung đến ngã năm chuồng chó, chạy dọc nguyễn Văn Nghi, đến cái chợ Gò vấp tưng bừng buôn bán nhộn nhịp tôi cũng chưa thấy chổ massage nào. Trong đầu tôi nghĩ chắc thằng này lừa mình đi nhậu. Đến Lê Quang định hắn ta quẹo trái vào một con đường nội bộ Trần Quốc Tuấn, trong ánh đèn đường không sáng lắm, một ngôi nhà màu xanh lá chuối non đầy sức sống hiện ra. Giờ tôi mới biết đây chính là cơ sở massage của người mù mà từ lâu tôi đã nghe nhưng chưa được tận mắt thấy. Trong cái lộng lẫy, xa hoa, xô bồ, vàng thau lẫn lộn giữa đất Sài Gòn không biết đây có phải là nơi massage đúng nghĩa? . Thôi đã đến thì vào xem sao. Bước vào, tôi cảm thấy một không gian nhẹ nhàng, mùi tinh dầu sả chanh làm tôi thấy sản khoái. Tôi ấn tượng với cô bé trực quầy dễ thương, ân cần giới thiệu với tôi các dịch vụ nơi đây. Từ ngoài bước vào đã có cảm giác an toàn. Một bài thơ lạ treo trên cửa nói về tác dụng massage rất ấn tượng:
Massage phòng bệnh trẻ, già
Dưỡng sinh, trị bệnh đúng là massage
Mãn tính căn bệnh khó qua
Bấm xoa đúng huyệt thật là hay thay
Không may ta bị trật tay
Vài chiêu nắng chỉnh về ngay ban đầu
Đau đầu sung khớp buồn rầu
Massage một lúc tìm đâu nỗi buồn
Đôi lời chẳng phải nói suông
Thực hư muốn biết về nguồn massage
Tám sáu (86) chẳng ở đâu xa.
Đường trần quốc tuấn ghé qua bệnh lành.
Đúng là một bài thơ vừa có tình, vừa có ý, vừa nói lên tác dụng, lại khéo léo quảng bá địa điểm massage.
Chỉ một giờ đồng hồ được các bạn khiếm thị bấm huyệt, xoa bóp bài bản, điêu luyện. Tôi không thể ngờ rằng họ có thể làm tốt đến như vậy. Cơ thể tôi như có một nguồn năng lượng mới, một sức sống mới. Tôi chia sẻ với các em một khoản tiền nhỏ gọi là “tiền típ”, các em vui vẻ dễ thương chào tạm biệt tôi và một câu lưu luyến để lại trong tôi “khi nào mệt anh đến đây ủng hộ em nhe!”. Tôi chắc chắn sẽ trở lại đây. Trở lại cái nơi mà qua bao đau khổ, mệt mõi giữa cuộc đời con người ta vui tươi đứng dậy, sản khoái và tràn đầy năng lượng. Giờ đây, tôi đã hiểu massage người mù là thế nào. Người mù làm được massage và làm rất tốt. Một dịch vụ massage mang đến sức khỏe cho cộng đồng, giúp giải quyết việc làm cho người khiếm thị tốt nhất.

KHÁI QUÁT THỊ TRƯỜNG MASSAGE NGƯỜI MÙ.
Người mù (người khiếm thị) có nhiều nghề để lựa chọn như:  làm chổi, làm nhan, làm tăm tre…Tuy nhiên phần lớn nghề thủ công không mang lại thu nhập tốt cho người khiếm thị. Người khiếm thị phải sống nhờ vào sự trợ giúp thêm của xã hội, của các tổ chức thiện nguyện, các mái ấm, và của chính phủ…
Một số cơ sở massage người mù xuất hiện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như:  massage hội người mù Cống Quỳnh, massage người mù Nguyễn Đình Chiều, massage người mù trường đua Phú Thọ…nhiều cơ sở massage nhỏ khác xuất hiện sau này như massage người mù 97H, massage người mù Minh Thái, Ánh Dương, Thiện Đạo, Tiến Minh, Thành Công, Như Ý, Bàn Tay Vàng, Đôi Tay Người Mù. v. v.. thị trường massage người mù trở nên đông đúc và cạnh tranh hơn.
Quận Gò Vấp có 9 cơ sở massage người mù đông nhất so với các quận khác. Nhiều cơ sở xuất hiện nhưng cũng không ít những cơ cở phải đóng cửa vì nhiều lý do khác nhau. Thị trường massage người mù đã mang đến cho cộng đồng một dịch vụ chăm sóc sức khỏe mới. Thị trường này đã mang đến việc làm cho trên 100 lao động người khiếm thị tại thành phố hồ chí minh, giúp họ hòa nhập cộng đồng, tự vươn lên và làm thay đổi cuộc sống.
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng được quan tâm, massage người mù là một trong số những lựa chọn an toàn và hiệu quả. Nhưng với một nhu cầu quá lớn, lực lượng lao động người mù chưa đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng do một số hạn chế về kỹ năng làm việc và cách thức tổ chức của các cơ sở. Đây là một thị trường tiềm năng, cần lắm sự chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp, các hội, đoàn thể, cá nhân giúp sức. Người khiếm thị cần nhận thức sâu sắc giá trị của nghề massage để hoàn thiện bản thân, nâng cao trình độ, nghiệp vụ, ngày càng chuyên nghiệp hơn để đóng góp vào thị trường massage một đội ngũ người khiếm thị massage chất lượng.
CHƯƠNG 2: XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU KHI HỌC NGHỀ MASSAGE.
Trang thơ thẩn ngồi một mình, cứ xoe xoe mấy tờ tiền trên tay, 20 nghìn đồng khách vừa típ (tiền boa). Trang cầm một cách hờ hững nó rồi bỏ vào túi thở dài “mấy ngày nay chỉ kiếm được vài trăm, tiền ăn, tiền xài không đủ làm sao gửi về cho thằng con, chắc bỏ nghề massage quá”. Nhưng bỏ nghề massage rồi Trang sẽ làm gì để sống, để nuôi con? Thắng vừa massage cho khách xong xuống hớn hở, xoe xoe tờ 100 nghìn khách vừa típ, cười tươi lẩm bẫm “em yêu massage vì mỗi lần khách típ em vui”. Thắng chế bài hát lẩm bẩm trong niềm vui sướng, vớ cánh tay đụng Trang đang ngồi “ai đây?”. Trang lớn tiếng “Tao”. “chị Trang làm gì mà ngồi đây?”Làm gì kệ tao”. Thắng biết Trang đang bực chuyện gì đó nên im lặng ngồi xuống, không hớn hở, cũng không khoe là vừa làm được 100 nghìn. Thắng hỏi giọng nhẹ nhàng “hôm nay chị muốn ăn gì em khao, lúc nảy làm khách xù bo chị ơi! Đi ăn xả xui” . Câu nói chả đâu vào đâu hết nhưng Trang dường như thấy có người đồng cảm với mình, nên giọng cũng dịu lại, kể liên hồi, như trúc hết buồn bực với Thắng. Thắng cố gắng lắng nghe những bực bội, khó chịu khi Trang làm massage ít khi được khách típ nhiều tiền. Trang vốn là một người đã có nhiều năm đi làm massage, 28 tuổi. Tuy đôi mắt mù nhưng cô cũng dễ nhìn, mái tóc dài, hàm răng đều như hạt bắp, nụ cười duyên dáng.  Trang thường hay chuyển chổ làm, mỗi cơ sở chỉ làm được cao lắm là một tháng. Cuộc sống Trang cứ lênh đênh, trôi dạt hết tỉnh này, qua tỉnh khác. giờ đây Trang đang ở giữa đất sài gòn mênh mông, bao la này, cô như muốn tự chứng tỏ bản thân là một người có nhiều kinh nghiệm. Nhiều người trong cơ sở không thích Trang vì cái tính thích thể hiện, cái tật hay nói xấu những đồng nghiệp xung quanh. Mới vào làm được 2 tuần mà Trang đã tìm những đồng minh của mình. Hằng ngày, ngoài việc làm khách, Trang hay tập hợp các đồng minh lại rỉ tai những chuyện xấu của người này, người kia. Trang cũng là người thích tranh luận, mỗi cuộc họp Trang đều đưa những yêu sách, đòi hỏi chủ phải làm. Trang hay rủ rê các bạn sau giờ làm việc đi ăn, đi nhậu để bàn những kế hoạch đối phó với những chuyện trong cơ sở. Nơi làm việc Trang xem như chiến trường, các đồng nghiệp không chơi với cô ấy thì là kẻ thù, cần hạ gụt. Chỉ 2 tuần thôi, Trang đã trở thành một người có tiếng nói với số đông các bạn. Trang hay kêu gọi các bạn nghĩ việc nếu những đòi hỏi với chủ không được chấp nhận. Trang cũng hay liên lạc với một số nhà báo để kể chuyện khổ khi đi làm nhằm tìm tiếng nói của dư luận để khi cần thiết là cô làm cho chủ mất danh tiếng. Cuộc sống của Trang hàng ngày, hàng giờ đều phải lo toan, phải chiến đấu. Thắng vào cùng lúc với Trang, chàng trai mù từ miền Bắc xa xôi vào lập nghiệp tại sài gòn, 25 tuổi. Thắng mới chuyển chổ làm do cơ sở cũ đóng cửa. Với chất giọng nhẹ nhàng của người Hà Nội.  Thắng chiếm được tình cảm của không ít khách đến massage. Anh chàng ham học hỏi, biết mình tay nghề còn yếu nên hay chủ động tìm những anh chị giỏi để học thêm. Thắng không tham gia vào mấy cuộc chiến không máu của chi Trang. Thắng hay chia sẽ với các đồng nghiệp, quan tâm và luôn có những câu nói động viên mọi người. Mọi người ai cũng yêu quý Thắng. Thắng nhưng lúc nào cũng khiêm tốn, lễ độ với mọi người nên thường nhận được những khoản tiền boa cao. Hôm nay, nhìn Trang rủ rượi buồn bả vì không kiếm được nhiều tiền để lo cho gia đình. Thắng thương đồng nghiệp lại là người đồng cảnh mù lòa tăm tối. Khẽ nắm lấy tay Trang (hành động bình thường của người khiếm thị khi giao tiếp).  Thắng nhẹ nhàng nói “chị Trang! Mục tiêu đi làm của chị là gì?” Đang cuối đầu buồn, Trang ngước mặt lên trước câu hỏi của Thắng, không trả lời mà Trang rơi nước mắt. “chị Trang, con chị đang cần chị mang tiền về để lo thuốc thang, nó cần ăn một miếng bánh ngon, nó cần có đồ chơi, nó cần…” rồi giọng như trầm lại, thắng nghèn nghẹn “em cũng có nhiều ước mơ nhưng chưa thực hiện được, em ước gì mình có nhiều tiền để em thực hiện những ước mơ của em”. Nước mắt Trang cứ chảy mãi, cô nghĩ đến con, đến những ước mơ mà nhiều năm qua mình chưa làm được, nghĩ đến cảnh lang thang nay chổ này, mai chổ kia, bao nhiêu suy nghĩ như dồn về trong đầu óc trang lúc này…” thì thắng bổng mạnh mẽ nói “chị Trang, tất cả những gì chị đang làm trong thời gian qua là lãng phí, là tạo ra khoản cách với mọi người, làm cho chị xấu đi từng ngày, chị không đạt được mục tiêu của mình, cái chính nhất của tụi mình là kiếm tiền để xây dựng cuộc sống tốt đẹp, để xã hội nhìn thấy được mình vươn lên thế nào và hơn hết mình thực hiện được những ước mơ của mình”. sau một hồi lâu tĩnh lặng, nghe đâu đó du dương bài nhạc “long mẹ bao la như biển thái bình, dạt dào…” Trang gạt đi nước mắt, nói bằng giọng nghẹn ngào “chị sẽ cố gắng trao dồi tay nghề thật tốt, ứng xử thật tốt và sẽ học hỏi thêm để kiếm tiền lo cho con chị, má chị mấy ngày nay cũng bệnh lên bệnh xuống”. Thắng an ủi “Thôi chị cứ yên tâm, mình thay đổi thì mọi thứ sẽ thay đối”
          Một tháng trôi qua, Trang sống hài hòa với mọi người, những buổi tụ tập, nhiều chuyện cũng không còn. Mỗi buổi họp Trang đều góp ý để khắc phục những thiếu sót của cơ sở, Trang yêu cầu có những buổi đào tạo tay nghề, những buổi đào tạo kỹ năng giao tiếp để mọi người phát triển hơn. Thu nhập của Trang hoàn toàn cải thiện. Trang sống thật hạnh phúc trong tình yêu thương của mọi người. Mỗi tháng Trang gửi về quê 3 triệu. Trang đang cố gắng từng ngày để nghề massage sẽ chấp cánh cho những ước mơ còn dang dỡ của Trang.
Cánh cửa cơ sở massage đóng lại, kết thúc một ngày làm việc nhưng cánh cửa tương lai đang mở ra cho những cảnh đời bất hạnh nơi đây. Ngày mai này họ sẽ làm được những điều mơ ước…

CHƯƠNG 3: NHỮNG ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI MASSAGE CHUYÊN NGHIỆP.
Sáng nay, thằng Tâm lò mò ngồi dậy, tay nó mò loạn xạ, hối hả đi đụng đầu vào cửa một cái rầm. tối qua, nó thức suốt đêm nói chuyện với đám bạn trên “hội nghị”, làm quen được một em nên xin zalo lên chat. Mọi người đã tập hợp hết trên hội trường. Thầy Hai đang điểm danh để chuẩn bị vào học massage. nó đến lớp trể, mặt mũi bơ phờ. Thầy phạt nó quỳ gối vì không đúng giờ. Buổi học này là buổi ôn tập cuối cùng để chuẩn bị thi. Thằng Tâm vốn dĩ đã đi làm massage người mù vài chổ nhưng do nó không có cái chứng chỉ hành nghề nên những cơ sở chuyên nghiệp không nhận. Chuyến này quyết tâm lấy cho được chứng chỉ, để xin vào những cơ sở chuyên nghiệp làm kiếm tiền và học hỏi nhiều hơn. Nó quỳ gối mà bao nhiêu cái trách móc dồn dập đến trong suy nghĩ của nó: “tại sao nó mù, nó chậm chạp thì đến trể có sao đâu? Chưa gì đã bị la, bị phạt quỳ gối, may mà toàn khiếm thị không thấy, không thui nhục chết…rồi thẩn thờ nó nhớ cái em nói chuyện dễ thương đêm qua. Quỳ gối mà nó cứ lắc lư rồi ngủ gụt. Bổng một cái bóp trên đầu như trời gián. Thầy Hai gỏ vào đầu nó bảo đứng dậy. Nó được thầy nắm tay, nhẹ nhàng dẫn vào trong hàng ngủ của lớp. Vừa dẫn nó đi thầy vừa nói “con đi trể là con không có tác phong chuyên nghiệp vậy làm sao con xin vào được mấy cơ sở chuyên nghiệp để làm”. Thằng Tâm gật đầu “dạ! dạ! . ”.. Thầy Hai 80 tuổi, từng là giảng viên trường đại học khoa học xã hội nhân văn, là người Việt Nam đi tu nghiệp tại Mỹ về ngành giáo dục đặc biệt. Về hưu, thầy gắn bó với các em khiếm thị tại chùa Kỳ Quang 2 nhiều năm, tổ chức bao nhiêu khóa học massage để giúp các em có một nghề để sống. Thầy luôn thấu hiểu tâm tư, tình cảm của các em. Khi nhắc đến thầy ai cũng biết thầy nghiêm khắc nhưng rất thương yêu các em khiếm thị.
 Buổi học kết thúc, bài học massage cũng khép lại 3 tháng học nhưng hôm nay thằng Tâm học được 1 trong 5 điều để trở thành một Kỹ thuật viên massage chuyên nghiệp là: kỹ luật trong lao động.
Điều kiện cần để có thể làm việc tại một cơ sở massage người mù:
1.     Phải là người khiếm thị
2.     Phải có chứng chỉ hành nghề (của người khiếm thị) do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Điều kiện đủ để trở thành một người mù massage chuyên nghiệp:
1.     Kỹ thuật massage phải chuyên nghiệp.
2.     Giao tiếp tốt.
3.     Ngoại hình (người khiếm thị) –tinh thần tốt.
4.     Kỹ luật lao động tốt.
5.     Đạo đức nghề nghiệp tốt.
3. 1. KỸ THUẬT MASSAGE CHUYÊN NGHIỆP
Những kỹ thuật mà các bạn đang học: XOA, DÂY, ẤN, ĐẤM, BÓP, CUỘN, VỖ, RUNG, VỜN.
Đây là những kỹ thuật massage căn bản, giúp cho người học tiếp cận massage một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, để thực hiện một bài massage chuyên nghiệp, đạt hiệu quả cao trong điều trị và thư giãn thì cần có một sự kết hợp, phát triển những cái căn bản lên một tầm cao. Kỹ thuật massage được tác giả biên soan trong một quyển sách “thực hành kỹ thuật massage chuyên nghiệp “.

3. 2. KỸ NĂNG GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI ĐI LÀM
3. 2. 1. GIAO TIẾP VỚI CẤP TRÊN (CHỦ DOANH NGHIỆP, CHỦ CƠ SỞ, QUẢN LÝ).
Khi bước vào một môi trường làm việc, chúng ta cần xác định được vị trí của mình, từ đó có thái độ ứng xử phù hợp. Tuy cấp trên có người nhỏ tuổi hơn ta nhưng ta vẫn phải giữ thái độ kính trọng, lắng nghe góp ý. Hoàn thành công việc dưới sự hướng dẫn của cấp trên. Không được nói xấu, chê bai cấp trên với bất kỳ ai. Tôn trọng và góp ý chân thành hướng đến việc phát triển chung của tập thể. Đấu tranh quyền lợi ôn hòa, đưa những ý kiến vào trong mỗi cuộc họp bằng tâm mong cầu phát triển. Chia sẻ với cấp trên khi gặp khó khăn, vướn mắc. Cùng nhau thực hiện những phương châm, mục tiêu mà cấp trên đề ra được tập thể đồng thuận.
3. 2. 2. GIAO TIẾP VỚI ĐỒNG NGHIỆP
Ngoài là những đồng nghiệp, các bạn còn là những người đồng cảnh, đều khiếm thị. Các bạn cần nắm tay nhau, chung vai, chung long, cùng yêu thương, san sẻ cho nhau.
Những hành vi, lời nói, hành động ảnh hưởng xấu đến đồng nghiệp mình ta nên tránh như:
+ Nói xấu, nói nặng lời, chửi tục, nói thêm, bớt, chê bai đồng nghiệp
+ Nói lời độc ác, vu oan, bịa chuyện, thiêu dệt.
+ Trộm cắp đồ của đồng nghiệp
+ Kết bè, chia phái làm mất tình đoàn kết.
+ Ra lệnh cho đồng nghiệp.
+ Nhiều chuyện của người khác.
+ Đánh nhau với đồng nghiệp.
+ Rủ rê nhậu thường xuyên, hút thuốc, đánh đề, cá độ…
+ La lối, quát mắng đồng nghiệp.
Những hành vi, lời nói, hành động nên làm với đồng nghiệp.
+ Nói lời quan tâm, kết nối, chia sẻ, động viên, khen đúng lúc.
+ Nhẹ nhàng trao đổi ý kiến khi xảy ra mâu thuẩn để thông hiểu nhau.
+ Góp ý chân thành, thẳng thắng với tâm mong muốn đồng nghiệp phát triển.
+ Nhận lỗi, xin lỗi khi vô tình làm tổn thương đồng nghiệp.
+ Bảo vệ, tương trợ đồng nghiệp một cách khôn khéo khi họ gặp khó khan, nguy hiểm.
+ Lắng nghe, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp.
+ Massage cho đồng nghiệp khi bạn mình đau bệnh, nhứt mõi.
+ Lên án những việc làm sai trái ảnh hưởng đến quyền lợi bản thân và tập thể.
3. 3. NGOẠI HÌNH VÀ TINH THẦN LÀM VIỆC.
3. 3. 1. NGOẠI HÌNH:
-         Mặc sạch và gọn gàng
Mặc đồng phục, giữ gìn quần áo luôn sạch và thơm.
-         Vệ sinh cá nhân
Giữ cho răng miệng luôn sạch và thơm.
Chân tay sạch sẽ trước và sau khi làm massage cho khách.
Sử dụng lăn khử mùi (nếu có mùi nặng), tắm thường xuyên.
Nam hớt tóc ngắn, nữ cột tóc gọn gàng.
3. 3. 2. TINH THẦN LÀM VIỆC:
Tập thể dục buổi sáng
Ăn sáng đầy đủ
Niệm phật hoặc ngồi thanh tịnh tâm trước khi bắt đầu vào làm việc.
Ăn uống đầy đủ các buổi trong ngày
Không thường xuyên nhậu, không đưa chất độc hại vào cơ thể.
Không thức quá khuya.
Đeo khẩu trang y tế khi làm khách bị bệnh
3. 4. KỸ LUẬT TRONG LAO ĐỘNG
Người khiếm thị thiệt thòi hơn người bình thường, khiếm khuyết ở mắt, không nhìn thấy rõ những màu sắc tuyệt đẹp của cuộc đời, có người như chìm trong bóng đêm. Các bạn cần làm việc trong một môi trường thoải mái, không gò bó, không quá khuôn khổ. Quá nhiều nguyên tắc, nội quy sẽ làm bạn có cảm giác khó chịu đúng không? Các bạn rất thích được tự do, thích làm theo ý của mình, các bạn ghét những nguyên tắc rườm rà. Có bạn hay tự ti, mặc cảm, có bạn tự cao đến mức khác thường, có bạn siêng năng làm việc nhưng cũng có bạn lười biến, cố chấp. Vậy làm thế nào để có một môi trường chuyên nghiệp trong khi ai cũng muốn làm theo ý của mình? Bạn hãy thử thực hành một số việc sau đây, chắc rằng sẽ không khó cho bạn để trở thành một người khiếm thị massage chuyên nghiệp. điều này sẽ mang đến cho bạn công việc ổn định và bạn sẽ kiếm nhiều tiền hơn.

1.     Làm việc đúng giờ
Giờ làm việc theo quy định của cơ sở, bạn hãy sẵn sàng công việc trước 10 phút.
Thực hiện bài massage đúng giờ quy định (bạn có thể linh động 5 đến 10 phút, nhưng bạn sẽ gặp rắc rối nếu gặp phải một người khách khó tính, bạn có thể làm thêm cho khách 5 hoặc 10 phút nhưng thiếu giờ bạn sẽ bị phàn nàn).
2.     Không gây mất trật tự nơi làm việc.
Bạn hãy tưởng tượng bạn là một khách đi massage nhé! Bạn hãy xem ví dụ sau:
 Bạn bỏ ra 80. 000đ mua vé massage, típ (bo) cho nhân viên thêm ít nhất là 50. 000 đ. Nghĩa là bạn phải có ít nhất 130. 000đ mới đến massage.
130. 000đ này bạn làm mấy giờ để có nó nếu là một nhân viên massage? Cứ mỗi khách 60 phút bạn được hưởng 25. 000đ phần trăm tiền vé, 50. 000đ tiền típ. 60 phút làm bạn được 75. 000đ. vậy bạn phải làm hơn 1 giờ bạn mới có được số tiền mà bạn bỏ ra mua 1 giờ để massage. Nếu để bỏ hơn 1 giờ làm việc cật lực để mua một dịch vụ thư giãn mà bạn không tận hưởng hết giá trị của nó thì bạn sẽ cảm thấy thế nào? Tôi nghĩ bạn sẽ rất tiếc, rất bực mình.
Trong 2 dịch vụ sau đây bạn sẽ chi 130. 000 cho dịch vụ nào nhé! :
A.   Vào một cơ sở massage mà nhận viên đùa giỡn dưới phòng, mở nhạc đủ loại, người hát vọng cổ, người nhạc trẻ, kẻ tranh luận nhau. Trong lúc massage nhân viên này nói chuyện với bạn bên cạnh, kể chuyện phim, chuyện gia đình, cười khoái trá, thỉnh thoảng còn nói tục, chửi thề…
B.    Vào một cơ sở, không gian nhạc du dương nhẹ nhàng, hương thơm thoang thoảng, mọi người nhẹ nhàng. Trong lúc massage nhân viên chỉ giao tiếp vài câu rồi tập trung làm massage, không gian phòng chỉ có tiếng nhạc du dương, thỉnh thoảng vài giọng nói thủ thỉ nhẹ nhàng, ăn cần chăm sóc.
Bạn sẽ chi 130. 000đ cho dịch vụ nào?
3.     Xin nghỉ phép
Làm thế nào để mọi người đều được nghỉ ngơi sau một khoản thời gian làm việc, mỗi cơ sở sẽ có những quy định khác nhau. Song việc cho nhân viên nghỉ phép để được nghỉ ngơi lấy lại sức là điều rất cần thiết đối với người làm massage. Phần nhiều để họ lấy lại cân bằng trong công việc. Đặc thù của nghề massage là trao đổi năng lượng giữa người với người, cho nên một kỹ thuật viên massage không có năng lượng, tâm trí không khỏe sẽ không làm tốt công việc hồi phục sức khỏe cho khách hàng (người bệnh).
Xin nghĩ phép để lấy lại năng lượng làm việc bằng việc: về quê, hít thở không khí trong lành, thể hiện tình yêu thương gia đình, ăn uống, nghỉ ngơi, đi du lịch, thực hành thanh tịnh tâm. Đây là những lý do chính đáng.
Xin nghĩ phép để làm hao hụt năng lượng: tụ tập nhậu thâu đêm, suốt sáng, hát hò,  đàng điếm…để khi trở về làm việc với một cơ thể bệnh tật. Đây là những lý do không chính đáng.
Các bạn cần thực hành:
A.   Nghỉ phép có lý do chính đáng.
B.   Nghỉ đúng số ngày đã xin.
C.   Nghỉ phải thông báo cho cấp trên biết để sắp xếp.
D.   Nghỉ theo lượt quy định.
4.     Tác phong nhanh nhẹn
Tuy người mù không thể nhanh nhẹn như người sáng mắt nhưng các bạn thấy đấy: ngày nay, người mù có thể làm được rất nhiều việc như: sử dụng máy vi tính, sử dụng smartphone, có thể tự định hướng đi trên các tuyến đường, sử dụng zalo, facebook, …vậy thì việc tạo một tác phong nhanh nhẹn là hoàn toàn có thể.
Các bạn cần thực hành mấy việc sau để có tác phong nhanh nhẹn:
1.     Luôn trong tư thế sẵn sàng làm việc.
2.     Xác định vị trí những dụng cụ cần sử dụng khi massage khách.
3.     Sau khi nhận thông tin về khách phải nhanh chóng chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần để thực hiện massage.
4.     Tranh thủ ăn uống đầy đủ khi vắng khách.
5.     Không cố tình chậm chạp, không biết dụng cụ cần sử dụng ở đâu, bê trễ, thở ngắn, than dài, bước đi quá chậm chạp, chải tóc quá lâu… khi nhận được thông tin có khách.
6.     Không để khách chờ quá 5 phút. (trừ những trường hợp đặc biệt)
3.5.         ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP
Bất cứ ngành nghề nào, lĩnh vực nào cũng cần quan tâm đến Đạo đức nghề nghiệp. Nếu quên đi việc này thì chắc rằng công việc sẽ không phát triển bền vững.
Có gieo nhân, tưới duyên ắc thời hái quả
Đắng, bùi, chua ngọt khéo do ta.
Ví như suy thịnh gần gang tấc
Có tài vô đức chớ mong chi.
Nghề massage là ngành kinh doanh nhạy cảm. Đòi hỏi người kinh doanh phải đủ bản lĩnh đối mặc với những khó khăn, thử thách. Massage vốn dĩ rất đẹp nó là một nhánh trong y học cổ truyền phương Đông. Tuy chưa có một nghiên cứu để xác định ai là người đầu tiên khai sinh ra massage. Nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng “massage là một báu vật mà tạo hóa đã ban tặng cho con người”. Từ khi nằm trong bụng mẹ, sự xúc chạm giữa mẹ và con đã tạo ra massage. Khi chào đời, ta được âu yếm, vuốt ve, vỗ về yêu thương cũng là massage. Rồi lớn lên ta có vợ, có chồng massage cũng hiển hiện trong cuộc sống của ta. Khi ta sắp lìa khỏi trần gian nếu được vuốt nhẹ đôi mắt, xoa nhẹ đôi tay, du dương tiếng kinh kệ ta cũng nhẹ nhàng mà ra đi. Massage đã gắn liền trong cuộc sống của chúng ta, massage giúp ta hạnh phúc hơn, bình yên hơn. Thế mà chúng ta không dám nói tới massage vì xã hội đặt để cho nó hai chữ “nhạy cảm”.
Khi bạn đọc đến đây, hãy thấy rằng massage người mù đang mang trên mình sứ mạng quan trọng là “tìm về cội nguồn của massage”. Nơi mà tâm hồn, thể xác được thư thái nhẹ nhàng, nơi mà sự cho và nhận mang tính linh thiên. Nơi mà con người tìm thấy giá trị chân nguyên của massage. Nơi mà con người đã hiểu sai, làm sai và chỉ dám âm thầm tìm đến, âm thầm nói với nhau mà không mạnh mẽ lớn tiếng khẳng định rằng “massage là tốt đẹp”.
Vậy làm sao để massage được tốt đẹp?
1.     Yêu quý nghề massage và xem nó như một phần không thể thiếu trong đời sống của mình.
2.     Hiểu đúng và làm đúng những gì đã được đào tạo tại chùa.
3.     Không làm theo chỉ dẫn của những người không có kiến thức, kinh nghiệm massage.
4.     Không bằng bất cứ mọi giá để kiếm tiền.
5.     Luôn kinh trọng người chủ của mình.
6.     Chia sẻ kinh nghiệm, tay nghề với đồng nghiệp.
7.     Làm đúng pháp luật.
8.     Không vòi vĩnh tiền típ, không thể hiện thái độ bực mình khi làm khách.
9.     Làm đúng động tác quy định, đúng giờ.
10.             Nhiệt tình chăm sóc người bệnh.
11.            Chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với khách hàng.
12.            Không cố tình làm đau, làm qua loa cho khách vì biết khách không típ cao.
13.            Không né tránh, tìm lý do để không làm khách có thu nhập thấp như: người già, xe ôm, …
14.            Luôn giữ thái độ niềm nở vui tười với tất cả khách hàng dù họ là ai.
15.            Tôn trọng và giữ kín những câu chuyện mà khách chia sẻ với ta.
16.             Không kể những tật xấu của khách, đem ra bàn luận mà phải chia sẻ chân tình để khách có thái độ phù hợp với môi trường làm việc lành mạnh.
17.            Luôn thăm hỏi và lắng nghe đóng góp ý kiến của khách hàng.
18.            Không than thở, kể khổ để lợi dụng tình thương của khách.
Luôn luôn tự tin rằng nghề massage đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống người mù. Massage người mù là một dịch vụ lành mạnh, vì sức khỏe cộng đồng. Người mù làm bằng tất cả năng lực bản thân, được đào tạo và kiếm tiền chân chính từ đôi tay của mình, không bằng sự thương hại của người khác. Luôn có tư tưởng mạnh mẽ, đúng đắn, giữ vững lập trường, trao dồi kỹ năng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp thì chắc chắn rằng thành công sẽ đến với bạn.

CHƯƠNG 4: THAY ĐỔI BẢN THÂN ĐỂ THAY ĐỔI CUỘC SỐNG.
Khi tôi sống tại trung tâm dạy nghề cho người mù Bến Tre, trong thời gian học phổ thông, tôi đã chứng kiến việc học tập, sinh hoạt và mưu sinh của người mù. Họ vất vả bán vé số, học đánh đàn, nhạc đám ma, học bó chổi bông cỏ, làm nhan…Trong đó có nghề massage. Họ cố tìm một nghề để thay đổi cuộc sống khó khăn, cơ cực.
Thời ấy, tôi chưa hiểu về massage cho lắm, được các anh chị khiếm thị lấy lưng để thực hành, lần đầu đau lắm nhưng về sau ghiền luôn lúc nào không biết. Rồi cái cơ sở massage cũng được mở tại trung tâm, mọi người háo hức lắm, cứ nghĩ sẽ có một nghề mới, thay đổi cuộc sống.
 Cơ sở vật chất nơi đây cũng khang trang lắm. Công nhân viên các cơ quan cũng đến ủng hô. Một thời gian sau thì khách vắng. Sau khi rời khỏi Trung tâm để lên học Sài Gòn. Tôi trở về thì cơ sở dường như vắng đến mức không ai đến. Tôi suy nghĩ mãi, buồn trong lòng, quyết định cá cược với bản thân, mình phải làm một điều gì đó để thay đổi, để giúp cho người mù tốt hơn.
 Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng quản trị kinh doanh. Sau 45 ngày đi làm thuê tôi quyết định làm điều mình ấp ủ. Tôi đã có những ngày tháng vật lộn với cơ sở “ĐÔI TAY NGƯỜI MÙ”. Có những tháng ngày canh rau, cơm trắng mà không một chút thịt cá. Lúc ấy tôi cao 1, 65 nặng chỉ có 44 kg. năm 2012 tôi chỉ có 300. 000 đồng về quê ăn tết. Nhà tôi nghèo lắm, cha tôi mù, mẹ tôi mất khi tôi học lớp 12, các chị phải đi ở đợ làm mướn kiếm tiền. Tôi không biết phải nương tựa vào ai giữa cái đất Sài Gòn mênh mông mà tôi thì quá nhỏ bé và yếu đuối. Có lúc tôi tưởng chừng mình gụt ngã. Nhưng ước mơ thay đổi luôn thôi thúc tôi phải làm mọi thứ. Sau 5 năm, từ một cơ sở có 4 nhân viên, mỗi ngày chỉ 15 đến 20 khách giờ đã có 13 nhân viên, mỗi ngày đón tiếp từ 40 đến 50 khách. Gia đình tôi đã thoát nghèo, tôi giờ 60 kg. Các bạn khiếm thị làm việc nơi đây thu nhập ổn định, ngoài lo cho bản thân còn lo cho mái ấm hạnh phúc của mình. Tất cả những gì mà chúng tôi có được là nhờ vào một quyết tâm thay đổi. Thay đổi để ngày một chuyên nghiệp hơn. Nếu bạn muốn thay đổi cuộc đời mình hãy thực hành những điều mà tôi đã trình bày bên trên. Chắc chắn rằng bạn sẽ thay đổi tốt đẹp như chúng tôi.


KẾT LUẬN
Giao trình “HÀNH TRANG VÀO NGHỀ MASSAGE NGƯỜI MÙ” nhằm mục đích giúp cho các bạn khiếm thị cải thiện những kỹ năng còn thiếu sót trong quá trình học và làm nghề massage. Để trở thành một kỹ thuật viên massage chuyên nghiệp đòi hỏi có kiến thức, nhiều năm rèn luyện, tiếp xúc thực tế. Giáo trình nêu chi tiết những việc cần làm để người mù rèn luyện. Tập hợp những câu chuyện thực tế từ đời sống, việc làm massage của người mù qua sự quan sát của tác giả, để giúp các bạn khiếm thị hình dung và dễ dàng cảm thụ nội dung của giáo trình. Hy vọng giáo trình này sẽ là người bạn đồng hành cùng các bạn trên con đường vào nghề massage. Giúp các bạn tự tin, vững chảy, tiến bước xây dựng một đời sống mới trong tương lai. Hãy thực hành và thay đổi ngay hôm nay bạn nhé! . Chúc các bạn thành công.

MỤC LỤC
GIỚI THIỆU
CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ NGHỀ MASSAGE NGƯỜI MÙ
1.2.         MASSAGE NGƯỜI MÙ QUA CÁI NHÌN CỦA CÔNG CHÚNG.
1.3.         KHÁI QUÁT THỊ TRƯỜNG MASSAGE NGƯỜI MÙ.
CHƯƠNG 2: XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU KHI HỌC NGHỀ MASSAGE
CHƯƠNG 3: NHỮNG ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI KHIẾM THỊ MATXA CHUYÊN NGHIỆP.
3. 1. KỸ THUẬT MASSAGE CHUYÊN NGHIỆP
3. 2. KỸ NĂNG GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI ĐI LÀM
3. 2. 1. GIAO TIẾP VỚI CẤP TRÊN (CHỦ DOANH NGHIỆP, CHỦ CƠ SỞ, QUẢN LÝ).
3. 2. 2. GIAO TIẾP VỚI ĐỒNG NGHIỆP
3. 3. NGOẠI HÌNH VÀ TINH THẦN LÀM VIỆC.
3. 3. 1. NGOẠI HÌNH
3. 3. 2. TINH THẦN LÀM VIỆC:
3. 4. KỸ LUẬT TRONG LAO ĐỘNG
3.6.         ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP
CHƯƠNG 4: THAY ĐỔI BẢN THÂN ĐỂ THAY ĐỔI CUỘC SỐNG.
KẾT LUẬN





Không có nhận xét nào: